Người lính đặc công già và câu chuyện một thời vào sinh, ra tử

25/07/2021 10:43

Cuộc đời quân ngũ của người lính đặc công Nguyễn Văn Chuyển như một thước phim tư liệu với những trận đấu ác liệt ông cùng đồng đội đã trải qua trong suốt 9 năm Nam tiến đánh giặc.


Ông Tư Chuyển (đứng giữa ảnh trên) cùng đồng đội trên chiến trường Long An)

Năm 1966, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn khốc liệt, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Nguyễn Văn Chuyển khoác ba lô vào Nam chiến đấu. Đến lúc "khói đạn vừa tan trên đầu ngọn súng" thì người lính đặc công ấy mới nhìn lại, hóa ra lời từ biệt mẹ ngày nào, chớp mắt mà đã 9 năm...

Đâu có giặc là ta cứ đi

Trên đài phát thanh năm 1966, lời kêu gọi nhân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang lên: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

Cùng với bao chàng trai, cô gái, ngày ấy dù bố mất từ lâu, vợ trẻ dại, con đầu lòng chưa tròn 2 tuổi nhưng ông Chuyển vẫn quyết từ biệt gia đình (nay ở phường Tứ Minh, TP Hải Dương) để bước vào chiến trường mà chẳng hẹn khi nào trở lại. Ông được bổ sung vào các đơn vị trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên. Là địa bàn có vị trí cực kỳ quan trọng nên Mỹ ngụy đã biến nơi đây thành một căn cứ chiến lược lớn với các sư đoàn bộ binh, tiểu đoàn biệt động quân, tiểu đoàn bảo an, thiết đoàn... hòng ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào và từ rừng núi xuống đồng bằng Khu 5.

Ở địa bàn Tây Nguyên, ông Chuyển cùng đồng đội trải qua hàng chục trận đánh lớn nhỏ, từ Đắk Tô, Tân Cảnh cho đến cầu Đắk Mót... Hơn 160 đồng đội của ông đã nằm xuống mảnh đất bazan đầy nắng gió này.

Đánh xong trận Tết Mậu Thân 1968, tình hình trên chiến trường có nhiều chuyển biến, ông Chuyển lại từ núi rừng xuôi đồng bằng phương Nam để bắt đầu những trận quyết chiến giành giật từng mảnh đất, từng xóm ấp với quân thù.

Ông Chuyển kể, Đồng Tháp Mười trống trải, mênh mông nước, không còn "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù" như ở chiến trường Tây Nguyên nên việc di chuyển và chiến đấu của những người lính hết sức khó khăn. Khi này, ông được bổ sung vào Trung đoàn 320 thuộc R (Trung ương Cục miền Nam). Để quen với địa hình, địa vật, những người lính từ rừng núi xuống phải hoàn thành một khoa mục huấn luyện bắt buộc là tập uống nước lã và đeo ba lô lội nước. Trong thời gian này, ông Chuyển được rút đi học đặc công rồi chuyển về Đại đội đặc công 29 đóng ở hậu cứ Ba Thu và là Đại đội phó Đại đội 1 Trung đoàn 320 tại Long An. Sau này, ông được đồng đội gọi bằng cái tên Tư Chuyển.

Nhớ lại những ngày tháng đó, ông Tư Chuyển kể, Long An có vị trí chiến lược bao vây phía tây nam, sát nách Sài Gòn nên Mỹ ngụy lập đồn bốt dày đặc và càn quét liên tục, quyết đẩy lùi sự mở rộng địa bàn của quân giải phóng. Hễ cứ tan tiếng súng, trở về hậu cứ là phải đối mặt với thiếu gạo ăn, nước uống. Giặc càn rát rạt, bà con cho được lít gạo (khoảng 7-7,5 lạng), nếu ăn chưa hết phải cho vào chai rồi chôn xuống mép sông để tránh địch đi càn phát hiện. Có lúc ở đó, bộ đội, liên lạc của ta hy sinh trong chiến đấu không nhiều bằng hy sinh khi đi lấy nước. Ở Cần Giuộc, chiến sĩ nằm trên nước, đánh nhau trên nước, ngủ trên nước, nhưng khát nước vì đó là vùng cửa biển...

- Em là bộ đội chủ lực. Đơn vị em đâu mà gọi em về đây?

- Tư Chuyển ơi, hy sinh hết rồi. Mày về đây với chúng tao!

Đây là câu chuyện ngắn giữa ông Tư Chuyển, khi đó là Đại đội trưởng đặc công, hỏi ông Ba Chánh, Phó Chính ủy Phân khu 23, khi ông Chuyển được gọi đi theo Tiểu đoàn 2 Tà Xăng thuộc Bộ Tư lệnh Miền ở Long An.

Về chuyện này, ông Tư Chuyển kể, khi đó ông đang ở Đại đội đặc công 29 thì Trung đoàn 320 của ông vẫn đang làm nhiệm vụ chống càn. Trong một lần di chuyển, đội hình bị lộ, Mỹ ngụy không dùng quân bộ binh mà sử dụng toàn bộ bằng xe tăng bao vây. Trung đoàn gần như xóa sổ. Ông Tư Chuyển chỉ nghe còn vài người và một đồng đội là Trợ lý quân lực thoát được vòng vây để trở về hậu cứ... Hai năm ở chiến trường Tây Nguyên đầy lửa đạn, nhưng sự hy sinh của những đồng đội ở Trung đoàn 320 là ký ức không thể xóa nhòa đối với ông Tư Chuyển cho đến mãi mãi sau này...


Ông Tư Chuyển nhớ về một thời chiến đấu ở chiến trường Long An

"Người liệt sĩ" trở về

Ông Tư Chuyển cùng đồng đội ở Tiểu đoàn 1, Phân khu 23 còn trải qua hàng chục trận đánh ác liệt khác suốt 4-5 năm cho đến ngày họ tiến vào sào huyệt cuối cùng của Mỹ ngụy để giải phóng Sài Gòn. Khi đó, khu vực Kiến Tường, Hậu Nghĩa (Long An) - nơi Đại đội 1 do ông Chuyển làm Đại đội trưởng trú chân bị bom Mỹ san phẳng gần như không có địa điểm đóng quân cấp tiểu đoàn. Từ năm 1971, chiến trường ngày càng ác liệt. Ban ngày địch đánh phá, ban đêm dùng trực thăng soi địa hình. Nhưng càng về sau, lực lượng giải phóng càng được củng cố và lấy lại ưu thế trên chiến trường.

Đến năm 1973, trận chiến đấu ác liệt nhất trong cuộc đời quân ngũ của ông Tư Chuyển, khi đó là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 1 đã diễn ra ở phía tây sông Vàm Cỏ Đông và đã được ghi trong cuốn lịch sử "Tiểu đoàn 1 Long An".

Nửa đêm một ngày tháng 11.1973, 45 đặc công do ông Tư Chuyển chỉ huy đánh làm một đại đội địch bị thiệt hại nặng. Nhận định tình hình Mỹ ngụy sẽ tấn công trả đũa, quân ta lập tức củng cố đội hình. Đúng như dự báo, cuối tháng 11.1973, địch tấn công ồ ạt từ sáng đến đêm với đủ trực thăng, tàu sông phun xăng... Đợi tiếng súng thưa dần, ông Tư Chuyển bò khắp nơi tìm kiếm đồng đội nhưng không còn ai sống sót. Mang theo hai khẩu súng, ông Tư Chuyển thoát ra khỏi vòng vây của địch rồi bơi qua sông Vàm Cỏ Đông, được ông Tám Hảo - một gia đình cách mạng cách bốt địch ở Kinh Tắc chưa đầy 200 m nuôi giấu suốt một tuần. Biết không giữ được, ông Tám Hảo bí mật móc nối với tổ chức và cho hai người phụ nữ trong gia đình, trong đó có một người là bà Ba Bê đưa ông Tư Chuyển qua sông để tìm về Tiểu đoàn 1. Trước khi tiến vào giải phóng Sài Gòn, ông Tư Chuyển còn cùng đồng đội trong Tiểu đoàn 1 Long An triển khai một trận đánh lớn vào cuối tháng 3, đầu tháng 4.1975. Đó là những ngày cuối cùng của Mỹ ngụy nhưng địch liên tục càn quét, dồn mọi hỏa lực cố vớt vát lợi thế trên chiến trường. Thời điểm đó, Tiểu đoàn 1 điều quân từ Hòa Khánh lên đóng ở xã An Thạnh đánh bốt Gò Dung. Ông Tư Chuyển nhớ lại, sau khi triển khai đội hình, bộ đội ta ém mình chờ quân địch. Có người sốt ruột xin ý kiến được khai hỏa, nhưng ông nhất quyết yêu cầu "vít đầu súng không được bắn", chờ địch lọt vào trận địa quân ta mới nổ súng. Kết quả, một đại đội bảo an của địch bị tiêu diệt gọn, quân ta thương vong không đáng kể...

Sau nhiều năm chiến đấu ở chiến trường Long An, đúng ngày 30.4.1975, ông Tư Chuyển cùng đồng đội ở Tiểu đoàn 1 hòa vào các cánh quân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tiến vào Sài Gòn giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Với ông Tư Chuyển, cuộc đời quân ngũ của mình giống như một thước phim tư liệu. Tất cả sự kiện, hình ảnh thân quen của những người đồng đội trong Tiểu đoàn 1 Long An 3 lần được phong anh hùng vẫn còn hiển hiện. Đó là những người lính kỳ cựu, thiện chiến đánh đâu thắng đó.

Cuối năm 1975, ông Tư Chuyển được về phép sau 9 năm vào Nam đánh giặc. Ông giật mình vì trên tường nhà mốc meo có treo tấm "Bằng Tổ quốc ghi công" ghi tên liệt sĩ Nguyễn Văn Chuyển. Chắc trong một lần ông bị thương nặng hoặc mất tích, đơn vị tưởng ông đã hy sinh nên gửi giấy báo tử về địa phương. Thấy con trai trở về "bằng xương, bằng thịt", mẹ ông khi ấy liền mang tấm bằng trả lại. Con trai ông lúc này đã 11 tuổi.

Sau lần nghỉ phép đó, ông Tư Chuyển tiếp tục quay lại đơn vị và trải qua nhiều cương vị công tác cho đến lúc nghỉ hưu vào tháng 10.1984, với quân hàm thiếu tá, thương binh hạng 4/4, là Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn 870 F321 Quân khu Thủ đô. Năm nay 80 tuổi, ông Chuyển là hội viên nhiều tuổi nhất, là Chủ tịch danh dự Ban Liên lạc cựu chiến binh Tiểu đoàn 1 Long An, Quân khu 7 khu vực phía Bắc.

Sau này, khi con cái đã trưởng thành, ông có dịp cùng đồng đội quay lại chiến trường xưa. Người còn, người mất, nhưng mảnh đất Long An luôn ghi dấu trong ông. Vui hơn nữa, bà Ba Bê - người phụ nữ năm xưa đưa ông qua sông tìm về đơn vị đã về thăm Hải Dương. Còn những cựu chiến binh thuộc Tiểu đoàn 1 Long An năm xưa bây giờ vẫn tìm đến với nhau để cùng nhớ lại một thời máu lửa!

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Người lính đặc công già và câu chuyện một thời vào sinh, ra tử