Sinh năm 1984, anh Nguyễn Đức Nam đã tích cực sáng tạo, đổi mới nhiều công đoạn tự động hóa áp dụng trong sản xuất, làm lợi cho doanh nghiệp.
Với lòng yêu nghề, tính mày mò của một người thợ cơ khí cộng với sự quan tâm, động viên khích lệ kịp thời của tổ chức công đoàn, anh Nguyễn Đức Nam
(ảnh), sinh năm 1984, công nhân Công ty TNHH Thạch rau câu Long Hải đã tích cực sáng tạo, đổi mới nhiều công đoạn tự động hóa áp dụng trong sản xuất, làm lợi cho doanh nghiệp.
Hằng ngày anh Nam thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị máy móc trong công ty. Nhìn những công nhân trực bộ phận đưa sản phẩm vào bể thanh trùng làm việc thủ công kém hiệu quả, chất lượng không bảo đảm, anh Nam đã nảy ra ý tưởng chế tạo hệ thống máy đảo thạch tự động. Với nguyên lý lắp ghép tự động tay gạt 2 tầng, các cốc thạch được tay gạt dàn đều trên bề mặt băng chuyền, sau đó đảo qua đảo lại. Cách làm này giúp công việc không bị gián đoạn, sản phẩm được dàn đều ngập hết trong nước nóng để thanh trùng, tay gạt đảo loại bỏ hết các nguyên liệu nấu còn bám dính trên vỏ sản phẩm. Từ năm 2010, Công ty TNHH Long Hải đã sử dụng hệ thống máy đảo thạch tự động do anh Nam chế tạo vào sản xuất, làm lợi cho công ty hơn 215 triệu đồng/năm so với việc áp dụng quy trình sản xuất cũ trước đây.
Để có một sản phẩm hoàn thiện đến tay người tiêu dùng phải qua rất nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn lại có một hệ thống xử lý khác nhau. Vì vậy, chàng công nhân trẻ của nhà máy sản xuất rau câu hết hoàn thiện việc cải tiến phần này lại trăn trở tìm cách tăng năng suất, chất lượng cho phần kia. Vậy là từ năm 2010 đến năm 2012, anh Nam đã ấp ủ và chế tạo thành công hệ thống máy đảo nhân dừa tự động. Trong quá trình chế tạo, dù gặp nhiều khó khăn nhưng một lần nữa sự động viên của tổ chức công đoàn, sự tạo điều kiện của lãnh đạo công ty đã giúp anh không nản chí dù kinh phí không nhiều, phải sử dụng những động cơ cũ, thiết bị bỏ đi để lắp ghép. Hệ thống máy đảo nhân dừa của anh Nam có công dụng tự động bơm nước vào bể chứa. Tiếp theo các động cơ gắn cánh xoáy và bộ phận sục khí gắn trong bể ngâm nhân dừa hoạt động. Khi nhân dừa trương nở đến mức đạt yêu cầu, hệ thống sẽ tự ngắt và hú còi báo hiệu để công nhân tiến hành một đợt ngâm đảo nhân mới. Việc áp dụng hệ thống này đã giúp công ty giảm diện tích nhà xưởng (do trước đây việc ngâm đảo trong những thùng nhựa chiếm rất nhiều không gian), giảm sức lao động, nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh, bảo đảm tính đồng đều của sản phẩm. Theo sự đánh giá, thẩm định của hội đồng sáng kiến cải tiến kỹ thuật công ty, hệ thống máy đảo nhân dừa tự động của anh Nam làm lợi khoảng 141,5 triệu đồng/năm.
Ngoài 2 sáng kiến được ghi nhận trên, anh Nam còn mày mò chế tạo, cải tiến nhiều công đoạn khác trong sản xuất như lắp ghép hệ thống con lăn dưới các sọt hàng vừa di chuyển nhanh, vừa đỡ tốn sức lao động. Cài đặt hệ thống mạch điện tự ngắt cho máy ép nhân dừa, bảo đảm chất lượng nhân dừa đồng đều hơn so với thao tác ngắt điện dựa vào cảm giác của người trực như trước đây. Đấu nối mạch điện để đóng gói các túi thạch trọng lượng 1 kg thay vì đóng thủ công như trước, giúp tăng năng suất 1,5 lần...
Bằng tài năng và lòng tâm huyết với nghề, anh Nam đã được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tặng danh hiệu "Lao động sáng tạo", LĐLĐ tỉnh tặng danh hiệu "Bàn tay vàng". Dù đã đạt được những thành công nhất định trong công tác nhưng anh Nam vẫn tiếp tục tham gia lớp học kỹ thuật cơ khí của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên để nâng cao trình độ. Anh Nam cho biết: "Để làm tốt công việc, ngoài khả năng là những điều kiện thuận lợi trong môi trường làm việc, thời gian qua, tôi đã được công đoàn ủng hộ rất nhiều về mặt tinh thần, đặc biệt đã tham mưu với lãnh đạo công ty để tạo điều kiện giúp tôi về kinh phí. Hiện nay, tôi đảm nhiệm vai trò tổ trưởng công đoàn tổ sửa chữa với tổng số 30 đoàn viên. Tôi cũng luôn vận động mọi người đoàn kết, làm tốt công việc của mình, đồng thời phát huy tối đa tinh thần sáng tạo".
NGỌC THANH