Để thực hiện và làm theo tư tưởng của Bác, đòi hỏi mỗi thầy giáo, cô giáo phải nghiêm túc học tập, tu dưỡng, rèn luyện, hết mình với trường lớp, vì học sinh thân yêu.
Trong thư gửi các thầy giáo, cô giáo tháng 10-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang vì giáo dục thế hệ trẻ cho đời sau, giáo dục đội ngũ cán bộ, những người kế tục sự nghiệp của Đảng ta, dân tộc ta để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nếu không có thầy, cô giáo thì không có giáo dục, không có cán bộ và cũng không xây dựng chủ nghĩa xã hội được. Trước đó, trong một lần đến thăm Trường Đại học Sư phạm (ngày 20-10-1964), Bác đã chỉ ra rằng: “Có gì vẻ vang hơn là đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản… người thầy giáo là người vẻ vang nhất”. Người cũng đã từng nói: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt, và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề, nhưng rất vẻ vang. Mong mọi người phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ".
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của thầy, cô giáo không chỉ bởi truyền thống dân tộc ta là tôn sư, trọng đạo, mà còn do yếu tố của thời đại được Người nghiên cứu, tiếp thu các giá trị giáo dục của nhân loại với thế giới quan và phương pháp luận mác-xít. Trong quan điểm của mình, khi xác định vị trí, vai trò, trách nhiệm của thầy, cô giáo Người cũng chỉ ra rằng muốn hoàn thành được vai trò, trách nhiệm đó thì thầy giáo phải yêu nghề, muốn làm thầy, cô giáo tốt phải xuất phát từ tâm huyết với nghề: người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất, là anh hùng vô danh. Nếu không có thầy giáo dạy con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng được chủ nghĩa xã hội. Vì thế, thầy giáo là rất quan trọng, rất vẻ vang.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến việc học tập và rèn luyện của các thầy, cô giáo, đặc biệt là học chính trị. Khi đến nói chuyện với lớp học chính trị cho giáo viên, Bác đã nói: “Ta là cán bộ chuyên môn, có chuyên môn mà không có chính trị giỏi thì dù học giỏi mấy dạy trẻ con cũng hỏng”, “chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn là cái xác không hồn…”. Thông thường, khi nói về mối quan hệ giữa chính trị và chuyên môn, Bác thường chỉ ra rằng: “Chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chỉ i tờ thì dạy thế nào được. Nếu thầy giáo, cô giáo bàng quan, thì lại đúc ra một số công dân không tốt, cán bộ không tốt. Cho nên học trò tốt hay xấu là do thầy cô tốt hay xấu”. Đó là quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thầy, cô giáo. Phải chăng quan điểm đó của Người nhất quán với quan điểm của nhà giáo Chu Văn An rằng: “Tự mình sửa được mình mà dạy người khác là thuận, mình không sửa được mình mà dạy người khác chính là nghịch”.
Soi những quan điểm đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thầy Chu Văn An vào thực tiễn cuộc sống hiện nay, chúng ta không khỏi đau lòng trước hiện tượng giáo dục bị “thị trường hóa”, một bộ phận thầy, cô giáo đã bàng quan, không đủ đức, đủ tài để gánh vác trọng trách vẻ vang đó. Đây là những vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội, làm mất đi sự tôn kính đối với người thầy và nguy hại cho xã hội.
Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến công tác giáo dục và đào tạo, coi đó là quốc sách hàng đầu nên hết sức quan tâm xây dựng đội ngũ thầy, cô giáo và môi trường giáo dục. Qua đó nhằm khắc phục những biểu hiện tiêu cực, xây dựng môi trường học tập theo tinh thần, quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh: thầy thì nên thi nhau dạy cho dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh chóng và thiết thực; trò thì thi đua học, tiết kiệm giấy bút, giữ kỷ luật.
Giáo dục thế hệ trẻ là công việc hết sức quan trọng của mỗi quốc gia, dân tộc, là bước đầu tiên xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người. Cho nên giáo dục thực sự là một mặt trận, thầy, cô giáo là những chiến sĩ trên mặt trận ấy. Để rèn đúc ra một thế hệ, đào tạo ra cho cách mạng những con người tốt, cán bộ tốt, các thầy, cô giáo phải thi đua dạy tốt, học tốt để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Sự nghiệp giáo dục hiện nay đã thay đổi nhiều so với trước đây nhưng những quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và xây dựng đội ngũ thầy, cô giáo còn nguyên giá trị. Để thực hiện và làm theo tư tưởng của Bác về giáo dục - đào tạo, đòi hỏi mỗi thầy giáo, cô giáo phải nghiêm túc học tập, tu dưỡng, rèn luyện, hết mình với trường lớp, vì học sinh thân yêu.
ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN(Trường Chính trị tỉnh)