Người say mê hình tượng Bác Hồ

20/12/2012 09:17

Chị Trần Phương Hạnh (sinh năm 1985, tốt nghiệp Khoa Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh năm 2007) là Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.



Lãnh đạo UBND tỉnh trao giải B Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Côn Sơn năm 2011 cho chị Trần Phương Hạnh


Trong khoảng 5 năm qua, chị đã sáng tác gần 100 kịch bản dài và kịch bản ngắn, đặc biệt là những tác phẩm viết về đề tài Bác Hồ đã mang lại thành công và giúp chị gặt hái được nhiều giải thưởng.

Trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người dân Việt Nam, Bác Hồ kính yêu luôn có vị trí thật đặc biệt. Đối với các thế hệ văn nghệ sĩ, Bác luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho họ sáng tác. Tuy nhiên, để khắc họa thành công hình tượng Bác Hồ trong mỗi loại hình văn học - nghệ thuật thì không hề đơn giản.

Đối với nhà biên kịch trẻ Trần Phương Hạnh, Bác Hồ - vị cha già dân tộc, tạo cho cô những ấn tượng sâu đậm thông qua các câu chuyện về Người, một hình ảnh rất đỗi thân quen, dung dị nhưng ẩn chứa trong đó một nhân cách lớn, một trí tuệ lớn. Từ khi còn cắp sách đến trường đến khi bước chân vào giảng đường đại học, tủ sách của chị về Bác lúc nào cũng đầy ắp và phong phú.

Hiện nay, chị công tác tại Trung tâm Văn hoá tỉnh, hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ quần chúng, với công tác sáng tác kịch bản phục vụ tuyên truyền cho các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước tại địa phương. Trong khoảng gần 5 năm qua, chị đã viết gần 100 tác phẩm kịch bản vừa, kịch ngắn và kịch dài được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và một số đài địa phương khác dàn dựng và công diễn phục vụ nhân dân. Đây là thành tích đáng nể bởi với tuổi đời và tuổi nghề như chị đạt được những thành công đó thật hiếm có.

Là cây bút trẻ tâm huyết, chị viết nhiều đề tài để phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, trong đó viết về các tấm gương người tốt, việc tốt, hình tượng người lính sau chiến tranh, đề tài cho thiếu nhi, các đề tài xã hội - phòng, chống bạo lực gia đình... được phản ánh rất sinh động trên sân khấu. Tuy nhiên, các tác phẩm kịch bản mang lại thành công cho chị là những tác phẩm viết về Bác Hồ và các tác phẩm có nội dung phản ánh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chùm kịch bản “Bác đâu phải là vua”, “Một tuần của một đời” và “Huyền thoại người lính” vinh dự được nhận giải B - Giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn năm 2011. Tác phẩm “Bác đâu phải là vua” còn đoạt giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Tạp chí Văn nghệ, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh phát động năm 2008. Tác phẩm “Con đường ghi dấu chân Người” đoạt giải khuyến khích cuộc phát động sáng tác kịch bản sân khấu, tuyên truyền năm 2011 do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát động.

Chị Hạnh tâm sự: Từ khi tôi lớn biết đọc, biết viết, Bác Hồ luôn là hình tượng thiêng liêng, đáng kính trong tâm thức tôi. Phong cách, đạo đức, trí tuệ và tư tưởng của Người được cả nhân loại ghi nhận. Vì vậy, để viết về các nhân vật lịch sử thì hơn hết, Bác Hồ là nguồn cảm hứng vô tận, là người đầu tiên xứng đáng để tất cả các nghệ sĩ tìm hiểu và sáng tác...

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, những câu chuyện giản dị về Người đầy ắp tính nhân văn đã có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, tình cảm và ý chí của tôi, vì vậy, khi định hướng nghề nghiệp tương lai, tôi quyết định lựa chọn ngành lý luận biên kịch sân khấu, Khoa Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, mặc dù biết rằng việc học tập tại đây rất gian khó, nhưng tôi đã quyết tâm vượt qua.
 Đề tài viết về Bác rất rộng, tuy nhiên lại rất khó bởi Bác rất đặc biệt, không lẫn với ai. Bác là người rất tinh tế, thận trọng trong cách ứng xử với mọi người, nhất là với đồng bào và chiến sĩ cả nước. Vì vậy, để viết về Bác, người viết phải nghiên cứu rất kỹ thì mới có thể thành công. Bác là một trí tuệ và nhân cách, đạo đức vĩ đại nên mỗi người dân Việt Nam đều kính yêu, nhắc đến Bác là nhắc đến sự thiêng liêng, cao đẹp và luôn dành cho Người tình yêu và lòng kính trọng đặc biệt.

Thực hiện lời dạy của Bác: “Văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hoá - tư tưởng”, tôi sẽ cố gắng sáng tác được nhiều tác phẩm kịch bản có giá trị để phục vụ công tác tuyên truyền, phục vụ nhân dân, nhất là trong thời điểm hiện nay cả nước đang tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị.

NGUYỄN THIỆN TÍN

(0) Bình luận
Người say mê hình tượng Bác Hồ