Người phụ nữ giúp Vincent Van Gogh trở nên nổi tiếng

07/11/2022 15:17

Cuốn sách “Jo van Gogh-Bonger: The Woman Who Made Vincent Famous” chia sẻ cách em dâu của Van Gogh quản lý di sản của ông.

Vincent Van Gogh anh 1

Chân dung tự họa của Van Gogh. Ảnh: Google Art Project

Trong lịch sử về họa sĩ Van Gogh, Jo van Gogh-Bonger (1862-1925) là một phụ nữ ít được biết đến nhưng có ảnh hưởng rất sâu sắc tới sự lan tỏa của Vincent Van Gogh.

Do đó, cuốn tiểu sử phong phú và kỹ lưỡng của Hans Luijten Jo van Gogh-Bonger: The Woman Who Made Vincent Famous, được xuất bản lần đầu bằng tiếng Hà Lan vào năm 2019, đã dành sự tôn trọng cho bà Bonger.

Mới được ra mắt bản tiếng Anh, cuốn sách thể hiện đầy đủ về lòng nhiệt thành và quyết tâm của bà Bonger khi dành cả cuộc đời để hỗ trợ người chồng thương yêu kiêm nhà buôn nghệ thuật Theo Van Gogh và anh trai chồng mình, họa sĩ Vincent Van Gogh, trong việc quảng bá di sản của ông.

Vượt lên hoàn cảnh góa bụa

Vincent Van Gogh anh 3

Cuốn sách được ra mắt ngày 3.11. Ảnh: Bloomsbury

Bà Jo Bonger kết hôn với ông Theo vào tháng 4 năm 1889, ở tuổi 26 và cùng ông chuyển đến Paris. Nhưng ông Theo đã qua đời vào tháng 1 năm 1891 chỉ sau 17 tháng chung sống, để lại cho bà Jo Bonger đứa con trai nhỏ của họ, cũng tên là Vincent.

Bà Bonger chỉ mới gặp anh rể một thời gian ngắn nhưng là người thừa kế hàng trăm bức tranh và bản vẽ mà Vincent van Gogh để lại. Bà đã trở lại Hà Lan và trong nhiều năm, điều hành một khách sạn nhỏ tại Bussum, gần Amsterdam.

Trong khoảng thời gian này, người phụ nữ Hà Lan thực tế và thận trọng đã dàn xếp hợp lý niềm đam mê trong cuộc sống của bà với việc sắp xếp di sản của người anh rể quá cố.

Bà Van Gogh-Bonger cảm thấy có trách nhiệm đối với cả anh rể Vincent và người chồng quá cố Theo. Do đó, bà muốn làm cho thế giới biết về mối quan hệ anh em của họ, để tôn vinh cuộc hôn nhân ngắn ngủi nhưng hạnh phúc của bà và cũng để đủ tài chính nuôi lớn cậu bé Vincent.

Nâng tầm ảnh hưởng của Vincent van Gogh

Dù chỉ là một bà góa và còn phải nuôi lớn một cậu con trai nhỏ, bà Bonger đã luôn vững vàng trong một thế giới nghệ thuật do nam giới thống trị. Khi quay lại Hà Lan, bà đã kết giao được với nhiều nghệ sĩ, nhà văn và nhà kinh doanh, những người muốn nâng cao hình ảnh của Vincent van Gogh.

Sau khi Vincent van Gogh qua đời vào năm 1890, đã có nhiều sự quan tâm và ủng hộ tác phẩm ông, trước hết là từ nghệ sĩ đồng nghiệp Émile Bernard, các nhà văn như Julien Leclercq.

Trong vòng hai năm sau đó, nhiều cuộc triển lãm đã được tổ chức tại phòng trưng bày Barc de Boutteville ở Paris và tại Kunstkring ở The Hague. Rất nhiều du khách người Bỉ và Đức cũng đến thăm triển lãm và muốn tiếp cận tác phẩm của ông.

Và sự quan tâm này đã sớm trở thành nhu cầu mượn và mua bán các tác phẩm. Do đó, hoạt động này cần được điều phối. Trong khoảng thời gian từ năm 1900 đến 1905, đã có 15 cuộc triển lãm được tổ chức tại Bảo tàng Stedelijk ở Amsterdam và đều yêu cầu mượn các tác phẩm của Van Gogh để trưng bày.

Các đại lý nghệ thuật như Ambroise Vollard ở Paris và Paul Cassirer ở Berlin đã thương lượng để mua những tác phẩm này. Thậm chí, đã có nhiều nỗ lực lén lút của hai phòng trưng bày lớn Bernheim-Jeune và Helene Kröller-Müller nhằm mua lại một số lượng lớn tác phẩm của Van Gogh.

Bà Bonger đã làm việc thành công với tất cả tên tuổi lớn này. Trước khi qua đời vào năm 1925, bà đã bán được gần 200 bức tranh và hơn 50 tác phẩm vẽ trên giấy của Vincent Van Gogh, đồng thời, vẫn giữ lại đủ số tác phẩm để con trai bà thành lập Bảo tàng Van Gogh và sau đó mở cửa ở Amsterdam năm 1973.

Là một phụ nữ có học thức, từng dạy tiếng Anh và dịch tiểu thuyết cho các tờ báo Hà Lan, Van Gogh-Bonger cũng nhận thức được rằng những bức thư của họ mang lại "sự sống" cho người chết.

Vì vậy, năm 1914, bà đã xuất bản những bức thư của Vincent gửi cho Theo thành ba tập và trước khi qua đời, bà đã dịch hai phần ba số thư của Vincent sang tiếng Anh.

Với những nỗ lực này, bà đã thay đổi cách công chúng nhìn nhận mối quan hệ giữa nghệ sĩ và tác phẩm của họ, cũng như đưa Van Gogh trở thành một trong những nghệ sĩ giỏi nhất trong thế hệ của ông.

Gợi mở về một cá tính đặc biệt

Bên cạnh câu chuyện về những vụ mua bán, giao dịch tác phẩm của Vincent Van Gogh, Hans Luijten còn gợi mở nhiều điều về sự đặc biệt của bà Bonger. Với tính cách nghiêm túc và ít hài hước, các mối quan hệ tình cảm sau này của bà không mấy thành công, đầu tiên là với nghệ sĩ libertine Isaac Israëls và sau đó là cuộc hôn nhân thứ hai vào năm 1901 với một họa sĩ khác, ông Johan Gosschalk.

Thêm vào đó, công chúng cũng biết rằng Van Gogh-Bonger được nuôi lớn trong nền giáo dục đạo Tin lành nhưng bà vẫn theo kịp trào lưu hiện đại trong việc tham gia sáng lập Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội Hà Lan vào năm 1894 và là người ủng hộ mạnh mẽ các quyền của phụ nữ.

Như vậy, với nguồn tư liệu phong phú, bao gồm nhật ký, tài liệu và nhiều bức thư chưa từng công bố, Hans Luijten đã vẽ nên bức tranh phong phú về cuộc sống nhiều mặt của một người phụ nữ có tầm nhìn xa và đã có ảnh hưởng đáng kể trong thế giới nghệ thuật một thời.

Theo Zing

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người phụ nữ giúp Vincent Van Gogh trở nên nổi tiếng