Người khách cuối cùng

01/04/2014 07:45



Minh họa: Văn Hà

Mưa phùn. Chiều xuống rất nhanh. Thoáng cái, màn nước màu trắng đục đã giăng kín con đường từ bến vào làng. Người khách cuối cùng của chuyến đò bước lên bờ. Con đò chòng chành, khiến nước hai bên mạn bập bềnh, đuổi nhau lan mãi. Xuân kéo sợi dây xích neo chặt con đò vào gốc tre già. Cô gỡ chiếc khăn trùm kín mặt rồi ôm gối ngồi nhìn xuôi theo dòng nước. Ánh mắt tần ngần như dò hỏi khi nhìn chị, cái sẹo dài nơi khoé mắt cùng câu hỏi của người khách cuối cùng ấy khiến Xuân chưa muốn về nhà lúc này. Ngồi nhìn dòng nước lãng đãng trôi, bất chợt Xuân thở dài… Đất bãi! Dòng sông! Tuổi thơ  nhọc nhằn và lấm láp!   

Cả làng gọi nó là Túm "còi".  Đến tận khi vào học lớp vỡ lòng, nó vẫn tên Túm. Hôm ấy, sau khi nhận lớp, cô Tâm gọi từng trò vào lớp để nhận mặt. Cô cứ gọi mãi Nguyễn Ngọc Long mà chẳng trò nào bước vào. Đến khi cả bọn vào lớp hết rồi, còn lại một mình ngoài hiên, Túm còi nhảy lên:

- Tao về trước đây. Tao không thấy tên, khỏi phải đi học.

Nghe nó hét, cô Tâm gọi lại:

- Em ở xóm nào?

- Xóm Bãi -Túm còi gọn lỏn.

 Cô giáo nhìn nó băn khoăn:

-  Các bạn xóm Bãi học cả ở lớp này, sao em lại không có tên nhỉ? Thế em con nhà ai?

- Con nhà Binh.

-  Ơ, sao ban nãy cô gọi em lại không vào lớp?

- Cô có gọi cháu đâu - Túm còi cãi.

- Khổ quá. Chẳng phải Nguyễn Ngọc Long con ông Binh xóm Bãi là gì đây?

 Bọn trẻ con đang ngồi trong lớp hóng ra, nhao nhao:

- Ơ, nó là Túm còi cơ mà?

Cô giáo bật cười:

- Đó là tên ở nhà, còn tên khai sinh của em là Nguyễn Ngọc Long.

Rồi cô quay lại :

- Từ nay các em gọi bạn là Long, nhớ chưa nào.

 Thế là Túm còi vào lớp. Nhưng lũ trẻ con xóm Bãi chẳng đứa nào gọi nó là Long, chúng cứ cái tên cúng cơm mà réo. Năm ấy mất mùa, làng đói nheo đói nhách, nhà nào cũng bữa có bữa không. Lũ trẻ chẳng để ý đến chuyện ấy. Mấy đứa trứng gà, trứng vịt sàn đầu nghịch ngợm suốt ngày. Ngoài giờ phải đi học, chỗ tụ tập lý tưởng nhất của bọn trẻ là bãi sông, nơi mà mỗi khi thủy triều lên chỉ thấy mênh mang một màu nước phù sa ngầu đỏ. Lúc thủy triều xuống, làn nước đỏ sậm ấy róc rách đuổi nhau ra giữa lòng sông, kịp để lại trên mặt bãi một lớp đất mới mỏng tang, màu nâu nhạt. Ở bãi sông, Túm còi luôn là đứa đầu trò nghịch ngợm. Đánh cái quần cũ của mẹ cắt ngắn, chẳng ra quần lửng cũng không ra quần đùi, cái áo cánh rách tay, đầu trần, tóc quăn queo, đỏ hoe như râu ngô, dài, vắt vẻo như đuôi chích chòe, mặt Túm còi đỏ bừng bừng, chạy như cờ lông công đằng trước, lũ trẻ con lốc nhốc theo sau. Nếu ai cần tìm lũ trẻ, chỉ cần đảo chân ra ngoài bãi sông. Trên mặt đất phù sa nâu non, xốp mịn, mấy cái lưng áo lấm lem bùn đất, bết chặt mồ hôi đang xòe ra như một bông hoa phù sa đặt giữa bãi sông, sắp lẫn vào với đất.

Túm còi là con vợ lẽ. Vợ cả của thầy nó đẻ toàn con gái. Khi u Túm đi thanh niên xung phong về đã quá lứa lỡ thì đành về làm lẽ thầy nó. Lúc Túm ra đời, không chịu nổi sự hành hạ vì ghen tức của bà cả và những trận đòn vô cớ của chồng, u nó ôm con ra ở bãi sông. Thầy Túm còi đi bộ đội chống Pháp, bị sức ép của bom thành ra cáu bẳn, hay uống rượu lại rất dữ đòn. Lũ trẻ xóm Bãi sợ ông như sợ cọp. Có lần cả bọn đứng ngoài hàng rào nhìn Túm còi bị đánh mà tối tăm mặt mũi. Nhưng cũng phải đợi đến khi thầy nó bỏ vào làng cả bọn mới xúm lại xuýt xoa. Vậy mà Túm còi chẳng hề kêu khóc. Nó xoa xoa tay trên những lằn ron vụt tím bầm, rớm máu, mặt sầm lại. Đợi lũ trẻ tản ra hết, nó ghé tai Xuân thì thầm:

- Thầy tao say quá. Nhưng tao quen rồi. Chỉ thương u tao thôi. Thế nào tao cũng tìm cách dọa để ông ấy không đánh u tao nữa. Người u tao rặt xương là xương mày ạ.

*

Nhà Xuân cách nhà Túm còi một bờ rào. Chẳng phải rào tre mà chỉ là bờ tường đất đắp cao ngang thắt lưng người lớn trồng toàn lau ba cạnh. Hai bên bờ rào lau ấy, hai đứa tha hồ bày trò nghịch ngợm khi người lớn vắng nhà. Nào đào lỗ hun chuột, nào chặt tre quấn nhựa mít dính chuồn chuồn, nào tết lá cỏ lau ba cạnh thành các con vật. Những lá lau dài to bản, xanh mướt, cạnh sắc như lưỡi dao, nhiều lần làm hai đứa xước cả mặt. Có lần Túm còi đu người leo lên cây sắn thuyền hái quả, trượt tay rơi vào giữa bờ rào, lá lau sắc cứa vào đuôi mắt, máu loang ra. Vết xước ấy để lại cái sẹo dài nơi đuôi mắt Túm còi. Mặc đám cây trong vườn trút lá rồi đâm chồi, bờ rào lau cứ xanh mướt bốn mùa. Mùa lau nở, những bông hoa trắng xóa, cong dài như đuôi chồn, rập rờn, chấp chới giữa màu xanh um tùm của lá. Túm còi rút hoa, tết cho mình một cái vương miện bằng lá lau có cắm hai bông hoa cong vút như mũ Tôn Ngộ Không, tết cho Xuân một mũ công chúa. Thấp thoáng sau bờ lau, có chàng hoàng tử đang đón nàng công chúa về dinh. Kết thúc trò chơi trẻ con ấy, Túm còi chắc chắn: Nhất định sau này đi đâu nó sẽ đưa Xuân đi cùng. Sau này, mỗi lần nhắc lại, cả hai đứa đều bật cười. Lời hứa trẻ con chắc như cây đinh đóng vào thân chuối!

Một buổi sáng, người lớn đã đi làm hết. Nghe tiếng gọi, Xuân chạy ra bờ rào. Túm còi đứng bên kia, thì thào:

- Chiều nay thầy tao hẹn ra để bắt u tao vào trong làng ở. U tao chẳng chịu đâu. Thế thì u tao sẽ lại bị đánh, mày ạ. Tao bảo này… Nhưng mày cấm hở với ai đấy. Xuân gật đầu...

Chạng vạng tối, thầy Túm còi ra thật. Chỉ một lúc sau cả xóm Bãi đã nghe tiếng quát tháo ầm ầm. U Xuân chạy sang, một lát chạy về than thở:

- Nhà ông Binh ác thật, đánh vợ chẳng tiếc tay. Mà cu Túm cũng ghê, cứ ôm chặt lấy bố mà kêu: Thầy còn đánh u, con đi không về nữa...

Nửa đêm, cả xóm thêm một phen náo loạn. Tiếng kêu khóc, tiếng gọi Túm còi ầm ĩ cả lên. Mọi người nháo nhào đổ đi tìm vì từ tối không thấy nó về. Họ gọi, soi bờ ao, bờ sông, mò vào từng ngóc ngách. Trời tối như đêm ba mươi. Không thấy bóng dáng thằng Túm đâu. Xuân cũng sợ nhưng vì trót ngoắc tay với Túm còi nên đành im lặng khi mọi người gặng hỏi. Chợt ông Binh hét lên khi soi đèn vào miệng giếng:

- Con tôi! Con ơi! Ai giúp với...

Mọi người xô đến. Sấp xõa trên mặt nước có cái gì như tóc người. Tiếng ai đó gào lên... Ánh đèn loang loáng soi xuống miệng cái giếng nhỏ như cái nia. Chú Tư khoát tay:

- Tản ra! Tản ra hết! Ai vác hộ tôi cái thang dài!

Cái thang thả xuống. Chú Tư lùi dần... Bàn tay chú lùa xuống dưới đám sấp xõa ấy... Trên miệng giếng, ông Binh vật vã:

- Túm ơi! Thầy biết rồi. Đừng bỏ thầy u con ơi!

Bỗng tiếng chú Tư ở dưới giếng vọng lên:

- Thằng lỏi con! Gớm thật!...

Chú Tư bám thành giếng leo dần lên, lôi theo một đoạn cây chuối dài hơn chiều rộng miệng giếng. Phía dưới đoạn thân chuối xâu một sợi dây buộc vào một hòn gạch. Phía trên đóng một cái cọc cắm quả bưởi buộc chùm rễ bèo tây. Thì ra Túm còi đã học cách làm bù nhìn của người lớn để dọa thầy nó. Ông Binh thở ra đánh sượt, lau nước mắt đang tràn trên mặt:

- May quá! Không phải nó nhảy xuống giếng. Thế thì nó đi đâu?

Mọi người nhớn nhác. Cụ Toan rẽ đám người đang vòng trong vòng ngoài đến trước mặt ông Binh rành rẽ:

- Thôi. Không phải tìm nữa. Cu Túm ở ngoài lều vó của tôi rồi. Nó bảo sẽ không về nhà nếu anh còn đánh mẹ nó. Mà nhà anh cũng quá. Đánh vợ như đòn thù.

Đầu ông Binh cúi xuống. Ông lẳng lặng bước vào nhà. U thằng Túm quỳ trước mặt cụ Toan. Khuôn mặt bầm tím của bà ngước lên van vỉ:

- Ông ơi! Ông bảo nó về giúp con...

 Mọi người lặng lẽ tản đi. U Xuân xuýt xoa:

- Cái thằng... bé mà đáo để!

Sau lần ấy, thầy Túm còi ít uống rượu và không đánh u nó nữa. Bọn trẻ xóm Bãi lớn dần. Bãi sông vẫn cồn cào xoáy lốc với những trò quái quỷ của lũ trẻ. Bờ rào lau cũng dần vươn cao.

*

 Hết cấp hai, Xuân nghỉ học. Túm còi theo gia đình đi kinh tế mới tận Tây Nguyên. Bữa chia tay, cả bọn vặt một rổ đầy sung, khế. Túm còi xin cụ Toàn một quả dứa chưa chín hẳn. U nó múc cho một bát còng cua muối. Từ ngày ấy đến giờ, nhưng chưa khi nào Xuân ăn một bữa liên hoan mặn mòi như thế. Không biết có phải tại vị chát xít cuống họng của sung, cái chua của khế, cái nồng thơm của dứa xanh và cả vị mặn tê đầu lưỡi của những còng cua muối mà cả bọn chẳng đứa nào nói câu gì? Còn người lớn... Lần đầu tiên được thấy lũ lau nhau xóm Bãi không ầm ĩ tranh giành trong bữa ăn.

Trăng đầu tháng chếch dần. Đom đóm lập loè ngoài ngõ. Mặt cả bọn nhập nhòe trong màn mưa mờ ảo. Khuya, lất phất mưa bụi. Sáng mai, Túm còi đã lên đường. Cái Vẩn xòe tay hứng giọt gianh dưới mái hiên, lầm bầm:

- Lạy ông. Ông muốn thì mưa rào hẳn lên để mai mà tạnh. Cứ lẩm bà lẩm bẩm...

Cả bọn bật cười. Mười lăm tuổi, lần  đầu tiên Xuân thấy ghét mưa phùn...

Túm còi đi rồi, lũ trẻ lau nhau xóm Bãi cũng dần phổng phao, già dặn.

*

 Mấy năm trời, những lá thư từ Tây Nguyên và xóm Bãi vẫn bay đi, bay lại như cánh diều chao lượn mỗi chiều hè. Cái tên Túm còi thành tên gọi thân thương trong ký ức, chở nỗi nhớ mong trên phong bì thư về xóm Bãi tìm Xuân.

Thời gian đưa thoi. Đám bạn cùng thời tao tác. Đứa công tác xa, đứa lấy chồng. Đám trẻ xóm Bãi giờ còn lại Xuân và Hiển. Xuân đợi Long. Điều ấy ai cũng hiểu. Còn Hiển - đôi chân dị dạng, tập tễnh từ nhỏ, đầu vẹo, trán dô. Dị tật khiến Hiển không thể đi xa làng. Bởi thế, trong lúc đám con trai cùng lứa trong làng nô nức vào bộ đội, Hiển chỉ biết đứng nhìn theo, đôi mắt thèm thuồng. Chẳng làm được việc nặng, Hiển nhận chân đưa thư báo cho xã. Không lá thư nào Long gửi cho Xuân, Hiển lại không tận tình đem đến tận nhà. Có hôm Xuân đi làm vắng, Hiển tập tễnh mang thư ra tận bãi sông, chỗ Xuân đang tưới ngô gọi. Lúc Xuân hồ hởi vừa đọc thư Long vừa mủm mỉm cười, Hiển lẳng lặng đứng nhìn, trầm ngâm. Xuân hồn nhiên vui, vô tình không nhận ra điều ấy.

Bẵng đi gần một năm, Xuân bỗng bặt tin Long. Cả những lá thư Xuân gửi vào cũng bị trả lại vì không có người nhận.

Xuân ba mươi mốt tuổi (cái tuổi mà những người cùng lứa ở quê đã con bế, con bồng), một lá thư từ Tây Nguyên tìm về đúng ngày Xuân về nhà chồng. Giá có thể, chị đã lao ra túm lấy anh chàng đưa thư mà xỉ vả. Anh ta đấy, Hiển đấy. Đôi chân thập thễnh như dấu chấm phẩy, cái môi sứt đang ngoác ra bả lả với mọi người. Xuân muốn cào cấu, muốn cắn xé. Hắn, chính hắn đã giấu đi tất cả thư Long gửi về khiến Xuân mòn mỏi đợi chờ trong đau khổ. Nhưng chị không thể làm thế. Hắn chính là chú rể trong lễ cưới và trong kia bố Xuân đang ốm nặng. Chị không thể làm trái ý cha.

Hôm ấy, đúng mùa hoa lau nở. Những bông lau như những chiếc ngù xám tím, phất phơ. Mưa lất phất giăng tơ nhện đầy trời. 

“Chị làm ơn cho hỏi cô Xuân xóm Bãi ...". Câu hỏi của người đàn ông ban chiều bỗng văng vẳng đâu đây. Đôi mắt ấy, cái sẹo nơi góc mắt ấy... Xuân không thể nhầm. Chị nhận ra ngay khi người khách ấy vừa bước xuống đò. Nhưng Xuân không cất nổi tiếng chào.

 Thủy triều lại bắt đầu lên. Sáng mai, khi một ngày mới bắt đầu, sẽ lại có một lớp đất màu nâu đỏ mỏng tang phủ trên mặt bãi. Tiếng sóng nước róc rách vỗ vào mạn thuyền. Chưa bao giờ nước dòng sông này ngừng chảy.

 Xuân vươn vai đứng dậy đi về nhà. Căn nhà chỉ có mình Xuân ngay từ khi bố chị qua đời. Con đường từ bến sông về làng hình như đang sáng dần ra.


 Truyện ngắn của TRƯƠNG THỊ THƯƠNG HUYỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người khách cuối cùng