Vào buổi tối mùa hè, sau một cuộc dạo chơi khắp các con phố, mẹ chở tôi về nhà. Trên đường về mẹ ghé vào một tiệm tạp hóa nhỏ để mua mấy hộp sữa.
Vào buổi tối mùa hè, sau một cuộc dạo chơi khắp các con phố, mẹ chở tôi về nhà. Trên đường về mẹ ghé vào một tiệm tạp hóa nhỏ để mua mấy hộp sữa.
Mùa hè, nhất là vào buổi tối, phố phường nhộn nhịp hẳn. Xe máy cứ đua nhau chen chúc trên đường. Nhiều đôi trai gái ngồi trên cái xe máy vút ga qua mặt người đi đường. Họ có vẻ còn trẻ, mới chỉ 18 - 20 tuổi, tóc thì nhuộm đủ màu sắc. Ngoài mấy đôi thanh niên trẻ, còn nhiều người đi về nhà sau khoảng thời gian tăng ca đầy mệt mỏi, hoặc có một gia đình nhỏ đang chạy trên chiếc xe máy cùng dạo chơi trong tiếng cười vang của con trẻ. Những cửa hàng ăn uống có vẻ đóng cửa muộn hơn và đông khách hơn. Tất cả đều đang ăn uống rôm rả. Những quán ăn vỉa hè chật chội, đầy dầu mỡ, nhiều người chen chúc. Họ nói với nhau về những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống. Sau mỗi bữa ăn, những bao ni lông vứt đầy ngoài đường, những lon nước ngọt, lon bia vung vãi…
Chị lầm lũi đẩy chiếc xe rác nặng đi qua con phố nhộn nhịp, nhặt từng thứ rác mà đám thanh niên ấy vừa vứt ra. Đẩy chiếc xe to gấp 2 lần bản thân, chị mệt nhọc lê bước trên đường. Bỗng có một chàng thanh niên đang phì phèo thuốc lá thấy chị, liền nguýt một cái dài châm chọc, anh ta phá lên cười trước vẻ nín nhịn của chị. Anh ta ném một lon bia về phía chị, chị lẳng lặng cúi xuống nhặt nó lên trong ánh nhìn của mọi người ở đó. Không một ai đứng về phía chị dù biết hành động của anh ta là sai, không một ai cả. Tôi vẫn quan sát chị, ngắm nhìn người phụ nữ tần tảo ấy. Chị đến một quán ăn đêm, hít hà cái mùi thức ăn thơm phức ấy thì lại nghe cái giọng nói khinh khỉnh của chủ quán:
- Cô đẩy cái xe đi nhanh qua đây đi, đừng làm bốc mùi kinh lắm!
Chị cúi đầu đi tiếp, nom thật tội nghiệp. Chị đến gần chỗ tôi, ngồi sụp tại một vỉa hè trống. Bộ đồ lao động ướt đầm mồ hôi. Chị ôm mặt. Không hiểu tại sao tôi lại muốn ôm người phụ nữ ấy vào lòng. Chị đã phải chịu bao thành kiến, bao tủi nhục. Chị luôn nỗ lực, chăm chỉ làm công việc nặng nhọc đó để kiếm kế sinh nhai, để được nhìn thấy con cái của mình có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Cũng là một công việc lao động mà sao mọi người lại có những cái nhìn khinh thường về chị? Chị cũng làm việc tốt và làm ra những đồng tiền lương thiện cơ mà? Nghề lao công vốn dĩ vất vả lương lại không cao. Thử tưởng tượng xem cuộc sống sẽ khó khăn đến nhường nào nếu có nhiều rác mà không có ai dọn dẹp chúng? Chúng ta hãy biết ơn họ, những người lao công - những người hùng thầm lặng đã làm sạch phố phường.
Bỗng nhiên một động lực vô hình nào đó giúp tôi tiến gần bên chị, khẽ đưa cho chị hộp sữa nhỏ mà mẹ tôi vừa mua ở tiệm tạp hóa. Chị ngước lên nhìn tôi bằng một ánh nhìn lạ lẫm và thích thú. Qua lớp khẩu trang che mặt, tôi không nhìn rõ khuôn mặt chị, chỉ nhớ chị có đôi mắt thật đẹp, như một dòng sông buồn chảy qua. Dưới khóe mắt là những vết hằn thời gian không thể xóa nhòa, minh chứng cho những nỗi vất vả của chị. Chị mân mê hộp sữa tôi tặng, khẽ nói:
- Cảm ơn em!
Tôi không đáp gì cả, mà đến gần và vỗ vai chị như để an ủi. Tôi đâm lúng túng, làm gì tiếp theo nhỉ? Bỗng có tiếng mẹ gọi, tôi chạy đến, ngoái nhìn chị lần cuối, chị trông thật cô đơn, bé nhỏ trước đêm tối mùa hạ. Chị vẫn cứ ngắm nhìn hộp sữa như một sự kỳ diệu, nâng niu nó như một quả cầu thủy tinh dễ vỡ. Tôi ngậm ngùi nhìn chị. Không, đáng lẽ em nên nói cảm ơn chị, vì việc chị làm xứng đáng được tôn vinh, xứng đáng được một hành động tri ân tử tế. Chị không đáng bị dè bỉu, khinh thường hay một sự phớt lờ vô trách nhiệm của một bộ phận xã hội.
NGUYỄN HOÀNG VÂN ANH
(Lớp 7B, Trường THCS Lê Quý Đôn, TP Hải Dương)