Người hùng trong biển lửa

24/03/2019 12:07

Trước ngọn lửa hung dữ, trong khi người dân chạy tán loạn thoát thân thì những người lính cứu hỏa bất chấp hiểm nguy, lao vào dập lửa, cứu tính mạng và tài sản của nhân dân.

Lính cứu hỏa tham gia chữa cháy tại Công ty CP Phát triển công nghệ tài nguyên môi trường ở khu 6, thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn) ngày 8.3.2018

Gương mặt nhem nhuốc khói đen, áo quần ướt sũng, mặt đẫm mồ hôi là hình ảnh thường thấy về những người lính cứu hỏa dũng cảm.

Một ngày cùng lính cứu hỏa

Đã thành thông lệ, một ngày của những chiến sĩ trong Đội Chữa cháy trung tâm thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (PCCC-CHCN) Công an tỉnh bắt đầu từ rất sớm. 5 giờ 30 sáng, tất cả cán bộ, chiến sĩ trong kíp trực đều đã tập thể dục để rèn luyện sức khỏe. Tiếp theo là 15 phút để kiểm tra lại toàn bộ phương tiện, trang thiết bị chữa cháy, cứu hộ, sẵn sàng lên đường khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Đúng 7 giờ sáng, tiếng kẻng vang lên báo hiệu một ngày làm việc bận bịu.

Công việc đầu tiên là điểm danh quân số, bàn giao ca trực, rút kinh nghiệm công tác và triển khai nhiệm vụ trong ngày. Việc này được triển khai nhanh gọn để các chiến sĩ chuyển sang nội dung tập luyện thể lực và triển khai thực hành các phương án chữa cháy giả định. Hôm nay, các cán bộ, chiến sĩ trong đội sẽ thực hành tình huống chữa cháy tại tòa nhà của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Hải Dương trên đường Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương). Thiếu tá Phạm Đức Thuận, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC-CHCN chia sẻ: “Công tác chuẩn bị đã được chúng tôi phối hợp sắp xếp từ nhiều ngày trước. Gần 200 cán bộ, nhân viên của ngân hàng đã được tập huấn về các tình huống giả định, cách sử dụng các trang thiết bị chữa cháy, phương án chữa cháy, sơ tán, cứu nạn…”.

Ngay khi tiếng kẻng báo động vang lên, toàn bộ chiến sĩ nhanh chóng cơ động lên xe chữa cháy hướng về phía trung tâm thành phố. Chưa đầy 5 phút từ khi tiếp nhận tin báo, 2 chiếc xe cứu hỏa đã có mặt tại hiện trường. Các chiến sĩ nhanh chóng xác định, tiếp cận vị trí ngọn lửa từ tầng 4 của tòa nhà. Toàn bộ nhân viên, tài liệu quan trọng được sơ tán kịp thời. Cùng lúc này, những chiến sĩ khác sử dụng vòi phun từ xe chuyên dụng phun nước qua cửa kính tầng 4 để dập tắt ngọn lửa. Mặc dù chỉ là tình huống giả định nhưng các hoạt động đều được thực hiện giống như đang xử lý một vụ cháy thật. Các chiến sĩ đều rất tập trung, thao tác chính xác, thực hiện nghiêm quy trình chữa cháy. Sau gần 2 giờ, toàn bộ ngọn lửa đã được dập tắt trong tiếng vỗ tay cổ vũ của mọi người chứng kiến. Ngay sau đó, các chiến sĩ lại khẩn trương thu dọn trang thiết bị để trở về đơn vị thực hiện các nhiệm vụ khác.

Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn hướng dẫn cán bộ, nhân viên Vietcombank Hải Dương thực hành phương án chữa cháy

- Ngày nào các anh cũng phải diễn tập như thế này sao? - tôi hỏi.

- Gần như vậy đấy. Hôm nào thực hiện kế hoạch diễn tập với các đơn vị thì chúng tôi triển khai như vậy. Còn ngày thường, chúng tôi vẫn thường xuyên tập luyện các phương án chữa cháy, cứu hộ tại đơn vị để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, chúng tôi còn phải làm cả công tác CHCN khi có sự cố xảy ra. Ví dụ như các vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đuối nước… - anh Thuận đáp.

Tham gia diễn tập cùng với những người lính cứu hỏa, chúng tôi mới thấy công việc của họ luôn bận rộn và vất vả. Họ luôn trong tình trạng trực sẵn sàng bởi hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhiều khi, các cán bộ, chiến sĩ đang ăn dở bát cơm, đang chơi thể thao hoặc nghỉ ngơi cùng gia đình nhưng nhận lệnh đều sẵn sàng có mặt tại đơn vị để lên đường. 

Say nghề

Lính cứu hỏa là một trong những nghề nguy hiểm với những rủi ro bất ngờ luôn rình rập. Những người lính cứu hỏa không đơn thuần phải chịu áp lực về thời gian mà bản thân họ phải đánh đổi nhiều thứ để gắn bó với nghề. Dù mới về công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC-CHCN gần 3 năm sau khi tốt nghiệp đại học nhưng thiếu úy Đỗ Thị Hòa đã có nhiều kỷ niệm cùng các đồng đội khi tham gia chữa cháy. Khoảng 23 giờ ngày 8.3.2018, tại Công ty CP Phát triển công nghệ tài nguyên môi trường ở khu 6, thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn) xảy ra cháy lớn. Toàn bộ bãi chứa phế liệu, rác thải rộng khoảng 2.000 m2 và khu nhà xưởng 350 m2 của doanh nghiệp này bị thiêu rụi. Nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát PCCC-CHCN đã có mặt. Bãi phế liệu chứa các vật liệu dễ cháy, ngọn lửa bốc cao, khói bay nghi ngút. Có thời điểm, Phòng Cảnh sát PCCC-CHCN đã phải huy động 10 xe cứu hỏa cùng chữa cháy một lúc. Các chiến sĩ vật lộn trong nhiều giờ mới dập tắt được đám cháy. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, một số chiến sĩ bị xây xước nhẹ, có đồng chí bị ngạt khí phải điều trị tại bệnh viện. Chứng kiến hình ảnh đồng đội thâu đêm chiến đấu kiên cường với giặc lửa, thiếu úy Hòa rất xúc động.

Những bóng hồng của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh

Còn thiếu tá Nguyễn Văn Chính đã có hơn 20 năm gắn bó với nghiệp cứu hỏa thì không thể nhớ hết đã tham gia bao nhiêu cuộc chữa cháy. Đối với anh cũng như các chiến sĩ khác, họ thường hành động nhiều hơn là lời nói. Trong quá trình công tác, anh Chính vẫn nhớ như in lần tham gia chữa cháy tại Công ty TNHH Cường Ngoan chuyên sản xuất giày da ở xã Phúc Thành (Kim Thành) vào ngày 10.10.2008. Ngay khi nhận được lệnh, toàn bộ chiến sĩ của đơn vị đều có mặt đầy đủ cùng 5 xe chữa cháy, 1 xe chuyên dụng với các trang thiết bị cần thiết gấp rút lên đường. Vị trí cháy là xưởng hoàn chỉnh và kho thành phẩm của công ty rộng hơn 3.600 m2. Khối lượng chất cháy lớn gồm giày thành phẩm, cao su, keo, da… khiến ngọn lửa lan nhanh có nguy cơ cháy sang các kho xưởng khác. Khi lực lượng chữa cháy đến hiện trường, toàn bộ mái của nhà xưởng đã bị sập gây nhiều khó khăn cho việc chữa cháy. Mặc dù vậy, các chiến sĩ vẫn can đảm, bất chấp hiểm nguy tiếp cận từng điểm cháy để dập lửa. Sau hơn 5 giờ chiến đấu, vụ cháy được dập tắt hoàn toàn. Mặc dù vụ cháy gây thiệt hại khá lớn về kinh tế với số tiền ước tính hơn 23 tỷ đồng nhưng rất may không ai bị thương. Hơn 50 cán bộ, chiến sĩ đều hoàn thành nhiệm vụ một cách an toàn.

Anh Chính chia sẻ: “Mỗi công việc lại có những vất vả riêng. Đối với chúng tôi, niềm vui lớn nhất là được thất nghiệp. Có những hôm thời tiết hanh khô hay nắng nóng, đang bưng bát cơm lên chưa kịp ăn thì lại phải đặt vội xuống vì có tiếng kẻng báo cháy. Dù vất vả nhưng càng làm càng say nghề vì mình đã góp phần bảo vệ được tài sản và tính mạng của nhân dân". Chỉ còn vài tháng nữa là anh Chính được nghỉ hưu nhưng anh lại không muốn ngày đó tới sớm vì sợ sẽ nhớ ngày ngày tập luyện vất vả, những đêm ngày cùng đồng đội chiến đấu với giặc lửa.

Đối với người lính cứu hỏa như anh Chính, anh Thuận, chị Hòa... sự can đảm đã ăn sâu trong con người của họ. Trước ngọn lửa hung hãn, họ không sợ hãi. Vì thế, chuyện bị bỏng tay, bỏng chân, xây xước da là hết sức bình thường. Anh Thuận cho biết thêm, khi làm nhiệm vụ, các chiến sĩ đều được trang bị các dụng cụ bảo đảm an toàn. Nhưng có nhảy vào đám lửa đang cháy mới thấy đáng sợ đến nhường nào. Trong đơn vị đã có những đồng nghiệp đeo bình thở nhưng bị sốc phải cấp cứu do ngạt khí hoặc có người chạy nhanh trượt chân ngã dẫn đến chấn thương phải nằm viện. 

Hiện Phòng Cảnh sát PCCC-CHCN có 126 cán bộ, chiến sĩ (trong đó có 17 nữ) đang công tác tại 5 đội gồm: Tham mưu tổng hợp, Hướng dẫn kiểm tra an toàn PCCC, Hậu cần và quản lý phương tiện, Chữa cháy trung tâm và PCCC Sao Đỏ (TP Chí Linh). Mỗi năm, đơn vị tham gia giải quyết hàng chục vụ cháy lớn nhỏ khác nhau. Chỉ tính riêng năm 2018, đã có 41 vụ cháy được xử lý. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa cháy nổ, các vụ cháy gây thiệt hại về người và của đã giảm dần theo từng năm. Đạt được kết quả trên có sự đóng góp công sức không hề nhỏ của cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC-CHCN Công an tỉnh.

ĐỨC TÂM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người hùng trong biển lửa