Hỏi: Tôi là nhân viên marketing tại một nhãn hàng thời trang, thu nhập giảm do dịch bệnh nên có ý định làm thêm tư vấn nội thất tại một công ty khác.
Tại hai nơi làm việc, tôi đều ký hợp đồng lao động chính thức. Việc này có vi phạm pháp luật không? Công ty thời trang có quyền cấm tôi song song làm hai công việc?
HOÀNG THƯỞNG(Cẩm Giàng)
Trả lời:
Điều 19 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về việc giao kết nhiều hợp đồng như sau:
"1. Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.
2. Người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động".
Theo quy định này, người lao động có thể giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, không hạn chế số lượng hợp đồng ký kết nhưng khi ký các hợp đồng lao động đó phải đảm bảo được các quyền và nghĩa vụ của các hợp đồng đã ký kết trước đó.
Trong trường hợp của bạn như nêu trên, bạn có thể ký hai hợp đồng lao động cùng một lúc nhưng phải đảm bảo các quyền nghĩa vụ của hai bên, ví dụ về giờ giấc, về sản phẩm hoặc hoàn thành các công việc được giao ... quy định trong cả hai hợp đồng.
Những lưu ý về mặt pháp luật trong trường hợp giao kết từ hai hợp đồng trở lên
* Thứ nhất, đảm bảo chính xác thông tin trong hợp đồng lao động khi giao kết: Khi giao kết hợp đồng lao động, người lao động cần kiểm tra kỹ các thông tin trong hợp đồng lao động có đầy đủ các nội dung sau đây:
- Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
- Công việc và địa điểm làm việc;
- Thời hạn của hợp đồng lao động;
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
- Chế độ nâng bậc, nâng lương;
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
Trong trường hợp nếu công ty yêu cầu hoặc thỏa thuận với người lao động không được phép giao kết hợp đồng lao động cùng lúc với nhiều công ty thì người lao động cần chú ý rằng đây là thỏa thuận trái với quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, người lao động làm cùng lúc hai công ty cần chú ý các nội dung liên quan đến bảo mật, bí mật kinh doanh,... cần được quy định cụ thể để giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng.
* Thứ hai, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.
Tại khoản 4 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định người lao động mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều này đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013 có nêu rõ trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, khi giao kết hợp đồng cùng lúc với hai công ty thì công ty đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Công ty thứ hai sẽ trả tiền tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trực tiếp vào lương bằng mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Riêng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (thuộc chế độ của BHXH) được đóng theo từng hợp đồng lao động đã giao kết.
* Thứ ba, tham gia bảo hiểm y tế đối với hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14.4.2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người lao động đồng thời có từ 2 đồng lao động trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.
Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng BHYT.
Như vậy, khi làm việc cùng lúc tại hai công ty thì công ty nào có mức lương cao hơn thì người lao động phải tham gia BHYT tại công ty đó.
* Thứ tư, lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi.
Theo quy định tại điểm c.1.1 khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15.8.2013 của Bộ Tài chính, người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh thì tại một thời điểm (tính đủ theo tháng) người nộp thuế lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi.
Như vậy, người lao động làm cùng lúc hai công ty thì người lao động được lựa chọn đăng ký giảm trừ gia cảnh tại một nơi, đồng thời, tiền lương, tiền công của người lao động vẫn được tính theo biểu thuế lũy tiến từng phần.