Nông nghiệp - Nông thôn

Người nông dân trên hành trình tri thức hóa

LÊ MINH HOAN (Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) 04/02/2024 09:00

Tri thức là sự hiểu biết, mà sự hiểu biết là vô cùng, vô tận. Muốn thay đổi nông nghiệp, nông trại, trước hết người nông dân cần thay đổi vì người nông dân là chủ thể của nền nông nghiệp.

z5088825073934_1e97fbb30ff7a335f3260d458eac24cf.jpg
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (thứ hai từ trái sang) nhiều lần gợi ý nông dân Hải Dương cần phát huy nền nông nghiệp đa tầng, đa giá trị. Trong ảnh: Trao giải tại Hội thi thu hoạch hành, tỏi Kinh Môn đầu năm 2024

“Nước ta là nước nông nghiệp. Con người đi lên từ đồng ruộng, rừng núi, nương theo thiên nhiên, hòa vào thiên nhiên nên dần hình thành bao lớp người lao động giỏi giang, dạn dày kinh nghiệm, hiểu sâu biết rộng về ruộng đất và canh tác, gọi là lão nông tri điền”.

Truyền thống hiếu học của người Việt Nam lưu truyền qua ca dao tục ngữ từ ngàn năm dựng nước và giữ nước: “Làm người mà được khôn ngoan/ Cũng nhờ học tập mọi đường mọi hay”.

Lần giở bài học lịch sử, Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Trạng lường Lương Thế Vinh, Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, Chủ tịch Hồ Chí Minh… luôn là tấm gương sáng về tinh thần học, tự học và học tập suốt đời.

Thành tựu vượt bậc của ngành nông nghiệp đất nước bắt đầu từ kinh nghiệm ruộng đồng tích lũy qua nhiều thế hệ, cho đến một hành trình học hỏi, hấp thu tinh hoa của thế giới. Một vị Giáo sư nông học đã gửi gắm niềm tự hào: “Cây lúa Việt Nam đã đi học, trưởng thành và thành đạt. Và có thể nói, bây giờ cây lúa Việt Nam vinh quy bái tổ”. Ngày nay, thế giới cuồn cuộn thay đổi không ngừng, sự thay đổi nhanh đến mức cái mới ra đời chưa kịp định hình đã xuất hiện cái mới hơn. Trong bối cảnh như vậy, bên cạnh kinh nghiệm, cần cập nhật kiến thức, trau dồi kỹ năng mới hằng ngày, hằng giờ.
“Trông trời trông đất trông mây/ Trông mưa trông nắng, trông ngày trông đêm”
. Trước đây, người nông dân thường dựa trên kinh nghiệm quan sát, đối chiếu qua từng mùa vụ, nên dễ rơi vào thế bị động và đợi chờ. Ngày nay, bằng những phát kiến khoa học, những giải pháp công nghệ, người nông dân có thể chuyển từ bị động sang chủ động, vừa hạn chế rủi ro, vừa thích ứng nhanh với sự thay đổi về thời tiết, dịch bệnh. Ngày nay, với những nối kết bằng thiết bị thông minh, người nông dân có thể biết được thông tin giá cả đầu vào, đầu ra, nắm rõ những tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường.

Như vậy, tri thức hoá là điều vô cùng quan trọng trong kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức. Tri thức, đơn giản là sự hiểu biết, mà sự hiểu biết là vô cùng, vô tận. Một nghệ nhân sống hơn trăm tuổi đã đúc kết: “Điều tôi biết chỉ là hạt cát, điều tôi chưa biết như cả đại dương”. Điều đó nói lên, sự học là nhu cầu, và hơn thế nữa, sự học còn là điều kiện cần, là yêu cầu bắt buộc trong một thế giới luôn đổi thay. Sinh thời, Bác Hồ đã nhắc nhở mọi người: “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi” và “Không học thì không theo kịp, công việc nó gạt mình lại phía sau”.

z5088828673289_b927984a25fc7d21da4335cdb471b89c.jpg
Muốn thay đổi nền nông nghiệp, trước hết người nông dân phải thay đổi

Hãy nhìn những tiến bộ vượt bậc về mặt khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Hãy nắm bắt cách tư duy về nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị. Hãy xem cách thức thế giới đưa những ứng dụng thành tựu trong chuyển đổi số, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào đồng ruộng, vườn tược, trang trại. Đã đến lúc, nông nghiệp truyền thống, cách thức làm nông “chân lấm, tay bùn” cần được điều chỉnh, cập nhật để phù hợp xu thế mới. Vậy sự thay đổi trong nông nghiệp cần bắt đầu từ ai, từ đâu? Trong một quyển sách khuyến nông dẫn giải một đúc kết: muốn thay đổi nông nghiệp, nông trại, trước hết người nông dân cần thay đổi vì người nông dân là chủ thể của nền nông nghiệp.

Trong cuộc cách mạng nông nghiệp tiến tới nền nông nghiệp tiên tiến, nông dân không chỉ là những người làm nông thuần tuý, mà là những công nhân nông nghiệp với những kỹ năng đa dạng và thái độ tích cực. Nông dân sẽ là những người kết hợp hài hòa lao động bằng trí óc, với lao động chân tay. Nông dân sẽ biết cách nhân giá trị lên nhiều lần cùng trên mảnh đất đó, thửa vườn đó, vuông tôm cá đó.

Nhiều người thường bi quan so sánh nông nghiệp, nông dân, nông thôn đất nước mình với đất nước khác. So sánh là việc cần thiết để kích thích sự thay đổi, nhưng, rồi sao nữa? Mỗi người cần làm điều gì đó, cần chung sức cho hành trình dài phía trước. Hãy về với làng quê, đến bên cạnh bà con nông dân để chia sẻ những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho nhà nông. Hãy bước ra ngoài ruộng đồng làm “bạn nhà nông” để khơi gợi những giá trị tích cực về truyền thống hiếu học, về ý nghĩa của việc “học tập suốt đời”. Hãy đến cùng sinh hoạt trong các không gian cộng đồng để gắn kết những người nông dân lại với nhau, cùng nhau thoát cái bẫy của một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Đó chính là hành trình tri thức hoá nông dân.

Những nhà khoa học từ các viện trường, các chuyên gia nông nghiệp nhiều kinh nghiệm về với nông thôn, trao gửi những hạt giống chất lượng, những giải pháp hữu ích dễ thực hiện, hướng dẫn quy trình trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản. Hãy tận tâm, kiên trì “đơn giản hóa” những điều hàn lâm trong các đề tài nghiên cứu, đưa những điều vốn dĩ phức tạp thành trực quan, dễ hiểu, dễ thực hiện với bà con nông dân. Hãy đến với đồng ruộng, cảm nhận “hơi thở” của ruộng đồng, cùng người nông dân khởi đầu bằng những câu hỏi và cùng nhau tìm kiếm câu trả lời thỏa đáng. Đó cũng là hành trình tri thức hoá nông dân.

Những chuyên gia, giảng viên trong các viện trường hãy bước ra ngoài khuôn viên, đến với nhà nông, khơi gợi cách nghĩ mới hơn, cách làm tốt hơn. Hãy nói cho người nông dân biết thế nào là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Hãy giúp cho bà con nông dân biết cách đưa nông sản đến thị trường bằng chi phí thấp nhất và giá trị tối ưu. Hãy trở về với người nông dân với tâm thế là người con của nông dân, nói bằng ngôn ngữ đời thường, thân thuộc với nông dân. Đó cũng là hành trình tri thức hoá nông dân.

Những cơ quan báo chí truyền thông đến với những bà con nông dân, ngư dân, lâm dân, diêm dân,… để dẫn chứng những câu chuyện về nghề nông trên thế giới, từ đó lan toả những mô hình mới, những giá trị mới. Hãy phân tích cho bà con nông dân rằng, “được mùa mất giá” là quy luật muôn đời của thị trường và cách thức làm sao có thể vượt qua lời nguyền đó. Hãy để những bài báo có góc nhìn sâu sắc, sát thực, giúp bà con hướng đến nền nông nghiệp chất lượng cao, giảm phát thải, gắn với tăng trưởng xanh. Hãy khơi gợi cách sản xuất tử tế, biết nghĩ đến sức khoẻ người tiêu dùng, cộng đồng, kiên quyết nói không với tận diệt tài nguyên thiên nhiên. Đó cũng là hành trình tri thức hoá nông dân.

“Học để biết, học để làm, học để khẳng định mình, học để chung sống cùng nhau” là triết lý về sự học của thế giới. Trên hành trình tri thức hóa, người nông dân cũng là người chủ động việc xóm, việc làng, kết tinh hình ảnh của người nghệ nhân, công nhân, trí thức. Trên hành trình tri thức hóa, người nông dân cũng đang gieo trồng: “Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc và thịnh vượng”.

LÊ MINH HOAN (Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người nông dân trên hành trình tri thức hóa