Nhiều năm nay, các bác sĩ và bệnh nhân ở Trung tâm Y tế huyện Bình Giang không còn lạ lẫm với hình ảnh ông Vũ Duy Ái, 57 tuổi ở khu Trung, thị trấn Kẻ Sặt bên cạnh nồi cháo nhân đạo vào mỗi sáng thứ ba hằng tuần.
Ông Vũ Duy Ái nấu cháo phát tặng bệnh nhân nghèo từ 6 năm nay
Ấm lòng người bệnh
Cứ thứ ba hằng tuần, dáng cao gầy của ông Ái lại nổi bật giữa hàng chục bệnh nhân đang chờ lấy suất ăn từ thiện ở Trung tâm Y tế huyện Bình Giang. Không để bệnh nhân chờ lâu, ông luôn tay múc từng cốc cháo đóng vào túi và lấy thìa để phát cho từng người. Vừa phát cháo, ông Ái và các tình nguyện viên vừa chuyện trò vui vẻ với các bệnh nhân. Nhiều người trong số ấy ông Ái đã quen mặt vì họ đã điều trị dài ngày. Ông Ái luôn nhắc các bệnh nhân có lấy giúp người khác hoặc cần lấy thêm cho bữa trưa thì cứ lấy thêm cho đủ.
Tiết trời mát mẻ nhưng trên trán ông Ái và các tình nguyện viên đều lấm tấm mồ hôi. Khi được hỏi vì sao vẫn nhiệt tình đi phát cháo khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp mà không sợ lây nhiễm, ông Ái cười hiền: “Những người đến đây hầu hết là khó khăn. Có điều kiện họ đã lên tuyến tỉnh hoặc lên Hà Nội. Dịch bệnh thế này, người nghèo càng cần được giúp đỡ".
Không chỉ đứng tại chỗ phát cháo, ông Ái và các tình nguyện viên còn mang cháo đến tận giường bệnh cho nhiều bệnh nhân không đi lại được. Cầm trên tay cốc cháo nóng hổi, thơm mùi thịt, xương và đỗ xanh, bà Phạm Thị Hả, 55 tuổi ở thôn Lương Ngọc (xã Thúc Kháng) cho biết: "Tôi bị đau đầu, chóng mặt nên nằm viện mấy hôm nay. Thấy các bệnh nhân khác bảo nhau nên tôi cũng đi lấy cháo thiện nguyện. Việc làm này rất có ý nghĩa với nhiều bệnh nhân khó khăn như chúng tôi".
Chỉ trong khoảng 1 giờ đồng hồ đầu buổi sáng, hơn 400 suất cháo dinh dưỡng đã đến tay các bệnh nhân. Để có những ngày phát cháo ý nghĩa như thế, từ hôm trước ông Ái phải đi chợ, rồi về nhà băm nhỏ thịt, ninh xương lấy nước nấu cháo và ngâm gạo, đỗ xanh. Sáng hôm sau ông dậy nấu cháo từ khoảng 4 giờ 30. Cháo được nấu 2 lần trong 2 nồi gang to với tổng lượng cháo khoảng 120 lít, mỗi nồi trị giá hơn 1triệu đồng.
Hành trình ý nghĩa
Khoảng 9 giờ sáng, sau khi phát cháo xong, về với mẹt bánh trước cửa nhà ở khu Trung, ông Ái chậm rãi chia sẻ về hành trình thiện nguyện ý nghĩa của mình.
Sinh ra trong một gia đình đông con có nghề làm các loại bánh truyền thống như bánh đa, bánh chưng, bánh khoai... nhưng nhà ông luôn thiếu thốn, thường xuyên chịu đói hoặc phải ăn cơm độn. Trưởng thành, ông Ái tiếp tục theo nghề gia truyền làm bánh bán ở chợ và nhận nấu cỗ thuê. Nhờ tháo vát, chăm chỉ nên nhiều lúc ông làm không hết việc.
Khi cuộc sống đã cơ bản đủ đầy, ông Ái lại nhớ về cái đói ám ảnh thời thơ ấu nên muốn góp sức mình để chia sẻ với những người khó khăn hơn trong xã hội. Là người theo đạo, từ năm 1990 ông đã phối hợp với Cha xứ ở đây vận động các nguồn tài trợ để trợ cấp thường xuyên số tiền tương đương 10 kg gạo/tháng cho khoảng 40 hộ khó khăn tại các huyện Cẩm Giàng, Thanh Miện, Bình Giang và Ân Thi, Mỹ Hào (Hưng Yên)... Cũng từ năm 1990, ông Ái vận động các nhà hảo tâm tài trợ tiền sách bút cho khoảng 20 học sinh hằng tháng. Sau 20 năm hỗ trợ các hộ và học sinh khó khăn, đến năm 2010 ông Ái thu hẹp chương trình này, chỉ hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn. Thay vào đó, ông tập trung vận động các nhà hảo tâm tặng chăn màn, quần áo ấm, nhu yếu phẩm mỗi dịp Giáng sinh, lễ, Tết…
Đến năm 2014, sau nhiều lần đi bệnh viện và nhận được những bát cháo thiện nguyện, ông Ái nảy ra ý tưởng nấu cháo miễn phí mang đến tặng bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bình Giang (cũ). Nghĩ là làm, được sự đồng ý của lãnh đạo bệnh viện, ông Ái đã kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ, tự bỏ tiền, công sức nấu cháo mang đến phát cho bệnh nhân nghèo. “Lúc đầu rất nhiều người nói tôi ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, giỏi lắm thì được vài hôm. Đến nay tôi đã đồng hành với các bệnh nhân được 6 năm. Tôi dự định sẽ làm tiếp công việc này đến khi mình không còn sức khỏe”, ông Ái chia sẻ.
Cùng đồng hành với ông 6 năm nay là nhóm các nhà hảo tâm có khoảng 10 người là các chị Vũ Thị Huy ở khu Trung, Nguyễn Thị Chung ở khu Hạ (Kẻ Sặt), Nguyễn Thị Phin ở thôn Đông, xã Thanh Tùng (Thanh Miện)… Nhiều năm qua, số tiền ông Ái vận động, quyên góp cho hoạt động thiện nguyện lên tới hơn 1 tỷ đồng.
Vừa qua ông Ái đã được nhận bằng khen của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do có thành tích xuất sắc trong hoạt động thiện nguyện giai đoạn 2015-2020. Chị Phin, một nhà hảo tâm đồng hành với ông Ái nhiều năm cho biết: “Kết nối với nhau bởi nồi cháo thiện nguyện của ông Ái, chúng tôi đã có những ngày hoạt động thiện nguyện ý nghĩa, trân trọng thêm cuộc sống vì còn rất nhiều hoàn cảnh kém may mắn hơn mình trong xã hội”.
BÌNH AN