Họ không phải những tay chèo chuyên nghiệp nhưng cứ đi thi đấu là luôn mang về cho quê hương những tấm huy chương danh giá.
Bơi thuyền chải là môn thể thao biểu dương sức mạnh tập thể
Ông Nguyễn Văn Hiển, cán bộ văn hóa xã Long Xuyên (Bình Giang) cho tôi xem những tấm ảnh chụp các tay chèo của quê hương. Đa số các bức hình lưu lại khoảnh khắc họ nở nụ cười tươi rói khi nhận giải, có tấm là cảnh họ thi đấu.
Ông Hiển khoe: "Ngày 18 và 19.5 vừa qua, các tay chèo của xã tham gia giải đua thuyền chải Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Hải Dương đã giành 3 huy chương vàng và 3 huy chương bạc, đứng thứ nhất toàn tỉnh".
Trước đó, đội nhà đã giành giải nhì Giải đua thuyền rồng Hải Phòng mở rộng. Năm 2017, Câu lạc bộ Thuyền chải nữ của xã giành giải nhất giải đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia...
Theo ông Hiển, truyền thống bơi thuyền chải của quê hương, tình yêu dành cho môn thể thao này của người dân cùng sức mạnh từ tinh thần đoàn kết đã giúp các vận động viên không chuyên của Long Xuyên giành chiến thắng trong mỗi giải đấu.
Từ xa xưa, dòng sông Sặt đã trở thành một phần cuộc sống của người dân thôn Cậy. Nếp sinh hoạt gắn bó với sông nước đã tạo cho Long Xuyên nhiều tập tục khác với những nơi khác như tục làm bánh trôi nước vào ngày 9.3 âm lịch hằng năm và đua thuyền chải. Theo thời gian, có những thời điểm bộ môn này bị mai một. Năm 1990, xã đã khôi phục lại môn thể thao này, gìn giữ và phát huy nó.
Giải bơi thuyền chải của Long Xuyên thường được tổ chức vào tháng 2 âm lịch, là một phần của lễ hội truyền thống đền - chùa Cậy.
Hiện thôn Cậy có 12 đội bơi thuyền chải, 6 đội nam, 6 đội nữ. Mỗi đội có từ 14-12 thành viên, người trẻ nhất cũng ngoài 20 tuổi, người cao tuổi nhất 50 tuổi. Nhiều gia đình cả vợ và chồng cùng là thành viên của đội bơi thuyền chải. Thậm chí, 5 anh em trong một gia đình cùng là những tay chèo trên một thuyền đua. Những tay chèo cao tuổi, không tham gia thi đấu trở thành thành huấn luyện viên, truyền dạy những kinh nghiệm thi đấu cho lớp trẻ.
Là những vận động viên nông dân nên việc luyện tập của những tay chải không thường xuyên. Trước mỗi giải đấu, ban huấn luyện của địa phương sẽ chọn ra những tay chèo tốt nhất để luyện tập, tham gia thi đấu. Hết mùa giải, họ lại quay về cuộc sống thường ngày, làm công việc nhà nông hoặc chạy chợ mưu sinh. Ông Vũ Văn Sơn ở thôn Cậy, người có hơn 20 năm gắn bó với bộ môn này cho biết: "Ở các giải đấu, khi biết đội nhà sẽ gặp những đội mạnh, anh em trong đội chỉ biết động viên nhau quyết tâm, đoàn kết, tập trung cao độ, làm hết sức có thể để đem vinh dự về cho quê hương".
Tinh thần đoàn kết cộng với kinh nghiệm dày dạn từ các giải đấu địa phương là thế mạnh của các tay chèo của xã Long Xuyên. Họ biết xây dựng chiến thuật, phân phối sức trên thuyền, trên đường đua một cách phù hợp.
Bơi thuyền chải là một trong số ít bộ môn thể thao tập thể. Kỹ thuật cá nhân phải hòa vào sức mạnh tập thể thì mới đạt được thành tích cao nhất. Trong một thuyền thường có 12 người có 10 tay chải, 1 lái, 1 mõ. Các tay chải gọi là phách 1, phách 2, phách 3… ở những vị trí phù hợp. Tay lái điều chỉnh hướng đi của thuyền, nương theo con sóng và không va chạm với thuyền khác.
Người cầm mõ chỉ huy các tay chải vung chèo đều nhịp. Từng thành viên là một mắt xích, tạo nên sức mạnh chung nên không ai được sơ suất, hoặc mắc lỗi. Bởi vậy, các tay chèo đều tập trung cao độ. "Có khi chúng tôi về đích rồi mà cũng không biết là đội nhà giành chiến thắng. Tập trung tới mức không để ý đến các thuyền của đội bạn nữa", ông Sơn nói.
"Bơi thuyền chải là nét văn hóa lâu đời, cũng là niềm tự hào của người dân xã Long Xuyên. Địa phương luôn quan tâm, phát hiện và bồi dưỡng những nhân tố trẻ tham gia vào câu lạc bộ bơi thuyền chải. Long Xuyên sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, gìn giữ và phát huy môn thể thao này để nó luôn là môn thể thao thế mạnh của xã", ông Trần Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Long Xuyên cho biết.
HÀ NGA