Người góp phần dệt nên mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp Việt-Pháp

28/09/2019 08:20

Trong hai nhiệm kỳ làm Tổng thống của mình, cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã đến thăm Việt Nam hai lần, đó là vào năm 1997 và 2004.

Những chuyến thăm của ông góp phần dệt nên mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp Việt-Pháp và để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân Việt Nam.


Ngày 7.10.2004,Tổng thống Pháp Jacques Chirac thăm, nói chuyện cùng các học sinh, sinh viên biết tiếng Pháp tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần thứ hai  và tham dự hội nghị thượng đỉnh Á - Âu lần thứ 5 (ASEM 5)

Củng cố và tăng cường tình hữu nghị Pháp - Việt

Lần thứ nhất, ông J. Chirac đến thăm Việt Nam trên cương vị Tổng thống Pháp vào năm 1997 khi ông tham dự Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ lần 7 được tổ chức tại Hà Nội.

Bài phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tại buổi chiêu đãi Tổng thống Pháp J. Chirac, có đoạn: quan hệ Việt Nam và Pháp là quan hệ giữa hai nước từng gắn bó bởi nhiều liên hệ trong hàng chục thập kỷ, từng được thử thách với những thăng trầm lịch sử.

Chuyến thăm Việt Nam của ngài Tổng thống Pháp là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, mang đến cho nhân dân chúng tôi những tình cảm hữu nghị của nhân dân Pháp, một dân tộc được cả loài người biết đến với những truyền thống văn hóa lâu đời và một nền văn minh huy hoàng.

Trong Diễn văn đáp từ, Tổng thống Pháp J. Chirac nhắc lại: Người Việt Nam và người Pháp đã gặp nhau từ rất lâu. Ngay từ thế kỷ thứ XVII, các nhà thông thái Pháp đã tìm hiểu về nền văn minh cổ xưa và ngôn ngữ của Việt Nam. Kể từ đó, hai dân tộc đã dệt nên những sợi dây liên kết bền vững. Những sợi dây liên kết đó tồn tại bất chấp những đối đầu và sự xa cách về địa lý giữa hai nước…

Đặc biệt, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Francois Mitterrand (năm 1993) đã mở ra một kỷ nguyên mới cho mối quan hệ của hai nước... Từ đó, trên tất cả các lĩnh vực, các mối quan hệ giữa chúng ta đã không ngừng được củng cố và mở rộng.

Trước đó, tại buổi tiếp của Tổng Bí thư Đỗ Mười, Tổng thống Pháp J. Chirac khẳng định, Nhà nước, nhân dân Pháp và bản thân ông cũng mong muốn củng cố và tăng cường tình hữu nghị và các mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam…

Trong chuyến thăm này, Tổng thống J. Chirac đã cùng Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cắt băng khánh thành Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tại Hà Nội. Đây là công trình nhận được sự giúp đỡ của nước Cộng hòa Pháp (thông qua Bảo tàng con người) về các phương tiện vật chất, kỹ thuật, cũng như kinh nghiệm trong việc tổ chức trưng bày và hoạt động của bảng tàng.

Tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam

Lần thứ hai, ông J. Chirac thăm chính thức Việt Nam và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu lần thứ 5 (ASEM 5) vào năm 2004. Ông đánh giá cao đường lối phát triển của Việt Nam, bày tỏ sự ấn tượng trước những tiến bộ vượt bậc mà Việt Nam đã gặt hái được trong một thời gian rất ngắn.

Ông cho rằng, công cuộc cải cách hành chính, chính sách mở cửa đã tạo điều kiện phát huy các nguồn lực tiềm năng của Việt Nam; và Pháp hoàn toàn tin tưởng vào khả năng thành công của Việt Nam trong giai đoạn mới, vào khả năng hòa nhập của Việt Nam, vào xu thế các trào lưu thế giới nhưng vẫn giữa nguyên vẹn bản sắc của mình.

Là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư, hỗ trợ phát triển, Pháp luôn mong muốn góp phần mình vào quá trình phát triển của Việt Nam trong các lĩnh vực như: hạ tầng cơ sở, phương tiện giao thông, bưu chính viễn thông, quy hoạch đô thị, công nghiệp, dịch vụ... Tổng thống J. Chirac nhấn mạnh, vượt qua gánh nặng của quá khứ, Việt Nam và Pháp hoàn toàn có quyền gửi tới thế giới một thông điệp hòa bình, hợp tác và bác ái.

Trong chuyến thăm này, Tổng thống J. Chirac và Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã chứng kiến lễ ký 8 văn kiện quan trọng trong số gần 20 văn kiện hợp tác.

Cũng trong dịp này, Tổng thống J. Chirac đã tới thăm khu khai quật Hoàng thành Thăng Long. “Tuyệt đẹp, tôi chưa từng nghĩ các nghệ nhân Việt Nam xưa lại có thể tạo ra những thứ đẹp dường này”, ông Chirac đã liên tục nói như vậy khi nhìn ngắm những nhóm đồ cổ thời Lý, thời Lê, những hình đầu rồng, đầu phượng, hình chim uyên ương trên mái cung điện làm bằng đất nung... như khám phá ra một điều gì rất thú vị… Ông cũng lưu lại cảm nghĩ của mình trong cuốn sổ lưu niệm của khu trưng bày: Tôi xin gửi tới Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và những chuyên gia Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) lời cảm ơn về một công việc có tính lịch sử và rất đáng chiêm ngưỡng đã làm ở đây, và mong muốn của tôi là tiếp tục tôn vinh giá trị của di tích này. Nó rất cần thiết cho lịch sử Việt Nam và làm vinh dự cho nhân loại”.

Dù rất bận với nhiều chương trình, song Tổng thống Chirac vẫn không quên dành thời gian trò chuyện với các sinh viên - “tương lai của đất nước” - như lời ông nói. Với các sinh viên Việt Nam, buổi nói chuyện với Tổng thống Chirac đã để lại ấn tượng đặc biệt. Ông kể rằng, trong chuyến thăm lần trước tới Việt Nam, ông đã được nghe một bài hát, có câu: "Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người". Ông rất ấn tượng với câu nói đó và nhấn mạnh, nó khiến ông suy nghĩ rằng mỗi người chúng ta đều đại diện cho một lịch sử, một nền văn hóa. Sự tôn trọng và hiểu biết văn hóa của mình là yếu tố căn bản đảm bảo cho sự cân bằng trong tính cách của mỗi cá nhân và đảm bảo sự cân bằng trong sự phát triển của cả đất nước.

Theo Tổng thống Chirac, bản sắc Việt Nam là mối quan hệ biện chứng giữa nhà nước và xã hội, giữa giới trí thức và nông dân, giữa văn hóa chính thống và văn hóa dân gian dựa trên nền tảng gìn giữ giá trị truyền thống, đồng thời mở cửa ra thế giới bên ngoài. Ông nhấn mạnh: “Nguyên lý vận động này tạo nên nét độc đáo của nền văn minh Việt Nam. Đó cũng là thế mạnh cần thiết để Việt Nam tự khẳng định mình trong thế giới hiện đại…".

Khẳng định Pháp luôn sát cánh với Việt Nam

Trong chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào năm 2005, Tổng thống Chirac khẳng định: "Tôi muốn khẳng định lại với ngài rằng Pháp luôn sát cánh với Việt Nam và tiếp tục giúp Việt Nam hiện đại hóa các thể chế kinh tế, chính trị và xã hội”. 

Năm 2006, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean Francois Blarel trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam nói rằng Pháp và Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài, tạo nền tảng cho mối quan hệ đối tác bền vững mà Tổng thống Pháp Jacque Chirac mô tả là “mang tính lịch sử và hình mẫu” trên nền tảng những giá trị chung mà hai bên chia sẻ.

Có một điều đặc biệt trong mối nhân duyên với Việt Nam là vợ chồng cựu Tổng thống Jacques Chirac có một cô con gái nuôi người Việt Nam tên là Anh Đào. Tình cờ gặp tại sân bay Charles De Gaulle năm 1979, Anh Đào đã được ông bà Jacques Chirac, khi đó là Thị trưởng Paris đưa về Tòa thị chính Paris ở cùng họ trong 2 năm, sống như một thành viên trong gia đình. Bà Anh Đào năm nay 62 tuổi.

Nhìn lại lịch sử, có thể khẳng định, tình cảm và sự ủng hộ của ông Jacques Chirac đã góp phần đưa quan hệ Việt Nam và Pháp trở thành đối tác chiến lược vào năm 2013 và ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người góp phần dệt nên mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp Việt-Pháp