Dù xa quê nhưng người Hộ Vệ, xã Cẩm Hưng (Cẩm Giàng) sinh sống tại TP Đồng Xoài (Bình Phước) vẫn luôn hướng về quê nhà bằng những việc làm thiết thực.
Ngôi đình được bà con đồng hương thôn Hộ Vệ đóng góp xây dựng tại ấp 2, xã Tân Thành, TP Đồng Xoài (Bình Phước)
Cuộc sống khấm khá, đủ đầy nhưng những người con quê ở thôn Hộ Vệ, xã Cẩm Hưng (Cẩm Giàng) sinh sống tại TP Đồng Xoài (Bình Phước) vẫn đau đáu nhớ quê nhà. Họ có cách riêng để gìn giữ những nét truyền thống của làng và luôn hướng về nơi “chôn nhau, cắt rốn”.
Chung tay xây đình
Đưa chúng tôi đi thăm ngôi đình được xây tại ấp 2, xã Tân Thành, ông Nguyễn Tiến Tuyển, Trưởng Ban liên lạc Hội đồng hương làng Hộ Vệ cho biết ngôi đình là minh chứng rõ nhất gắn kết tình cảm quê hương của người Hộ Vệ vào Bình Phước lập nghiệp. Với mong muốn thế hệ trẻ nhớ đến cội nguồn tổ tiên và cũng là nơi để sum họp mỗi khi Tết đến, xuân về, bà con làng Hộ Vệ đang sinh sống, làm việc tại phường Tiến Thành và xã Tân Thành (TP Đồng Xoài) đã thống nhất xây ngôi đình có nhiều nét giống đình ở thôn Hộ Vệ nhưng quy mô nhỏ hơn. Bà con đã đóng góp hơn 200 triệu đồng cùng ngày công, vật liệu xây đình. Ngôi đình được xây trên diện tích 465m2 do ông Vũ Văn Đoan ở ấp 2, xã Tân Thành, một người con làng Hộ Vệ hiến tặng.
Để có hơi ấm quê hương, bà con về Cẩm Hưng làm lễ xin nhang, lấy đất nền đình Hộ Vệ quê nhà làm cốt xây đình. Ngôi đình được khánh thành vào ngày 12.2.2008 (âm lịch) đúng ngày diễn ra lễ hội đình làng Hộ Vệ ở xã Cẩm Hưng. Ngoài thờ tướng Đinh Hùng Lực, người có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp loạn mười hai sứ quân, đình còn thờ Thành hoàng làng...
Bà con đồng hương thôn Hộ Vệ thường xuyên gặp mặt tại ngôi đình ở Bình Phước
Dù ở xa nhưng nhiều nét đẹp truyền thống quê nhà vẫn được bà con xa quê giữ gìn. Anh Nguyễn Tiến Vỹ đang ở ấp 2 (xã Tân Thành) cho biết: "Theo quy định, những người đến tuổi 49 sẽ được trình lão tại đình vào đầu xuân mới. Đầu năm nay tôi cũng thu xếp công việc để về quê làm lễ này. Chúng tôi luôn nhớ những tục lệ của làng và nhắc nhớ con cháu để không bao giờ quên quê hương".
Cùng nhau làm giàu
Bà con làng Hộ Vệ tại xã Tân Thành và phường Tiến Thành đều có kinh tế khá giả, thậm chí nhiều hộ giàu, thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Điển hình như chị Vũ Thị Nguyệt ở ấp 2 (xã Tân Thành) chủ siêu thị Minh Nguyệt. Khi vào Bình Phước, gia đình chị cũng mua đất trồng cao su, điều. Nhà gần khu công nghiệp Đồng Xoài 1 và 2, nơi có hàng chục nghìn lao động nên chị nhanh chóng xoay sang mở siêu thị kinh doanh các mặt hàng dân dụng, thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm.
Gia đình anh Vũ Đức Văn ở khu dân cư 3 (phường Tiến Thành) cũng có kinh tế khá giả với xưởng sơ chế gỗ cao su cung cấp cho các xưởng chế biến gỗ. "Gia đình tôi có 4 anh em vào lập nghiệp tại đây thì 3 người mở xưởng sơ chế gỗ, quy mô hàng nghìn m2/xưởng. Thu nhập từ xưởng gỗ khá tốt bởi nguồn đầu vào phong phú và đầu ra ổn định. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, anh em chúng tôi cũng thu về hàng chục tỷ đồng", anh Văn nói.
Không chỉ tích cực phát triển kinh tế, năm 2004, bà con tại đây đã thành lập Hội Đồng hương làng Hộ Vệ tại Bình Phước, thu hút gần 60 hộ tham gia. Hội trở thành mái nhà ấm áp, gắn kết tình cảm quê hương của những người xa quê với nhiều hoạt động ý nghĩa như trích quỹ tặng quà, trao học bổng cho học sinh giỏi, đỗ đại học; giúp đỡ hộ khó khăn phát triển kinh tế; tặng quà động viên các thanh niên chuẩn bị lên đường nhập ngũ...
Đình thôn Hộ Vệ, xã Cẩm Hưng (Cẩm Giàng)
Bà con làng Hộ Vệ ở Bình Phước còn hướng về quê nhà bằng nhiều hoạt động thiết thực. Ông Vũ Đức Bân, Bí thư Chi bộ thôn Hộ Vệ cho biết: "Mỗi khi thôn hay xã phát động phong trào, có thư mời, bà con xa quê đều ủng hộ nhiệt tình. Ngoài kinh phí đóng góp chung, nhiều người còn ủng hộ riêng góp phần làm cho quê hương ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn".
Làm lễ tại đình Hộ Vệ
Đông đảo nhân dân tham gia lễ hội
Lễ hội đình Hộ Vệ thu hút đông đảo nhân dân tham gia Sáng 3.3 (ngày 12.2 âm lịch), thôn Hộ Vệ, xã Cẩm Hưng (Cẩm Giàng) tổ chức lễ hội truyền thống đình Hộ Vệ.Thời vua Đinh Tiên Hoàng (năm 924-979), làng Hộ Vệ phát triển trù phú, được chọn thờ phụng Đại vương Đinh Hùng Lực, người có công giải vây cứu giá giúp Vua khi dẹp loạn 12 xứ quân. Cũng từ đó, đình làng được tạo dựng, thờ vị thần này. Lễ hội truyền thống của làng được tổ chức vào ngày 12.2 âm lịch hằng năm và duy trì cho đến ngày nay. Đến những năm 50 của thế kỷ trước, ngôi đình được mở rộng với 7 gian làm bằng gỗ tứ thiết. Trải qua thời gian, ngôi đình bị xuống cấp nên năm 2012, cán bộ thôn đã tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp, ủng hộ kinh phí xây lại đình. Lễ hội truyền thống đình làng Hộ Vệ thu hút đông đảo nhân dân, du khách thập phương và con em làng Hộ Vệ sinh sống tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước về dự. |
PV