Bảo hộ lao động trong những môi trường nặng nhọc, nguy hiểm và độc hại có ý nghĩa rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người lao động.
Bảo hộ lao động ở các cơ sở sản xuất tư nhân, làng nghề chưa được coi trọng
Bên cạnh các doanh nghiệp đã thực hiện cơ bản đầy đủ yêu cầu này thì trong môi trường lao động tự do, trong các làng nghề, việc bảo hộ lao động vẫn chưa được quan tâm.
Bảo hộ nửa vờiỞ ngay TP Hải Dương, những lao động làm việc trong các xưởng gỗ tư nhân tại làng nghề mộc Đức Minh vẫn xem nhẹ việc trang bị bảo hộ lao động (BHLĐ). Tại xưởng mộc nhà anh Hùng, một trong những xưởng gỗ lớn nhất làng, không gian làm việc lúc nào cũng đặc quánh, khó chịu bởi mùn cưa và mùi gỗ. Trong khi một số công nhân đeo khẩu trang lúc làm việc thì chính bản thân anh Hùng thay vì đeo khẩu trang che miệng và mũi thì anh lại... đeo ở cằm. Đây cũng là thứ dụng cụ bảo hộ duy nhất ở đây. Anh Hùng cho biết: "Chắc tại làm lâu rồi nên quen, cảm thấy không bụi mấy. Với lại đeo khẩu trang rất khó làm việc". Những thớt gỗ xếp thành từng chồng cao quá người, những tiếng cắt xẻ gỗ cứ kéo dài liên thanh nhưng không một ai dùng bất kỳ dụng cụ bảo vệ nào khác. Nhìn những chiếc khẩu trang cáu bẩn và cách bảo hộ nửa vời như vậy, có lẽ tác dụng bảo vệ sức khỏe không được mấy.
Gần nhà anh Hùng, tại cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ Tho Phượng có 3 công nhân đang hoàn thiện các bộ bàn ghế. Mùi sơn tỏa ra nồng nặc nhưng chỉ 2 người phụ nữ đeo khẩu trang, còn người thanh niên không có bảo hộ vẫn vô tư làm việc. Ngoài khẩu trang loại thông thường, những người lao động này cũng không dùng bất kỳ loại bảo hộ nào khác như mũ, quần áo chuyên dụng, găng tay. Đó là tình trạng chung ở hầu hết các xưởng mộc hiện nay. Dù tiếp xúc với khói bụi, hóa chất từ sơn hằng ngày nhưng không mấy ai quan tâm, thậm chí thờ ơ với việc bảo vệ chính bản thân họ trong khi lao động.
Phun thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục nghề độc hại do tiếp xúc với hóa chất vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Tuy nhiên, trên các cánh đồng hiếm thấy có người nông dân nào sử dụng đủ bộ đồ bảo hộ gồm quần áo lao động, mũ, kính, khẩu trang, ủng, găng tay. Những đồ bảo hộ này cũng phải giặt và cất riêng, không lẫn với các dụng cụ sinh hoạt khác. Vậy mà không phải ai cũng tuân thủ điều đó. Chị Nguyễn Thị Bảy ở xã Nam Chính (Nam Sách) vừa phun xong 3 sào hành về cho biết: "Ở quê đâu có điều kiện để dùng riêng đồ đi phun thuốc sâu. Khẩu trang, quần áo, găng tay thường dùng chung, sau mỗi lần phun xong giặt riêng sạch sẽ nên tôi nghĩ cũng không ảnh hưởng gì".
Trên thực tế còn nhiều ngành nghề tự do khác như những người nhặt rác, công nhân ở các công trường xây dựng, thợ cơ khí... chưa thực sự quan tâm đến BHLĐ.
Chưa được quan tâmBHLĐ nói riêng và quyền lợi cho người lao động tự do trong môi trường độc hại nói chung hiện được xem là vấn đề nan giải, ngay cả Bộ luật Lao động cũng chưa có quy định cụ thể, kể cả khi người lao động làm việc thiếu bảo hộ dẫn đến những tai nạn lao động. Hiện nay, tỉnh ta cũng chưa có khảo sát hay thống kê đầy đủ đối với vấn đề BHLĐ và những tai nạn lao động ở cơ sở sản xuất tư nhân, các làng nghề...
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hinh, Trưởng Khoa Sức khỏe nghề nghiệp (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh), làm việc lâu dài trong môi trường độc hại, tiếp xúc với các loại khói bụi như xi măng, gỗ... mà BHLĐ kém sẽ dễ dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về phổi, bệnh ngoài da; hoặc trong môi trường có tiếng ồn quá lớn có thể khiến người lao động giảm thính lực... Những bệnh này có thể không xuất hiện ngay nhưng về lâu dài sẽ rất hại cho sức khỏe.
Hằng năm, các đoàn liên ngành đã tiến hành kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất tư nhân nhỏ lẻ, những người lao động tự do hay các làng nghề chưa được kiểm tra. Tỉnh mới chỉ tổ chức các đợt tuyên truyền trên loa truyền thanh ở các xã, phường, thị trấn về các điều kiện BHLĐ trong các môi trường lao động. Theo phản ánh từ các địa phương, việc tuyên truyền này cũng chưa đến được người lao động do môi trường làm việc của họ thường có tiếng ồn lớn.
Để bảo vệ an toàn tính mạng cũng như sức khỏe cho chính mình, người lao động cần tự trau dồi kiến thức về BHLĐ và nghiêm túc thực hiện. Các ngành chức năng cần sớm tiến hành điều tra, đánh giá thực trạng về điều kiện làm việc, BHLĐ, tình trạng sức khỏe của người lao động để từ đó có các can thiệp, giúp người lao động được làm việc trong môi trường an toàn.
MINH HẠNH