Trẻ em thường hiếu động, ưa khám phá thế giới xung quanh. Thế nên nhiều khi sự lơ là, bất cẩn của người lớn đã khiến trẻ em gặp tai nạn thương tích.
Trung bình mỗi tháng hè, Khoa Ngoại - Chấn thương - Phẫu thuật gây mê (Bệnh viện Nhi Hải Dương)
tiếp nhận khoảng 60 ca tai nạn thương tích ở trẻ em
Trẻ dễ bị tai nạnMùa hè này lẽ ra sẽ là những ngày vui của Phạm Văn Thưởng (9 tuổi) ở xã Vạn Phúc (Ninh Giang) nếu như em không bị gẫy tay trong khi chơi đùa cùng bạn. Một buổi chiều hè, được rủ rê nên Thưởng cùng nhóm bạn trèo lên cây nô đùa. Do sảy chân nên em bị ngã xuống đất. Khi về nhà, thấy con bị ngã, kêu đau, bố mẹ đã đưa em đến Trạm Y tế xã và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Các bác sĩ chẩn đoán Thưởng bị gãy xương cánh tay và được điều trị tại Khoa Ngoại 2. Sau một tuần điều trị, tình trạng của Thưởng đã được cải thiện nhưng tay em vẫn còn khá đau. Anh Phạm Văn Thân, bố của Thưởng cho biết: “Tôi thường xuyên nhắc nhở các con chọn những trò chơi an toàn nhất là trong dịp hè. Công việc bận rộn nên không phải lúc nào tôi cũng có thể ở bên và để mắt đến con”.
Cho chúng tôi xem vết bỏng ở lưng của con, chị Nguyễn Thị Thảo ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) vẫn không khỏi xót xa. Cách đây hơn một tuần, con chị Thảo là cháu Tăng Văn Giáp đứng lên nghịch chiếc xe đạp dựng ở góc nhà. Không may chiếc xe đạp bị đổ khiến ấm nước sôi chị vừa đun chưa kịp đổ vào phích ở gần đó đổ theo và làm cháu bị bỏng. Nghe tiếng khóc thét của con, chị Thảo chạy ra thì đã thấy chiếc xe đạp đổ kềnh cùng với đó là nước sôi lênh láng trên nền nhà. Chị Thảo xả nước lạnh vào vết bỏng của con. Tuy nhiên, do quá hốt hoảng nên chị đã vội vàng cởi chiếc áo con đang mặc với suy nghĩ để con bớt bị độ nóng của áo ngấm vào. Việc làm này gây ảnh hưởng đến vùng da của cháu Giáp. Sau khi sơ cứu, chị Thảo đưa con đến ngay Bệnh viện Nhi Hải Dương. Cháu Giáp được chẩn đoán bỏng độ 2 và điều trị tại Khoa Ngoại - Chấn thương - Phẫu thuật gây mê. May mắn khi các bác sĩ chẩn đoán vùng da của Giáp sẽ được phục hồi hoàn toàn, không để lại di chứng.
Bên cạnh những trường hợp như gãy tay, chân do leo trèo, bỏng, trẻ nhỏ còn có thể dễ bị hóc. Nhiều y, bác sĩ ở Khoa Ngoại - Chấn thương-Phẫu thuật gây mê vẫn còn nhớ tai nạn của cháu Nguyễn Trọng Kim L. (2 tuổi) ở TP Hải Dương xảy ra cách đây vài tháng. Trong lúc chơi đùa, cháu L. đã nuốt đồng xu vào bụng. Người nhà kịp thời nhìn thấy nên đã đưa cháu vào viện chữa trị.
Cha mẹ cần tự trang bị kỹ năng sơ cứuMùa hè cũng là lúc Khoa Ngoại - Chấn thương - Phẫu thuật gây mê (Bệnh viện Nhi Hải Dương) tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích (TNTT) hơn so với các thời điểm khác trong năm. Từ đầu tháng 5 đến nay, khoa đã tiếp nhận 60 ca chấn động não, 40 ca bỏng và 30 ca chấn thương chân, tay do những tai nạn xảy ra trong sinh hoạt gia đình. Trung bình mỗi tháng mùa hè khoa tiếp nhận khoảng 60 ca TNTT, trong khi những tháng khác chỉ khoảng 20 ca. Trẻ bị TNTT chủ yếu do sự bất cẩn của người lớn. Trẻ bị bỏng thường từ 1-4 tuổi. Những trẻ bị gãy chân, tay thường có tuổi lớn hơn vì hiếu động, thích leo trèo, chạy nhảy. Trong khi đó, các ca chấn động não xảy ra ở nhiều lứa tuổi.
Bác sĩ Vũ Đình Huy, Trưởng Khoa Ngoại - Chấn thương - Phẫu thuật gây mê khuyến cáo: “Hầu hết trẻ bị TNTT đều có trách nhiệm của người lớn. Phụ huynh cần lưu ý chỉ một phút bất cẩn của mình cũng có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Để giảm nhẹ TNTT cho trẻ, cha mẹ cần tự trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cứu và xử lý tình huống". Hiện nay, nhiều phụ huynh vẫn có thói quen xử lý tai nạn theo kinh nghiệm nhưng không có cơ sở khoa học, dẫn tới những hệ lụy xấu. Nhiều y, bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Hải Dương vẫn nhắc tới trường hợp một cháu bé ở Ninh Giang bị bỏng nhưng thay vì đưa đến bệnh viện, gia đình lại đưa cháu tới một thầy lang để đắp lá. Khoảng 1 tuần sau vết bỏng không khỏi mà có nguy cơ hoại tử, lúc đó gia đình mới tá hỏa đưa con đi viện để điều trị, sau đó trường hợp này phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Vì thế, khi trẻ bị TNTT, cha mẹ cần biết sơ cứu đúng cách.
HOÀNG QUÂN
Trẻ vốn đã hiếu động nên khi chăm sóc và trông giữ ở nhà, phụ huynh cần hết sức lưu ý khi chính môi trường trong gia đình cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra TNTT. Vì thế, cha mẹ không cho trẻ chơi các đồ vật sắc, nhọn. Các ổ cắm điện phải được đặt trên cao hoặc phải có nút kín, tránh tình trạng trẻ cho tay vào ổ điện. Cần bố trí, sắp xếp các đồ vật trong nhà ngăn nắp, gọn gàng, những vật dụng sắc nhọn như dao kéo để cao hơn tầm với của trẻ. Thuốc men cũng cần bố trí ở các tủ chuyên biệt. Khi trẻ có hiểu biết hơn, phụ huynh cần phân tích, giảng giải cho con nên chọn môi trường chơi an toàn, tránh nguy hiểm. |