Người gieo niềm đam mê đọc sách

17/11/2015 09:59

53 năm tuổi Đảng, 83 năm tuổi đời, ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Vũ Dương Thạc ở thôn Trạch Xá, xã Tân Hồng (Bình Giang) vẫn hằng ngày cần mẫn, giúp ích cho đời.



Mặc dù tuổi cao nhưng ông Thạc vẫn thường xuyên nghiên cứu sách để giảng dạy cho bà con trong thôn


"Thư viện ông Thạc" đã trở nên thân quen đối với người dân nơi đây.

Tâm huyết

Chúng tôi tới thăm ông Thạc khi ông đang cẩn thận phân loại sách vừa được gửi về để mang ra thư viện phục vụ bà con. Bằng khen, giấy khen được treo khắp nhà là minh chứng cho cả một đời cống hiến vì sự nghiệp văn hóa, giáo dục của ông. Theo lời ông kể lại, năm 1951, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông xung phong ra trận. Đến năm 1953, ông được cử tham gia lớp đào tạo giáo viên và trở về giảng dạy bậc tiểu học tại địa phương. Sau 2 năm đi học hàm thụ và tu nghiệp chính trị, ông được giữ lại làm giảng viên của Trường Đại học Sư phạm. Tuy nhiên, ông vẫn đau đáu một nỗi niềm khi chưa làm được gì cho quê hương. Chính vì vậy, năm 1970, ông tự nguyện xin về giảng dạy tại trường cấp 3 của huyện cho đến năm 1985 thì nghỉ hưu.

Là người ham đọc sách nên ông hiểu hơn ai hết vai trò của tri thức đối với sự phát triển của quê hương. Đồng thời, sau nhiều năm công tác, ông cũng thấm thía những khó khăn trong việc tiếp cận kiến thức sách vở của người dân trong xã. Vì thế, ông luôn ấp ủ dự định mở một thư viện nhỏ để phục vụ nhu cầu đọc sách của bà con, cũng như tuyên truyền cho mọi người về lợi ích của việc đọc sách. Ý tưởng đã có từ lâu nhưng mãi đến năm 2001, ông mới thực hiện được. Nhớ lại quãng thời gian đầu khi mới bắt tay gây dựng thư viện, ông Thạc nói: "Lúc bấy giờ, thiếu thốn đủ thứ, bà con lo làm ăn mấy ai có thời gian đọc sách, rồi còn việc lấy sách ở đâu ra, bố trí ở địa điểm nào cũng làm tôi băn khoăn. Nhiều lúc tôi cũng định từ bỏ, nhưng cứ nghĩ tới các cháu nhỏ đi học thiếu sách, thiếu vở khiến tôi càng thêm quyết tâm". Cuối cùng ông quyết định sử dụng phòng khách của gia đình để làm phòng đọc.

Lúc đầu, phòng đọc của ông Thạc chỉ có gần 200 đầu sách được ông lưu giữ trong quá trình làm việc và 2 bộ bàn ghế xiêu vẹo. Để làm phong phú thêm các loại sách, ông viết thư tay gửi đi khắp trong Nam ngoài Bắc xin sách, gõ cửa từng nhà vận động quyên góp sách. Hằng tuần, ông lên Thư viện huyện mượn sách mang về nhà nghiên cứu, có vấn đề gì hay, ông đều ghi chép cẩn thận, lưu lại để mọi người cùng đọc. "Đầu tiên ai cũng nói tôi gàn dở, nông dân quanh năm cấy hái, thời gian nghỉ ngơi còn hiếm huống hồ là ngồi đọc sách. Tuy nhiên, khi phòng sách được dựng lên, ai nấy đều hào hứng. Các cháu nhỏ tới đọc truyện tranh, người dân tới tìm sách về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, các cụ cao niên đọc thơ, văn khiến tôi thấy mình sống có ích hơn", ông Thạc phấn khởi nói.

Dần dần, phong trào đọc sách phát triển sâu rộng, không chỉ người dân trong làng, xã tới nhà ông Thạc đọc sách mà những người xã khác cũng tìm đến mượn sách mang về. Niềm vui nhân đôi khi ông Vũ Dương Huân là người con của quê hương đã đầu tư 200 triệu đồng để xây dựng thư viện sách ở cạnh nhà văn hóa thôn. Có địa điểm mới khang trang hơn, ông Thạc cùng 20 người khác lập ra Câu lạc bộ Đọc sách. Câu lạc bộ có quy chế hoạt động và sinh hoạt vào ngày rằm, mồng một hằng tháng. Đến nay, do tích cực vận động mà thư viện đã có trên 4.000 đầu sách, bà con trong thôn bảo nhau ủng hộ ti vi, bàn ghế, sắp tới là dàn máy vi tính để phục vụ mọi người tiếp cận thông tin.

Điển hình dân vận khéo

Mơ ước bấy lâu đã thành sự thật nhưng ông Thạc luôn tâm niệm: “Làm được phải duy trì được, phải tạo cho mọi người thói quen đọc sách, coi đó là một nét đẹp văn hóa để nâng cao sự hiểu biết". Điều này đã thôi thúc ông tìm cách để truyền đạt lại cho mọi người những kiến thức mà ông tích lũy được. Khi xuất hiện phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", sau đó là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ông đã tập hợp tất cả những gì ông biết và trải nghiệm, viết thành cuốn sách "Chúng ta cùng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" để phát cho mọi người trong thôn, trong xã. Hằng tuần, trong những buổi sinh hoạt chung của thư viện, ông đều giảng giải cho bà con nghe về xây dựng thiết chế văn hóa, đạo đức, lối sống và cách phòng chữa bệnh tại nhà.

Chị Nguyễn Thị Vinh ở thôn Trạch Xá không giấu nổi niềm vui khi thư viện sách góp phần giúp 2 con của chị đỗ đại học: “Chiều chủ nhật nào dù bận tới mấy tôi cũng tới thư viện để nghe bác Thạc nói chuyện. Nhờ đó mà tôi biết nhiều vấn đề mà trước kia chưa bao giờ được nghe tới. Cũng nhờ vậy mà nhiều cháu trong thôn ít chơi điện tử, lêu lổng hơn, khi được nghỉ học ở trường là tới thư viện mượn sách để đọc”.

Anh Dương Văn Thiện, cán bộ phụ trách văn hóa xã Tân Hồng cho biết: "Ông Thạc không chỉ là người đi đầu trong việc gây dựng thư viện sách tại thôn Trạch Xá mà còn là người có uy tín với quần chúng nhân dân. Cách nghĩ, cách làm của ông đã làm thay đổi suy nghĩ, thói quen của nhiều người trong việc tiếp cận tri thức. Điều này góp phần giúp Tân Hồng xây dựng thành công thiết chế văn hóa và sớm đạt được tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Với những cống hiến cho văn hóa, giáo dục của địa phương, ông Thạc đã được nhận bằng khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” của Tỉnh ủy; bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

MƠ NGUYỄN

(0) Bình luận
Người gieo niềm đam mê đọc sách