Những việc làm của đại tá Trần Việt đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, góp phần đưa Bạch Đằng trở thành một trong 13 xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.
Năm 2011, ông Việt đã vận động mọi người ủng hộ thêm 50 triệu đồng để làm con đường ra đồng dài gần 600 m, rộng 3,5 m
Về địa phương nghỉ hưu sau 35 năm công tác trong quân đội, đại tá Trần Việt ở thôn Kim Lôi, xã Bạch Đằng (Kinh Môn) đã gương mẫu, tích cực đi đầu đóng góp, ủng hộ, tuyên truyền, vận động hội viên cựu chiến binh, nhân dân xây dựng nhiều công trình phục vụ dân sinh. Những việc làm của ông đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, góp phần đưa Bạch Đằng trở thành một trong 13 xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.
Làm việc có lợi cho dân
Đã gần 10 năm nay, từ người già đến trẻ nhỏ ở đội 11, thôn Kim Lôi đều đã quen với hình ảnh đại tá Trần Việt khi thì đứng ra chỉ đạo làm lề đường, đổ bê-tông tuyến đường nội đồng, đường trục thôn, xóm, lúc lại đứng ra chỉ đạo, giám sát việc xây dựng cổng làng. 70 tuổi nhưng ông Việt vẫn rất khỏe mạnh. Qua tiếp xúc, tôi thấy ông là người thâm trầm, ít nói. "Cháu thấy bác là người ít nói, vậy bằng cách nào bác đã tuyên truyền, vận động và tập hợp được hội viên, bà con tích cực tham gia đóng góp công, của để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh?", tôi hỏi. "Trước đây tôi từng là giảng viên ở Học viện Chính trị, nhưng tôi không thích nói nhiều. Đã nói, đã đề xuất cái gì, tôi đều quyết tâm làm bằng được", ông Việt trả lời.
Năm 2002, ông Việt về nghỉ hưu theo chế độ. Cũng như bao người con khác trở về sau những năm xa quê hương, việc đầu tiên ông làm là xây dựng lại mồ mả, nhà thờ họ cho tổ tiên, dòng họ. Năm 2007, sau khi xong việc gia đình, thấy đường làng, ngõ xóm, đường ra đồng vẫn còn lầy lội, nhân dân đi lại khó khăn, ông nêu vấn đề làm đường giao thông trong cuộc sinh hoạt chi bộ thôn và được chi bộ đồng ý. Để việc làm đường thuận lợi, ông Việt xin đóng góp trước 5 triệu đồng. Ông còn tích cực tham gia vận động những người hảo tâm, con em đi làm ăn xa quê, doanh nghiệp ủng hộ thôn làm đường. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông Việt và ban vận động thôn đã quyên góp được 200 triệu đồng ủng hộ. Số tiền này cùng với sự đóng góp của nhân dân nên chỉ trong một thời gian ngắn, thôn Kim Lôi đã làm được 2 km đường bê-tông xi-măng. Sau đó, ông Việt đề nghị chi bộ và thôn tiếp tục làm tuyến đường ra nghĩa trang thôn để thuận lợi cho việc chăm sóc mồ mả, phục vụ đời sống tâm linh của nhân dân. Sau khi thôn thống nhất, tuyến đường dài hơn 70 m, rộng 2 m, kinh phí hơn 34 triệu đồng đã được thi công xong, nhân dân không phải đóng góp.
Từ năm 2011, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), ông Việt đã đứng ra vận động, quyên góp ủng hộ được 50 triệu đồng để thi công tuyến đường ra đồng rộng 3,5 m, dài gần 600 m, tổng kinh phí đầu tư gần 200 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, cuối năm 2013 đầu năm 2014, ông còn vận động sự ủng hộ, tài trợ từ bạn bè, người dân, doanh nghiệp được 200 triệu đồng để làm cổng làng Kim Lôi. Dự kiến cổng làng sẽ được hoàn thiện đưa vào sử dụng trước Tết Ất Mùi, tổng kinh phí đầu tư 150 triệu đồng. Số tiền còn lại, thôn dự kiến sẽ thi công đường trong nghĩa trang và mua nội thất bổ sung cho nhà văn hóa thôn. Ông khoe: "Hiện nay, tôi đã xin xã tiếp tục cho chủ trương để thi công mở rộng tuyến đường liên xã nối vào trục thôn từ 3,5 m ra 5m. Kinh phí đã xin được phần lớn. Thôn đang cho đắp lề đường và chuẩn bị đổ bê-tông".
"Có những người khi về nghỉ hưu tại địa phương chỉ an phận thủ thường, mũ ni che tai, ngại va chạm, rất ít tham gia đóng góp cho phong trào của địa phương, vậy động cơ nào để bác tích cực như vậy?", tôi lại hỏi ông Việt. "Tôi cho rằng, những người đó không có tư cách của người đảng viên. Bởi Bác Hồ đã dạy: Việc gì có lợi cho dân thì kiên quyết làm, việc gì có hại cho dân thì kiên quyết tránh. Tôi thấy những việc tôi làm đều mang lại lợi ích thiết thực cho dân. Khi tôi vận động làm đường, làm cổng làng, có người nói với tôi: Bác lương tháng hơn chục triệu, ăn chả hết làm gì cho mệt, nhưng tôi vẫn bỏ ngoài tai. Làm được những việc tốt cho dân, tôi thấy khỏe và rất thanh thản", ông Việt nói.
Tấm gươngKhi về xã Bạch Đằng, đến các thôn, làm việc với cán bộ xã, hầu hết mọi người đều đánh giá rất cao những việc làm của ông Việt đối với phong trào xây dựng NTM của xã. "Dù đã nghỉ hưu nhưng bác Việt là người rất nặng lòng với quê hương. Năm 2011, lúc bác tự đứng ra vận động nhân dân quyên góp ủng hộ làm đường giao thông, hay năm 2014 vận động xây dựng cổng làng thì ngay cả cán bộ xã chúng tôi cũng không dám tin là bác ấy làm được. Những việc làm của bác Việt đã tạo sự lan tỏa lớn trong cán bộ, hội viên cựu chiến binh, nhân dân và các đoàn thể, xã hội khác tham gia phong trào xây dựng NTM. Bởi mọi người đều có suy nghĩ, bác ấy là cán bộ đã nghỉ hưu còn tích cực xây dựng NTM như thế thì tại sao mình không làm", đồng chí Trần Xuân Nhuận, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng nhận xét.
"Để vận động mọi người ủng hộ các công trình, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu, nói đi đôi với làm. Khi quyên góp được tiền rồi thì việc sử dụng phải công khai, minh bạch, không được tơ hào dù chỉ một đồng. Đối với cán bộ địa phương, mình phải góp ý kiến thẳng thắn, chân tình nhưng cũng phải thật tế nhị. Những đề xuất phải đúng, trúng với nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với đường lối của Đảng thì khi triển khai mới thành công được", ông Việt cho biết thêm.
Noi gương ông Việt, nhiều cựu chiến binh ở các thôn khác đã đứng ra vận động nhân dân làm đường giao thông theo tiêu chí NTM. Nhiều hộ nông dân tích cực hiến đất ruộng, đất ở để làm đường thôn, đường nội đồng như các anh: Quynh, Tồn, Lộ, Bách... Vì vậy, dù Bạch Đằng không phải là xã được chọn để xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, nhưng đến cuối năm 2014, xã đã đạt 19 tiêu chí và trở thành 1 trong 13 xã đầu tiên của tỉnh về đích trong xây dựng NTM năm 2014.
VŨ ÚY