Người nuôi lợn thuê trở thành tỷ phú

06/03/2022 19:41

Với bản lĩnh "dám nghĩ, dám làm", từ một người nuôi lợn thuê, giờ đây, anh Nguyễn Đức Hùng đã làm chủ một trang trại nuôi lợn thuộc loại lớn nhất nhì huyện Thanh Miện.


Gia đình anh Nguyễn Đức Hùng hiện có 5 dãy chuồng nuôi với tổng đàn hơn 4.000 con lợn, mỗi năm cho doanh thu từ 7-10 tỷ đồng

Bản lĩnh

Trang trại lợn của gia đình anh Hùng nằm giữa cánh đồng thôn Đông, cách tỉnh lộ 392 chừng 1 cây số.

Sinh ra và lớn lên ở nông thôn nên cách nói chuyện của anh Hùng chân chất, mộc mạc. Liên quan đến phòng dịch bệnh cho đàn lợn nên anh Hùng chỉ có thể dẫn chúng tôi đi tham quan vòng ngoài trang trại. Vừa đi, anh vừa kể lại những năm tháng khởi nghiệp đầy gian truân của mình. “Hơn 10 năm đi làm nay đây mai đó, làm thuê đủ thứ nghề nhưng cũng chẳng đủ ăn. Nhiều lúc tôi ngồi nghĩ cứ mãi kiếp làm thuê thế này thì bao giờ mới khá lên được. Xa vợ, xa con, trong khi đồng lương thì bèo bọt, cực chẳng đã tôi khăn gói từ Hà Giang về quê, quyết tâm làm giàu ở nơi mình sinh ra”, anh Hùng chia sẻ.

Ngày về quê với hoài bão khởi nghiệp cũng là lúc chính quyền địa phương có chủ trương cho đấu thầu vùng đất chiêm trũng, khó canh tác. Bằng sự nhạy bén của tuổi trẻ, anh Hùng nhận ra đây là cơ hội để hiện thực hóa ước mơ làm giàu của mình. Năm 2013, anh cùng gia đình đứng ra thuê lại hơn 2 ha đất để làm trang trại. Thế là bao nhiêu của cải, vốn liếng tích cóp được anh đầu tư hết vào xây dựng trại lợn, đào ao thả cá. Thiếu tiền, anh cắm cả “sổ đỏ” của gia đình để vay vốn làm ăn. Cuối năm 2013, giữa cánh đồng chiêm trũng mọc lên khu chuồng trại bề thế nhất vùng với tổng diện tích gần 1.600 m2.

Ngày ấy khi bỏ ra hơn 1,5 tỷ đồng để quy hoạch lại vùng đất trũng, nhiều người nghĩ anh Hùng không bình thường. Một số người còn khuyên can anh nên đầu tư theo giai đoạn để giảm rủi ro vì anh chưa có kinh nghiệm trong chăn nuôi. Nhưng bằng niềm tin và nhiệt huyết của bản thân, anh Hùng vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch. "Đã làm thì tỷ lệ được, thua sẽ là 50/50, còn không làm sẽ chẳng có phần trăm cơ hội nào cả. Muốn làm giàu thì phải thật bản lĩnh", anh Hùng nhận định. Chính quyết định táo bạo của anh ngày đó mà giờ đây xã Thanh Tùng có một trang trại nuôi lợn thuộc loại lớn nhất nhì huyện Thanh Miện.

Theo anh Hùng, bí quyết thành công của anh là "biết mình, biết ta". Vì không có kinh nghiệm trong chăn nuôi nên anh đã chủ động liên lạc với Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam để xin nuôi lợn thuê cho doanh nghiệp này. Đổi lại họ sẽ cung cấp cho anh con giống, thức ăn và chuyển giao kỹ thuật, quy trình chăm sóc lợn. Từ đó, anh bắt đầu sự nghiệp làm giàu với 1.200 con lợn. Do tư chất thông minh nên anh học hỏi rất nhanh, chỉ cần các kỹ sư hướng dẫn 1-2 lần là anh biết việc. "Làm trang trại nuôi lợn cần vốn đầu tư lớn, lại dễ gặp rủi ro vì dịch bệnh. Do đó, tôi chọn giải pháp là nuôi lợn thuê cho doanh nghiệp để giảm chi phí đầu tư. Làm cho họ có công nhưng không cao, chỉ đủ trả lãi ngân hàng và một số chi phí phát sinh. Cái tôi quan tâm nhất đó là kinh nghiệm và quy trình chăn nuôi khép kín, hiện đại của họ", anh Hùng chia sẻ.

Sau 3 năm nuôi lợn thuê, anh Hùng quyết định đứng ra tự lập. Với kiến thức và kinh nghiệm học được, anh nhận thấy, nuôi lợn thịt chỉ là phát triển phần ngọn, muốn tăng lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro phải chủ động con giống; từ đó sẽ xây dựng được một quy trình chăn nuôi khép kín, tuần hoàn. Nói là làm, anh tiếp tục đi vay mượn 1,2 tỷ đồng để xây dựng thêm 1 dãy chuồng trại với diện tích trên 800 m2 để nuôi 1.700 lợn nái. “Ở tầm tuổi bây giờ chắc tôi không dám liều lĩnh như vậy. Nợ trước chưa trả xong lại gánh thêm nợ mới, trong khi chăn nuôi chẳng khác gì đánh bạc. May sao năm đầu việc chăn nuôi thuận lợi, cho doanh thu cao. 2 năm sau, tôi thu hồi được vốn và biết rằng mình đã đi đúng đường", anh Hùng nói.


Trải qua nhiều bài học đáng nhớ, anh Hùng thận trọng hơn trong từng bước phát triển quy mô trang trại, đặc biệt là phòng dịch

Doanh thu chục tỷ

Có của ăn, của để, những năm tiếp theo anh Hùng tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi. Năm 2017, anh tiếp tục đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng thêm 1 dãy chuồng trại rộng 800 m2 để nuôi 700 con lợn thịt. Ổn định sản xuất được một năm thì gia đình anh gặp biến cố lớn. Thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi bắt đầu bùng phát và lan rộng trong cả nước. Trang trại của anh Hùng cũng không ngoại lệ. Dù có tiếng là người cẩn thận trong chăn nuôi nhưng anh vẫn không thể nào khống chế được sự lây lan của dịch bệnh. Từ dãy chuồng lớn đến dãy chuồng nhỏ, đàn lợn nái lẫn đàn lợn thịt cứ thi nhau chết hàng loạt. Ngoài thuê chuyên gia về "bắt bệnh" cho lợn, anh còn học hỏi trên internet, sách, báo nhưng vẫn vô phương cứu chữa.

“Lúc được giá nhất thì lợn bắt đầu lăn ra ốm rồi bắt đầu chết từ vài con đến vài chục con. Vì không có thuốc chữa và chưa có kinh nghiệm nên tôi để dịch lây từ đàn này sang đàn khác. Gần 600 con lợn thịt và lợn nái nằm chết la liệt. Chứng kiến cả gia đình cùng lực lượng chức năng vận chuyển lợn đi tiêu huỷ mà không khỏi đau lòng. Năm đó dù được Nhà nước hỗ trợ nhưng tôi vẫn thiệt hại gần 4 tỷ đồng”, anh Hùng cho biết.

Cả năm đó, gia đình anh Hùng loay hoay bảo vệ đàn lợn còn lại. Khi dịch qua đi, anh mới thở phào nhẹ nhõm, vì có mất nhưng chưa mất hết. Đàn lợn nái anh vẫn giữ được tương đối nên chỉ cần chăm nuôi khéo là có thể khôi phục lại. Vượt qua thời kỳ khó khăn, anh dành thời gian nhiều hơn cho việc phòng bệnh cho lợn. Quanh các khu chăn nuôi lúc nào cũng phủ một màu trắng của vôi bột. Để theo dõi sát sao hơn nữa, anh lên danh sách tiêm phòng cho từng đàn lợn. Thức ăn, nước uống, khoáng chất cho lợn cũng được anh lựa chọn kỹ càng. Các dãy chuồng trại bắt đầu kín lợn trở lại, tình trạng lợn ốm chết không còn xảy ra.

Nắm bắt được nhu cầu thị trường sẽ khan hàng sau dịch nên cứ đàn lợn nái đẻ đến đâu anh Hùng để nuôi hết đến đó. "Năm 2018, dịch bùng phát mạnh khiến các trại nuôi lợn đều tan hoang. Cận Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ càng tăng cao trong khi tổng đàn chưa kịp phục hồi. Tình trạng khan lợn đã đẩy giá lên cao nhất từ trước đến nay, có thời điểm giá lợn lên đến gần 100.000 đồng/kg mà nhiều nơi không có để bán. Nhờ đó mà tôi đã gỡ gạc lại được những gì đã mất trong năm", anh Hùng cho biết.

Trải qua bài học đáng nhớ, anh Hùng thận trọng hơn trong từng bước phát triển quy mô trang trại. Thay vì mở rộng anh tập trung ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi. Giờ đây khâu cho lợn ăn uống đều được tự động hóa, nhiệt độ, ánh sáng cũng được kiểm soát, điều chỉnh phù hợp. Với hệ thống công nghệ cao này, trang trại của gia đình anh không chỉ tiết kiệm được chi phí nhân công mà còn hạn chế người ra vào giúp kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Những năm qua, ngoài phát triển kinh tế gia đình, anh Hùng còn nhận hướng dẫn, giúp đỡ nhiều hộ khác trong và ngoài tỉnh. Từ những kinh nghiệm thực tế, anh đã giúp nhiều chủ trang trại vượt qua được những khó khăn, thách thức trong chăn nuôi.

Nhờ bản lĩnh và biết nắm bắt cơ hội, giờ đây anh Hùng đã xây dựng được cơ ngơi trị giá hàng chục tỷ đồng. Đến nay, gia đình anh đã có 5 dãy chuồng nuôi với tổng đàn hơn 4.000 con lợn các loại mỗi năm. Hằng năm, anh xuất bán hơn 300 tấn lợn thịt và hàng nghìn con lợn giống, đạt tổng doanh thu từ 7- 10 tỷ đồng, thu lãi khoảng 3 tỷ đồng. Trang trại của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. 

Bà Phạm Thị Nhung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện cho biết :"Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Đức Hùng là một trong những mô hình chăn nuôi tập trung lớn nhất huyện Thanh Miện. Bản thân anh cũng là cá nhân điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu, tổ chức các buổi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại trang trại này để nhân rộng mô hình ra toàn huyện".

ÐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người nuôi lợn thuê trở thành tỷ phú