Người lớn giữ trọn chữ tín với trẻ em là cách làm có hiệu quả nhất để gieo vào tâm hồn trẻ niềm tin hy vọng.
Trong khi giải quyết các tình huống xảy ra trong cuộc sống, chúng ta thường thấy xuất hiện "lời hứa" giữa người lớn với trẻ em và giữa trẻ em với người lớn. Mỗi loại lời hứa có một ý nghĩa tâm lý khác nhau.
Khi người lớn hứa với trẻ em là nhằm làm cho trẻ em được thoả mãn một nhu cầu về vật chất hoặc tinh thần nào đó. Thông thường những lời hứa như thế có kèm theo những điều kiện nhất định. Ví dụ: chiều nay ở nhà, con cứ làm hết số lượng bài tập mẹ đã ra, chiều về mẹ sẽ mua cho con quyển sách mà con thích. Hoặc nếu trong tháng này, mỗi con phấn đấu đạt năm điểm 10, bố sẽ đưa các con đi tham quan Văn miếu Quốc Tử Giám và lăng Bác ở Hà Nội... Những lời hứa này đã tạo ra động lực cho trẻ em phấn đấu để đạt được kết quả cao hơn khi thực hiện một nhiệm vụ nhất định. Chính vì vậy, khi người lớn đã đưa ra lời hứa với trẻ em thì bằng mọi cách, người lớn phải thực hiện trọn vẹn lời hứa đó khi trẻ em đã hoàn thành công việc được giao. Tâm lý của trẻ em thường rất tin tưởng, coi người lớn là tấm gương mẫu mực cần học tập và làm theo. Bởi thế, nếu người lớn đã hứa mà không thực hiện thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến trẻ, làm mất lòng tin ở trẻ. Từ đó dẫn đến thiếu quyết tâm hoàn thành những nhiệm vụ khác người lớn giao cho, có khi còn nảy sinh ý thức chây lười, lẩn tránh công việc với lý do người lớn đã không giữ đúng lời hứa. Việc người lớn thất hứa sẽ tạo ra hình ảnh xấu, gây ấn tượng không đẹp trong tâm hồn trẻ em, làm phát sinh tình cảm ghét bỏ những người thất hứa, thậm chí còn vin cớ vào đó để thất hứa với người khác. Trẻ em được người lớn hứa nhưng không thực hiện sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển nhân cách của trẻ. Trẻ sinh ra hoài nghi, gây khó khăn trong việc tiếp thu, lĩnh hội những lời khuyên răn, dạy bảo của người lớn. Một khi niềm tin vào người lớn bị đánh mất thì trẻ em sẽ không còn tin vào những điều khác nữa.
Người lớn giữ trọn chữ tín với trẻ em là cách làm có hiệu quả nhất để gieo vào tâm hồn trẻ niềm tin hy vọng. Khi đã có niềm tin vững chắc vào người lớn, trẻ sẽ ứng xử theo khuôn mẫu mà người lớn đã làm và hành động theo lời trẻ đã hứa.
Thông thường, trẻ em nhớ rất lâu những lời người lớn đã hứa, vì nó gắn với quyền lợi được hưởng. Bởi vậy, vì lý do chính đáng nào đó chưa thực hiện được lời hứa, người lớn không nên lảng tránh, làm ngơ, càng không nên lấy việc không thực hiện lời hứa làm biện pháp trừng phạt một thiếu sót nào đó đã xảy ra ở trẻ em. Ví như "con đã bỏ nhà đi chơi nên mẹ không thực hiện lời hứa". Biện pháp tốt nhất là nói đúng sự thật đã xảy ra, giải thích rõ nguyên nhân và có sự thoả thuận, thương lượng về thời gian thực hiện lời hứa để trẻ em yên tâm và thông cảm. Chẳng hạn, vì mẹ bận công việc nên đã quên, mai mẹ sẽ mua tặng con. Trong những trường hợp trẻ em chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao, người lớn có quyền hoãn việc thực hiện lời hứa hoặc vẫn thực hiện lời hứa nhưng phải nhắc nhở trẻ không được tái phạm, động viên các em cố gắng hơn nữa.
Khi đã hứa với trẻ em điều gì, người lớn cần nghiêm túc thực hiện lời hứa của mình để trẻ hứng thú khi “thực hiện nhiệm vụ”, đồng thời hình thành cho trẻ thói quen giữ lời hứa với người khác.
TS. PHẠM TRUNG THANH (Đại học Thành Đông)