Với những đóng góp của mình cho sự nghiệp y tế, lương y Trương Thanh Bình đã được Bộ Y tế và Hội Đông y tỉnh tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
Lương y Trương Thanh Bình
Sinh ra và lớn lên tại thị trấn Thanh Miện, gia đình vốn có truyền thống làm nghề thuốc đông y chữa bệnh cứu người 3 đời nay, lương y Trương Thanh Bình sớm thấu hiểu nỗi khổ của người nghèo khi ốm đau hoặc không may mắc phải bệnh tật. Vì vậy, suốt cả cuộc đời lương y ông đã ra sức mang hết tài năng, tâm huyết của mình để phục vụ người bệnh.
Ông Bình cho biết, năm 1967, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông đã tạm gác nghề thuốc gia truyền của gia đình để lên đường cầm súng đánh giặc. Lúc này đang là thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, bộ đội ta tại các chiến trường bị thương nhiều, lại thiếu thuốc điều trị. Vốn có kiến thức về y trong tay, ông đã xin đơn vị được ở lại nơi đóng quân để điều chế thuốc từ những cây trong rừng điều trị vết thương cho bộ đội. Từ những kinh nghiệm gia truyền đó, ông đã cứu chữa cho nhiều bộ đội bị thương nặng. Sau ngày 30-4-1975, hòa bình lập lại, lương y trở về công tác tại Khoa Đông y Bệnh viện Đa khoa Hải Hưng, được cử đi học thêm chuyên ngành dược. Sau khi được Nhà nước cho nghỉ chế độ, lương y về mở phòng khám và bốc thuốc đông y chữa bệnh tại nhà. Hằng ngày, nhà thuốc của lương y đón hàng chục bệnh nhân đến khám và chữa trị bệnh. Trong đó, chủ yếu là những người bị phong tê thấp, các bệnh về xương khớp, gan, đau lưng, nhức xương, da liễu… Đối với bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nhà ở xa, lương y không chỉ cấp thuốc miễn phí mà hằng ngày còn chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho họ. Sau gần 20 năm khám, chữa bệnh tại nhà, lương y không nhớ hết mình đã chữa khỏi bệnh cho bao nhiêu người. Người bệnh tìm đến ông từ khắp mọi miền của đất nước, có người sau khi đã đi chữa ở nhiều nơi nhưng không khỏi. Điển hình là bệnh nhân Nguyễn Văn Minh ở Vô Hối, thị trấn Thanh Miện bị xơ gan cổ trướng, được ông điều trị sau hơn 5 tháng đã khỏe mạnh và đi lại được. Bệnh nhân Phạm Văn Vinh ở Tứ Kỳ bị thoái hóa đốt sống lưng sau hơn 2 tháng điều trị đã về lao động tốt. Khi bệnh nhân đến nhà ông khám, chữa bệnh, lương y đều yêu cầu họ nghỉ ngơi, sau đó quan sát phong thái cụ thể về sắc mặt, thể trạng, dáng đi, lời nói… để biết được tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Khi họ đã ổn định về phong thái, lương y mới bắt mạch chẩn đoán bệnh, rồi đưa ra một bài thuốc phù hợp trên cơ sở: vọng, văn, vấn, thiết để kê đơn bốc thuốc. Theo lương y Trương Thanh Bình, đối với người thầy thuốc thì chữ “tâm” phải đặt lên hàng đầu. Do vậy, lương y sẵn sàng chữa bệnh từ thiện không lấy tiền đối với người nghèo, lại mắc phải bệnh trọng. Lương y cho biết: “Làm bất cứ công việc gì cũng cần một cái tâm trong sáng. Nhưng đối với người thầy thuốc thì cái tâm phải được đề cao hơn nữa”. Những bệnh nhân được lương y chữa khỏi thường gọi điện đến hỏi thăm. Đây chính là nguồn động lực để lương y không quản ngại sức khỏe, thời gian nghiên cứu, bào chế ra những bài thuốc quý chữa bệnh cho người dân.
Với những đóng góp của mình cho sự nghiệp y tế, lương y Trương Thanh Bình đã được Bộ Y tế và Hội Đông y tỉnh tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
NAM ĐIỀN