Người mẹ có nhân cách tốt có khả năng mang lại cho con trẻ những nhận thức đúng đắn về cuộc sống, về cống hiến và hưởng thụ, về nghĩa vụ và trách nhiệm.
Hành trình phát triển của đứa trẻ từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến lúc trưởng thành là kết quả của tổ hợp các tác động giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội. Nhưng xét một cách khách quan và công bằng thì người đầu tiên và cũng là người có nhiều đóng góp nhất trong cả cuộc đời của đứa trẻ chính là người mẹ. Có thể khẳng định rằng bất kỳ người mẹ Việt Nam nào khi sinh con ra cũng đều khát khao mong muốn nuôi dạy con trở thành người vừa có đức, có tài, có năng lực thực tiễn, hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà xã hội giao cho.
Tính khoa học của việc giáo dục trẻ em được biểu hiện ở chỗ người mẹ phải nắm được quy luật khách quan chi phối sự hình thành và phát triển tâm sinh lý của trẻ. Ví dụ, người mẹ phải biết cuộc đời của đứa trẻ được phân chia thành bao nhiêu giai đoạn? Mỗi giai đoạn ấy có những đặc điểm tâm sinh lí cơ bản nào? Cái gì là đặc trưng cho từng lứa tuổi? Tại sao cứ sau mỗi giai đoạn phát triển, nhân cách của trẻ lại được mở mang, phong phú thêm, đồng thời được nâng cao về mặt chất lượng và dần dần đi vào thế ổn định. Điều quan trọng hơn nữa là người mẹ phải biết định hướng sự phát triển nhân cách của trẻ em. Đồng thời, người mẹ phải biết tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra đánh giá, động viên con cái khi thực hiện việc làm cụ thể nhằm đạt tới những mục đích nhất định đã đề ra.
Cuộc sống của trẻ em là sự tổng hòa các hoạt động: vui chơi, giao tiếp, học tập, lao động… Nhưng trong mỗi giai đoạn phát triển của nó thì chỉ có một hoặc hai hoạt động giữ vai trò chủ đạo, tức là những hoạt động nhằm tạo ra cái mới trong tâm lý của trẻ. Các hoạt động khác tuy cùng tồn tại đồng thời với hoạt động chủ đạo nhưng nó chỉ nhằm mục đích hỗ trợ cho hoạt động chủ đạo nhanh chóng đạt tới hiệu quả cao nhất. Bởi thế, một người mẹ có phương pháp giáo dục trẻ em là người mẹ biết lựa chọn những việc làm có nội dung nằm trong phạm vi của hoạt động chủ đạo để hướng dẫn các em thực hiện và coi đó là nhiệm vụ chính của nó trong từng giai đoạn phát triển lứa tuổi.
Nhân cách của trẻ em chỉ có thể được hình thành và phát triển trong hoạt động. Vì vậy, khi muốn hình thành cho trẻ em một phẩm chất tốt đẹp hay một đức tính, một tài năng nào đó thì người mẹ phải biết tiến hành những hoạt động có nội dung tương ứng với phẩm chất, tài năng đó. Nói cách khác là phải tạo ra môi trường thích hợp, thuận lợi cho con trẻ hoạt động. Cùng với hoạt động, người mẹ phải tăng cường cho con trẻ được tham gia giao tiếp với mọi người, thông qua đó, các em sẽ chắt lọc được những điều bổ ích, thiết thực. Trong quá trình giao tiếp với trẻ em, nhân cách của người mẹ đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nó có tác dụng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ thơ.
Trẻ em là tương lai của dân tộc, là hạnh phúc của mọi gia đình. Bản thân mỗi trẻ em là một đối tượng giáo dục rất sinh động, đa dạng và sự phát triển nhân cách của nó phải tuân theo những quy luật nhất định. Vì thế, người mẹ cần tránh những phương pháp giáo dục mang tính áp đặt, ép buộc, một chiều, cứng nhắc đối với trẻ. Người mẹ cần dịu dàng, tế nhị, mềm dẻo, nhạy bén để phát hiện ra những biến đổi trong tính nết hằng ngày của con trẻ; phải thăm dò sức tiếp thu và khả năng vận động của trẻ để dựa vào đó mà tiến hành điều chỉnh kịp thời những thiếu sót của trẻ.
Người mẹ có nhân cách tốt có khả năng mang lại cho con trẻ những nhận thức đúng đắn về cuộc sống, về cống hiến và hưởng thụ, về nghĩa vụ và trách nhiệm.
TS. PHẠM TRUNG THANH (Đại học Thành Đông)