Với tình yêu võ thuật, võ sư Nguyễn Xuân Toàn đã dày công gây dựng và bước đầu gặt hái thành công.
Các thế võ anh Toàn sáng tạo vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ
Đam mê võ thuật"Thiếu Lâm Trung Sơn Việt Nam rất đặc thù bởi tấn pháp chắc chắn, thân pháp uyển chuyển, đa dạng, mang đúng hồn cốt của người xứ Đông "cương mà không nhu". |
|
Võ sư Nguyễn Xuân Toàn sinh năm 1974, là con út trong một gia đình nghèo có tới 9 anh em ở TP Hải Dương. Khi mới 9 tuổi, Toàn đã rất yêu thích võ thuật, sau mỗi buổi tan trường, Toàn thường tìm đến một số lò võ trên địa bàn TP Hải Dương để xem. "Về nhà, tôi nhớ lại các động tác và tự luyện tập. Càng xem, càng tập, tôi càng thấy thích thú. Ít lâu sau, tôi xin được làm học trò của một lò võ trên phố Tam Giang do thầy Nguyễn Văn Mạnh làm trưởng môn", võ sư Nguyễn Xuân Toàn nhớ lại ngày đầu đến với võ thuật.
Vốn có dáng vóc nhỏ nhắn, lại cộng thêm sự thiếu thốn, đói nghèo nên thuở nhỏ Nguyễn Xuân Toàn thường hay ốm yếu. Khi biết anh học võ, gia đình ủng hộ vì muốn anh luyện tập để tăng thêm sức khỏe. Ban đầu do chưa định hình được môn võ mình sẽ theo đuổi, nên được dạy môn nào Toàn cũng học, từ cổ truyền cho đến hiện đại như Vịnh xuân quyền, Trung Sơn võ đạo, Nhất Nam... Hơn 3 năm theo học tại nhiều lò võ khác nhau, anh đã tiếp thu được rất nhiều môn võ. 13 tuổi, chưa học hết THCS Toàn phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Dù vậy, anh vẫn theo đuổi tình yêu võ thuật. Ban ngày đi làm, buổi tối anh dành toàn bộ thời gian cho việc học võ. Với đức tính cần cù, chăm chỉ, nhanh trí, anh tiếp thu rất nhanh các bài võ, thế võ. Không lâu sau, anh được các môn sư giao cho vị trí trợ giảng. Tiếng tăm về võ sinh Nguyễn Xuân Toàn nhanh chóng lan nhanh trong các lò võ của thành phố. Năm 1990, khi anh nghỉ làm công nhân bánh kẹo để về phụ giúp bố dọn vệ sinh, làm bảo vệ trường học, một số học trò đã tìm đến ngỏ ý muốn được anh dạy võ. Tuy nhiên, anh đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của gia đình vì lo anh sẽ sa vào giới giang hồ, hình thành các băng đảng, rồi đánh lộn. "Học võ là để rèn luyện sức khỏe, tinh thần của võ thuật là tu thân, học võ cũng chính là học cái nhẫn trong tâm chứ không phải để đánh đấm, bạo lực”, anh đã thuyết phục được gia đình cho mình mở lớp dạy võ.
Khoảng năm 1992, qua tìm hiểu, biết võ thuật tại các tỉnh phía Nam phát triển khá mạnh, anh quyết định vào TP Hồ Chí Minh và Bình Định để "tầm sư học đạo". Rồi một mình với số tiền dành dụm khiêm tốn, anh sang cả Trung Quốc để tìm hiểu. 3 năm luyện tập miệt mài cộng với 5 năm vừa học, vừa dạy, trình độ võ thuật của anh ngày càng được nâng cao. Từ năm 1997, trên cơ sở các môn võ đã học, anh đã tự nghiên cứu, hệ thống lại, chắt lọc tinh hoa của từng môn phái, sắp xếp thành chương trình huấn luyện từ thấp đến cao dùng để truyền dạy cho các môn sinh. Năm 2000, môn phái Thiếu Lâm Trung Sơn Việt Nam do anh sáng lập chính thức ra mắt. Môn võ này dựa trên nền tảng võ cổ truyền Việt Nam, kết hợp với võ hiện đại, chủ yếu dùng đao và gậy để múa nên vừa có sự uyển chuyển, nhưng cũng rất dứt khoát, linh hoạt. Trong môn võ này có tới 7 bài quyền, mỗi bài lại mang một sắc thái riêng với những thế võ độc đáo như luồn, cuộn, quăng, quật, trườn, bò... Với nhiều động tác nhanh, mạnh, thậm chí có đòn hiểm nên võ sư Toàn luôn đề cao vấn đề đạo đức cho các môn sinh của mình. Sức cuốn hút của các bài võ không chỉ nằm trong các quyền thế (miếng) mà còn nằm ở lời thiệu. Mỗi bài quyền có một lời thiệu khác nhau nói lên xuất xứ, giai thoại nên càng có sức sống bền bỉ. Theo võ sư Nguyễn Xuân Toàn, Thiếu Lâm Trung Sơn Việt Nam rất đặc thù bởi tấn pháp chắc chắn, thân pháp uyển chuyển, đa dạng, mang đúng hồn cốt của người xứ Đông "cương mà không nhu".
Thầy trò võ sư Nguyễn Xuân Toàn trong buổi luyện võ tại Câu lạc bộ Võ thuật Thiếu Lâm Trung Sơn Việt Nam
“Học võ là để rèn luyện nhân cách và sức khỏe” Võ sư Nguyễn Xuân Toàn thường giáo huấn học trò của mình: “Mục đích chính của học võ là để rèn luyện nhân cách và sức khỏe”. Việc sáng lập và ra mắt môn phái Thiếu Lâm Trung Sơn Việt Nam đã đánh dấu bước phát triển lớn trong sự nghiệp võ thuật của võ sư Nguyễn Xuân Toàn. Tên tuổi của anh đã được nhiều người biết đến. Từ năm 2000 đến nay, môn phái Thiếu Lâm Trung Sơn Việt Nam đã được đưa vào dạy tại các Trường Tiểu học Hải Tân, Tô Hiệu, Ngọc Châu và tập huấn cho hầu hết giáo viên thể dục của các trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Đến năm 2005, võ sư Toàn xin nghỉ công việc bảo vệ, lao công tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu để dành toàn bộ tâm sức cho việc truyền võ. Các môn sinh đăng ký theo học võ tại câu lạc bộ của anh ngày càng đông. Từ đó tới nay anh đã đào tạo hàng trăm lượt môn sinh, có những người theo học võ tới nay đã ngót chục năm.
10 năm liên tục, võ sư Toàn đã dẫn dắt môn sinh trong câu lạc bộ tham gia và luôn dẫn đầu trong nhiều hoạt động phong trào, sự kiện của tỉnh như tham gia biểu diễn vào các dịp Tết cổ truyền, lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc hằng năm, lễ "Tôn sư trọng đạo" tại Văn miếu Mao Điền... Anh đã dẫn dắt môn sinh tham gia và đoạt huy chương đồng tại giải võ cổ truyền tổ chức ở Hà Nội năm 2010, Festival võ cổ truyền Bình Định năm 2014... Năm 2010, võ sư Nguyễn Xuân Toàn chính thức được cấp chứng chỉ cấp quốc gia trưởng môn phái Thiếu Lâm Trung Sơn Việt Nam do Hội Võ thuật Hà Nội cấp. Năm 2011, môn phái Thiếu Lâm Trung Sơn Việt Nam do anh sáng lập đã trở thành thành viên chính thức của Hội Võ thuật Hà Nội. Hiện nay, anh cũng chính là thành viên sáng lập Hội Võ thuật Hải Phòng. Ở tỉnh ta, anh đã xây dựng được các câu lạc bộ võ thuật tại TP Hải Dương, thị xã Chí Linh và các huyện Gia Lộc, Ninh Giang. Môn phái Thiếu Lâm Trung Sơn Việt Nam hiện cũng đang được phát triển tại một số tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam...
Gần 30 năm gắn bó với nghiệp võ trên chính mảnh đất cha ông, nay đã ngoài 40 tuổi, vẫn đang phải đi thuê nhà, cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng điều võ sư Toàn thỏa mãn nhất là anh đã và đang đào tạo được những thế hệ môn sinh có đạo đức và khả năng tự vệ tốt, có sức khỏe dẻo dai.
VY THU