BHYT là "phao cứu sinh" giúp bệnh nhân nhiễm HIV giảm bớt chi phí điều trị, duy trì sự sống trong khi các nguồn lực hỗ trợ đang dần bị cắt giảm.
Phần lớn người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn nên việc bỏ tiền mua bảo hiểm y tế cũng không hề đơn giản
Tới đây, nhiều nguồn viện trợ quốc tế cho hoạt động phòng chống HIV sẽ bị cắt giảm. Theo lộ trình, đến năm 2017, người nhiễm HIV sẽ không còn được cấp miễn phí thuốc kháng virus ARV. Loại thuốc này sẽ được cập nhật vào danh mục thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT). Nếu không có thẻ BHYT, người nhiễm HIV sẽ phải tự chi trả mọi chi phí khám, chữa bệnh. Trong khi đó, việc tiếp cận và sử dụng thẻ BHYT đối với người nhiễm HIV còn gặp nhiều khó khăn.
Sợ công khai thông tin cá nhânPhòng Khám và điều trị ngoại trú ARV (Bệnh viện Đa khoa thị xã Chí Linh) đang điều trị cho 180 bệnh nhân nhiễm HIV. Trong đó mới có khoảng 50% số bệnh nhân có thẻ BHYT. Khi biết thông tin sắp tới thuốc ARV không còn được hỗ trợ miễn phí, nhiều bệnh nhân rất lo lắng. Phần lớn những bệnh nhân HIV có hoàn cảnh khó khăn nên việc bỏ tiền mua thẻ BHYT cũng không hề đơn giản. Một số bệnh nhân làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp, dù có thẻ BHYT nhưng cũng chưa sẵn sàng sử dụng khi đi khám, điều trị bệnh. Họ lo ngại việc dùng thẻ BHYT sẽ công khai thông tin cá nhân, tình trạng bệnh, từ đó có thể sẽ bị đuổi việc hoặc chịu sự kỳ thị của nhiều người.
Sau một thời gian cải tạo trong trại giam, anh Đ.T.K. (Chí Linh) đã bị mất chứng minh nhân dân. Hiện nay, anh K. không đủ điều kiện để đăng ký mua thẻ BHYT. Dược sĩ Nguyễn Thị Yên, Phòng Khám và điều trị ngoại trú ARV (Bệnh viện Đa khoa thị xã Chí Linh) cho biết: "Những trường hợp như anh K. không phải hiếm gặp. Họ thường mang trong mình sự mặc cảm và rất ngại đi làm lại các giấy tờ tùy thân. Nhiều người không có tiền mua thẻ BHYT đang tính đến việc ngưng dùng thuốc ARV".
Đến hết tháng 9 năm nay, số bệnh nhân nhiễm HIV còn sống ở tỉnh ta là 1.827 người (số người không được quản lý là 1.210 người). 1.300 người đang điều trị ARV, trong đó có 38,8% số bệnh nhân chưa có thẻ BHYT. Theo bác sĩ Vũ Tiến Vượng, Khoa Khám bệnh và tư vấn, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, nếu không có thẻ BHYT thì người bệnh sẽ mất khoảng 20 triệu đồng/năm chi phí tiền thuốc ARV, tiền khám, làm các xét nghiệm định kỳ và một số thuốc điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Trong khi đó, việc điều trị bằng thuốc ARV phải kéo dài suốt đời. Đây là số tiền không nhỏ đối với những người nhiễm HIV bởi họ thường có hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm ổn định.
Từ khi nhận được thông tin từ năm 2017 sẽ cắt hỗ trợ thuốc ARV, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã thông báo và trực tiếp tư vấn, đưa ra lời khuyên để bệnh nhân mua thẻ BHYT. Tuy nhiên, trải qua một thời gian dài tuyên truyền, vận động, đến nay mới có 2 trong tổng số 504 người được vận động đồng ý đăng ký cần được hỗ trợ mua BHYT.
Hỗ trợ mua bảo hiểm y tếNhững năm 2006, 2007, trung bình mỗi năm tỉnh ta phát hiện 500-600 ca nhiễm HIV. Vài năm trở lại đây, trung bình một năm chỉ ghi nhận 40-50 ca. Có được kết quả trên là do việc đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt động, biện pháp phòng chống HIV/AIDS, nhưng quan trọng nhất vẫn là do hiệu quả của việc điều trị bằng ARV. Theo bác sĩ Vũ Tiến Vượng, nếu như bệnh nhân đang điều trị bằng ARV mà phải ngưng lại thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Trước hết là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bệnh nhân, lượng virus HIV sẽ nhanh chóng nhân lên, người bệnh nhanh chuyển sang giai đoạn AIDS và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Đồng thời, nguy cơ lây lan, bùng phát HIV/AIDS trong cộng đồng cũng cao hơn.
Trước việc bệnh nhân HIV khó tiếp cận với thẻ BHYT, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã tham mưu, đề xuất với Sở Y tế và UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để mua thẻ BHYT cho bệnh nhân nhiễm HIV. "Trong tương lai, có thể Nhà nước sẽ hỗ trợ mua thẻ BHYT cho những bệnh nhân HIV chưa có thẻ. Nhưng nhiều khả năng những bệnh nhân HIV mua BHYT tự nguyện theo hộ gia đình từ trước đó sẽ không mua nữa mà trông chờ, ỷ lại vào nguồn hỗ trợ. Vì vậy, Nhà nước cần hỗ trợ đối với tất cả bệnh nhân HIV. Có như vậy mới bảo đảm được mục tiêu 100% số bệnh nhân HIV có thẻ BHYT theo như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc cung ứng thuốc ARV để điều trị HIV/AIDS", ông Nguyễn Thế Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS cho biết.
BHYT là "phao cứu sinh" giúp bệnh nhân nhiễm HIV giảm bớt chi phí điều trị, duy trì sự sống trong khi các nguồn lực hỗ trợ đang dần bị cắt giảm. Tuy nhiên, trong khi sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn thì việc thực hiện chính sách BHYT cần được tạo thuận lợi hơn với người nhiễm HIV. Các bên liên quan cần có những biện pháp bảo mật thông tin cho người nhiễm HIV khi sử dụng thẻ BHYT để không bệnh nhân nào vì điều này mà phải ngừng điều trị bằng ARV.
HUYỀN TRANG