Thuê ngôi nhà ba phòng ngủ được hai tháng, vừa rủ được đủ người ở cùng Minh Tùng nhận thông báo chủ nhà lấy lại để bán vì đang được giá.
''Nhận tin tôi xây xẩm mặt mày. Vừa bực vừa áy náy với những người đang thuê cùng mình'', Minh Tùng, 25 tuổi, nói.
Năm ngoái, anh thuê một căn nhà ở chung với mấy người bạn cùng quê. Ba tháng trước, chủ nhà cũng lấy lại với lý do bán nhân lúc đang giá cao. Nhóm đồng hương Quảng Ninh tỏa đi tìm chỗ trọ. Minh Tùng thuê được căn hộ bỏ không trong ngõ nhỏ ở quận Cầu Giấy, giá 7 triệu đồng, hợp đồng một năm. Anh đăng lên mạng, tìm thêm 5 người khác về ở cùng.
Nhà bỏ không lâu ngày nên mấy người chia nhau dọn dẹp trước khi đến ở. Họ sắm thêm điều hòa, giường tủ, bình nóng lạnh, xác định ở lâu dài. Nhưng ở được hai tháng, chủ nhà đăng tin rao bán. Khách nườm nượp kéo đến xem. Chục ngày sau, chủ nhà thông báo đã bán với giá 23 tỷ đồng, lãi 11 tỷ sau 10 năm. Khách thuê trọ có một tháng để chuyển đi.
Đầu năm 2023, Thùy Linh, 25 tuổi, thuê căn chung cư hai phòng ngủ ở quận Ba Đình, đóng tiền cả năm 96 triệu đồng. Tháng 8/2024, cô được yêu cầu đầu tháng 10 phải chuyển đi bởi căn hộ đã bán. Ngoài trả lại ba tháng tiền nhà, chủ bồi thường thêm 10 triệu tiền hợp đồng. "34 triệu đồng họ trả lại cho tôi có là gì so với việc bán được căn chung cư với giá gần 4 tỷ đồng", Linh nói.
Không chỉ những người thuê trọ trong nội thành như Linh hay Tùng mới lâm cảnh "giữa đường đứt gánh", Ngọc Mai và em gái trọ ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức cũng gặp cảnh tương tự. ''Chủ bảo không cần tiền, đất ngoại thành cũng khó bán nên cam kết cho thuê lâu dài'', cô nói.
Nhưng từ đầu năm 2024 khi giá nhà đất tăng, chủ liên tục đón khách đến xem nhà. Tháng 6 năm nay, họ bán giá 2,5 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thủy, người môi giới mảng nhà thuê phân khúc tầm trung ở Hà Nội, cho biết hiện tượng chủ nhà sẵn sàng bồi thường tiền cọc để lấy lại nhà bán xảy ra nhiều đột biến từ đầu năm 2024.
Lý giải điều này, bà Thủy cho biết do giá nhà tăng liên tục, các nhà đầu tư mua đi, bán lại nhiều. Trong thời gian chờ tăng giá, họ cho thuê để tận dụng, khi nào có cơ hội thì bán. ''Ai không may thì thuê phải. Tiền đền cọc cho khách mấy triệu đồng không đáng gì so với lợi nhuận tiền tỷ'', chị nói.
Gần cuối năm, thị trường bất động sản sôi động hơn nên có thể tình trạng người thuê trọ đột ngột bị đẩy ra đường vì chủ lấy lại nhà bán sẽ nhiều hơn. ''Có khách của tôi một năm chuyển nhà đến ba lần. Cứ vào được vài tháng chủ lại thông báo lấy lại bán'', bà Thủy nói.
Theo báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản Hà Nội quý 3/2024 của Savills, giá nhà ghi nhận xu hướng tăng trong 9 tháng đầu năm. Thị trường sơ cấp tăng 6% theo quý và 28% theo năm. Giá bán chung cư cũ cũng tăng 10% theo quý và 41% theo năm.
Kể từ năm 2020, giá nhà thị trường thứ cấp tăng trung bình 17% mỗi năm.
Quý 3/2024, thị trường đất nền và nhà riêng tại một số tỉnh phía Bắc, nhất là Hưng Yên, Hà Nội xuất hiện làn sóng tăng giá cục bộ. Riêng Hà Nội, giá đất nền các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Oai tăng từ 53-90%.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho biết tình trạng đuổi khách trọ ra ngoài hay bất ngờ tăng giá thuê là vấn đề bất cập khi thị trường mất cân đối, cầu nhiều hơn cung.
Thực tế nguồn cung hiện tại chỉ có thể phục vụ giới nhà giàu và đầu tư. Người lao động thu nhập thấp chính là nhóm bị ảnh hưởng nặng nhất bởi các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mất hẳn phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp.
Sức ép từ giá bán khiến thị trường cho thuê tăng trưởng. 9 tháng đầu năm 2024, lợi suất cho thuê căn hộ tại Hà Nội đạt 4,6%, TP Hồ Chí Minh là 4,1%, trong khi trung bình cả nước là 4,5%.
Báo cáo tâm lý người tiêu dùng bất động sản của trang Batdongsan năm 2024 cho biết nhu cầu tìm thuê căn hộ đang tăng mạnh trong các năm qua. Xu hướng này tập trung ở loại hình chung cư chiếm 38%, tiếp theo là nhà riêng, nhà trọ, lần lượt chiếm 19% và 20%.
Giá nhà trọ tăng từng ngày khiến người thu nhập thấp như Tùng điêu đứng. Mấy ngày qua, họ tỏa đi tìm nhà trống, hy vọng giá như hiện tại để đỡ chi phí, tận dụng đồ đạc.
''Nhưng giá thuê cũng tăng mạnh không kém giá bán. Một nhà ở tầng hầm hơn 30 m2, chủ nhà sửa, ngăn thành hai phòng, đòi giá 6,5 triệu đồng dù không đồ đạc'', Minh Tùng kể.
''Chỗ giá hợp lý thì xa nơi làm việc. Chỗ gần hơn một chút thì giá trên trời. Ngày nào chúng tôi cũng ước chủ thôi bán nhà", chàng trai 25 tuổi nói.
Linh đang lùng sục trong các hội nhóm cho thuê chung cư, tập thể giá rẻ để tìm chỗ ở mới. Cô nhận ra giá trung bình cho căn hộ hai phòng ngủ ở quận Đống Đa, Cầu Giấy, Ba Đình không dưới 10 triệu đồng một tháng. Cô dự định thử tìm nhà ở ngoại thành, hy vọng giá rẻ, ít người mua để không bị đuổi.
Để ngăn tình trạng người thuê trọ bị đuổi khỏi nhà đang thuê khi giá tăng cao, ông Nguyễn Văn Đính nói cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng và các cấp quản lý. Cần tận dụng những điểm mới của luật, tìm những giải pháp để thúc đẩy dự án nhà ở xã hội, nhà ở có giá phù hợp.
Nguồn cung này tăng sẽ làm giảm áp lực cầu, cân bằng áp lực về giá cá. Bên cạnh đó cũng cần tính toán các phương pháp quản lý vĩ mô, đánh thuế bất động sản đúng hướng sẽ làm giảm động lực đầu cơ, khuyến khích các hành vi có ích cho xã hội.
"Còn nếu cứ hô khẩu hiệu nên bình ổn giá thuê thì không chủ trọ nào thực hiện, nhất là khi thấy lợi ích trước mắt", ông Đính nói.
Nhóm của Minh Tùng đang lùng sục khắp nơi tìm thuê chỗ mới. Nếu không tìm được căn hộ hợp giá tiền, anh đành phải chấp nhận thuê căn hộ tầng hầm dù biết giá đắt.
ĐH (theo VnExpress)