Người lính Đỗ Xuân Đông ở thôn Đông Trại, xã Đồng Quang (Gia Lộc) đã nêu cao phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, vượt qua khó khăn, hăng say làm giàu.
Hiện nay, bác Đông có 30 chuồng nuôi lợn, cung ứng cho thị trường từ 25-30 tấn lợn thương phẩm/năm
Gác lại giấc mơ dang dởNhập ngũ khi vừa tròn 20 tuổi, bác Đông đã trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt tại chiến trường các tỉnh Tây Nam Bộ, rồi chiến tranh biên giới phía Bắc. Những trải nghiệm trong quân đội đã hun đúc ý định trở thành nhà giáo người lính ấy. “Trải qua những gian khổ thời chiến, những tháng ngày ròng rã hành quân vượt Trường Sơn để vào tuyến lửa miền Nam, rồi giây phút cận kề cái chết, tôi muốn chia sẻ với lớp trẻ những điều quý giá mà mình mắt thấy, tai nghe. Tự hào thay, thế hệ chúng tôi đã góp phần cùng dân tộc đem lại tự do cho đất nước. Khi lớp trẻ được chia sẻ những câu chuyện có thật, những tình cảm, nhiệt huyết ấy, các em sẽ tìm ra lý tưởng sống cho mình”, bác Đông chia sẻ. Do đạt nhiều thành tích, bác được cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân 1 (nay là Đại học Trần Quốc Tuấn). Sau những năm chuyên cần học tập, bác tốt nghiệp loại giỏi và được Bộ Quốc phòng giữ lại trường để đào tạo giảng viên quân sự cho các trường đại học và trung học chuyên nghiệp. Tháng 1-1981, ước mơ trở thành người thầy trở thành sự thật khi bác được phân công giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Kỳ nghỉ phép về thăm quê hương năm 1981 là lúc bác xây dựng được tổ ấm cho mình. Cuối năm 1981, con trai đầu lòng của bác ra đời. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, lớn lên anh không biết nói và bị thiểu năng trí tuệ. Con gái thứ hai của bác Đông là chị Đỗ Thị Quỳnh Như cũng bị thiểu năng trí tuệ, khoèo chân và hỏng một bên mắt. Năm 1991, người con thứ ba của bác là Đỗ Xuân Trung Đức ra đời. Cuối năm 1991, thương con bệnh tật, vợ một mình nuôi con, bác xin thôi việc để trở về quê hương. Vậy là khao khát chia sẻ lý tưởng cho thế hệ trẻ đã phải dừng lại sau 10 năm cống hiến.
Vững vàng trên mặt trận mớiSau nhiều năm chiến đấu, giảng dạy, bác Đông trở về quê hương với tỷ lệ thương tật 2/4. Không nản trước khó khăn, bác quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Bác đã thế chấp căn nhà là tài sản duy nhất có giá trị của gia đình, mua 5 sào vườn để trồng táo, vải thiều. Cũng năm này, bác Đông được bầu giữ chức Bí thư Chi bộ thôn Đông Trại. Vừa chăm lo các con thường xuyên đau ốm, vừa phát triển kinh tế gia đình, bác Đông vẫn làm tốt nhiệm vụ chi bộ giao. Năm 1994 và 1995, thôn Đông Trại đi đầu trong phong trào bê-tông hóa đường thôn xóm và xây dựng đường điện của huyện Gia Lộc. Đây là kết quả mà bác cùng nhân dân bàn bạc, chung sức thực hiện.
Năm 2000, bác đầu tư 400 triệu đồng đào ao, thả cá, xây dựng chuồng trại nuôi lợn trên diện tích 3,4 ha. Năm 2005, bác bán vườn vải để lấy vốn đầu tư nâng cấp chuồng trại, ao cá. Đến nay, gia đình bác Đông đã có 10 ao cá và 30 gian chuồng nuôi lợn. Để trang trại sản xuất hiệu quả, bác Đông dành thời gian đi thăm, học tập kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế của bạn bè ở nhiều nơi, kết hợp đọc sách, báo... Với diện tích ao rộng 2 mẫu, bác thả cá chép, mè, trôi, trắm cỏ, cá chim, rô phi đơn tính và một số loại cá truyền thống khác. Hằng năm, bác tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi của các chuyên gia nông nghiệp do Hội Nông dân các cấp phối hợp tổ chức. Hằng năm, trang trại bác Đông cung ứng cho thị trường từ 20-25 tấn cá, 25-30 tấn lợn thương phẩm, thu lãi từ 300-500 triệu đồng. Trang trại của bác Đông tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/tháng/người (cơm nuôi).
Năm 2009, bất hạnh lại đổ ập xuống gia đình bác khi con trai cả của bác, anh Hanh qua đời. Hiện tại hai người con của bác đều chỉ đạt 81% sức khỏe. Trải qua nhiều khó khăn, bác Đông rất thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân, đặc biệt là các cựu chiến binh và thường xuyên quan tâm, giúp đỡ bằng nhiều cách. Với nhiều hộ nuôi cá, lợn thiếu vốn, bác đầu tư tiền giống, thức ăn từ đầu vụ, đến khi thu hoạch mới trả. Nhiều thanh niên muốn khởi nghiệp, bác tư vấn kỹ thuật, cho vay vốn để phát triển kinh tế. Hiện nay, bác vẫn đang cho vay rải rác trong dân khoảng 300 triệu đồng. Không chỉ giúp đỡ nhân dân, bác còn thường xuyên hỗ trợ kinh phí cho các đoàn thể và địa phương để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao… Năm 2007, bác được biểu dương trong Hội nghị tổng kết phong trào cựu chiến binh giúp nhau nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Gia đình bác Đông cũng nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các ngành, các cấp.
23 năm nay, bác Đỗ Xuân Đông vẫn là Bí thư Chi bộ mẫn cán được người dân thôn Đông Trại tin tưởng. Trong suốt thời gian qua, bác đã không ngừng cống hiến sức lực của mình để xây dựng quê hương và trở thành tấm gương sáng về người lính Cụ Hồ cho thế hệ sau noi theo.
VIỆT QUỲNH