Thầy thuốc - thầy giáo Hoàng Điển Phan là người có đóng góp lớn trong đào tạo nhiều thế hệ y bác sĩ cũng như cứu chữa nhiều bệnh nhân...
Bằng giọng nói trầm ấm của một người ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, thầy giáo Hoàng Điển Phan
(ảnh) đã làm tôi chăm chú, lắng nghe những tâm sự của mình ngay từ giây phút đầu. Thầy nói: "Từ một giảng viên của Trường Đại học Y khoa Hà Nội, năm 1968, tôi chuyển về công tác ở Trường Trung học Kỹ thuật y tế Trung ương I (nay là Trường Đại học Kỹ thuật y tế). Sau một thời gian làm việc tại trường, tôi được cử đi đào tạo thêm ở nước ngoài 3 năm. Năm 1975, trở lại trường công tác và tôi được bổ nhiệm chức vụ hiệu trưởng từ năm 1979...".
Nhiều năm gắn bó với sự thăng trầm của nhà trường đã để lại trong tâm trí thầy Phan bao nhiêu kỷ niệm đẹp. Đáng nhớ hơn cả là những lúc nhà trường phải chuyển đổi phương thức đào tạo. Dù đào tạo ở loại hình nào nhà trường cũng luôn luôn quán triệt phương châm: "Biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”. Có thể nói, mỗi lần chuyển đổi phương thức đào tạo là một lần nhà trường phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ, về nội dung chương trình, giáo trình, nhất là về đội ngũ giáo viên. Đó là một bài toán không dễ gì tìm ra lời giải hợp lý và kịp thời. Để đạt được mục đích đa dạng hóa quá trình đào tạo, ông đã căn cứ vào trình độ hiện có và năng lực thực tiễn của đội ngũ giáo viên, kết hợp với điều kiện, hoàn cảnh riêng của từng người để tạo điều kiện cho họ đi tu nghiệp thêm những chuyên ngành mới ở các trường đại học y trong nước hoặc nước ngoài với thời gian và phương thức thích hợp. Tuy bận rộn với công tác quản lý, lãnh đạo nhà trường, nhưng ông vẫn dành thời gian, đặc biệt là vào những buổi tối và những ngày nghỉ để biên soạn tài liệu phục vụ công tác đào tạo. Kết quả là cuốn “Triệu chứng học” và "Cấp cứu nội khoa” của ông đã ra đời. Ngoài ra, ông còn cộng tác với một số giáo sư trong ngành để viết cuốn "Sổ tay thầy thuốc tuyến cơ sở", “Giảng dạy y tá trưởng bệnh viện”.
Tôi đã từng một lần đến trường tìm gặp khi thầy Phan còn là Hiệu trưởng. Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh người thầy giáo với chiếc áo blu trắng đang say sưa giảng bài cho sinh viên. Thầy chỉ bảo tỉ mỉ cho học sinh thực hiện từng thao tác trong việc rèn luyện những kỹ năng nghề nghiệp. Đặc biệt, thầy Phan rất chú ý đến việc rèn luyện cho các em tính nhạy cảm trong khi quan sát sự diễn biến tâm sinh lý của người bệnh những lúc đi thực hành ở bệnh viện. Thầy luôn nhắc học sinh không được coi thường những việc nhỏ, những hiện tượng đơn giản mà mới nhìn tưởng như không có ý nghĩa. Thầy thường khuyên nhủ các em phải có ý thức tự giác tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp thông qua những công việc hằng ngày, nhất là những khi tiếp xúc với người bệnh. Tuy thầy không nói ra, nhưng tôi dễ dàng nhận thấy lý tưởng nghề nghiệp ở một con người mang chức năng "kép” vừa là thầy giáo, vừa là thầy thuốc, muốn trao cho các thế hệ học sinh tất cả những gì mình đã tích lũy được và hy vọng các em có thể sử dụng nó cứu chữa được nhiều bệnh nhân, đem lại cho họ sức khỏe và sự sống. Tâm sự với học sinh, thầy Phan thường nói: “Cuộc đời bệnh nhân giống như một cuốn sách, ở đó chứa đựng nhiều điều bí ẩn mà người thầy thuốc cần đọc để khám phá ra những điều bổ ích cho mình”. Sở dĩ thầy có được những ý kiến sắc sảo và tâm huyết là vì trong suốt 21 năm chỉ đạo các hoạt động của nhà trường, thầy Phan luôn quán triệt vai trò quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học. Quá trình thực hiện 4 đề tài cấp bộ và hàng chục đề tài cấp trường đã tạo ra được một không gian tốt để đội ngũ giáo viên và học sinh nhà trường rèn luyện và trưởng thành. Trong số các vấn đề do thầy Phan chủ trì, đáng chú ý nhất là những đề tài như: "Xây dựng, chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, “Xây dựng mô hình huy động, chăm sóc sức khỏe ban đầu”.
Là người của công việc, mặc dù đã được nghỉ hưu nhưng thầy Phan đã không chịu "lão giả an chi" mà bắt tay ngay vào công việc phối hợp với một số bạn đồng nghiệp mở phòng khám tư nhân Hồng Đức và là người chủ trì đứng ra thành lập Hội Nghề nghiệp y tế tư nhân tỉnh Hải Dương với mục đích tập hợp, phát huy tiềm năng của đội ngũ thầy thuốc tư nhân phục vụ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân theo phương châm "Tự nguyện - Thân thiện - Hiệu quả". Qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, đến nay, hội đã có hàng trăm hội viên thường xuyên chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tính đến nay, các hội viên đã xây dựng được một cơ sở vật chất khá đồ sộ: 1 bệnh viện đa khoa, 30 phòng khám đa khoa, trên 200 phòng khám y học cổ truyền, gần 400 phòng khám chuyên khoa và điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở tất cả các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Một việc làm đã trở nên thường kỳ của các cấp hội là tổ chức việc bồi dưỡng chuyên môn, cập nhật kiến thức cho hội viên, mỗi quý một chủ đề, mời các giáo sư đầu ngành y tế Việt Nam về thuyết giảng. Trong gần 3 nhiệm kỳ qua, hội đã tổ chức được hơn 40 đợt tập huấn cho các cán bộ, hội viên. Để bảo đảm chất lượng hoạt động, hội đã định kỳ tổ chức giám sát hoạt động các cơ sở dịch vụ của hội viên nhằm động viên, khuyến khích các hội viên làm đúng kỹ thuật và nội dung đã đăng ký. Là Chủ tịch hội, bác sĩ Hoàng Điển Phan luôn luôn quan tâm nhắc nhở các cán bộ, hội viên cơ sở phải làm tốt 12 điều y đức và nhớ lời căn dặn của Bác Hồ: "Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần người ốm yếu". Do đó, phải có thái độ cư xử với người bệnh theo tinh thần: "Đến niềm nở đón tiếp, ở tận tình chăm sóc, đi ân cần dặn dò". Chính vì vậy mà quần chúng nhân dân luôn luôn tin tưởng ở các thầy thuốc là hội viên của hội. Bởi vì ở họ đã có sự kết hợp hài hòa giữa "y lý - y thuật - y đức" với "cái tài - cái đức - cái tâm".
Thầy giáo, bác sĩ Hoàng Điển Phan đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 1998 cùng với tấm Huân chương Lao động hạng ba. Đó là những phần thưởng cao quý ghi nhận công lao đóng góp to lớn của ông, một con người đã in đậm trong tâm trí của bao thế hệ sinh viên được ông dạy dỗ và của bao bệnh nhân được ông cứu chữa.
TS.PHẠM TRUNG THANH