Rạng sáng ngày 12.3, người dùng mạng FPT ở nhiều khu vực trên cả nước phản hồi rằng bị gián đoạn kết nối. Sự cố xảy ra vào cuối tuần, kéo dài nhiều giờ.
Điện thoại của một người dùng mạng FPT ở quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, không thể kết nối Internet
Từ 0 giờ 30 phút 12.3, kết nối Internet của người dùng mạng FPT đồng loạt gặp vấn đề, trên nhiều khu vực cả nước. Ban đầu, kết nối chuyển sang chập chờn, không ổn định. Đến khoảng 1h cùng ngày, dịch vụ Internet của nhà mạng này gần như hoàn toàn tê liệt, người dùng không thể truy cập, sử dụng.
Nguyên Khang, một người dùng của nhà mạng nói trên, ngụ tại TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh cho biết đường truyền Internet tại nhà hoàn toàn gián đoạn. Khách hàng này đã thử khởi động lại modem Wi-Fi nhưng không có tác dụng.
“Do tính chất công việc, tôi thường xuyên thức đêm, đặc biệt là tối cuối tuần. Việc FPT sập khiến năng suất của tôi ảnh hưởng rất nhiều, đối mặt với nguy cơ bị khiển trách”, ông Khang nói.
Nhiều khách hàng của FPT Telecom gặp vấn đề về đường truyền lúc nửa đêm
Thế Anh, một người dùng khác, đang công tác tại TP Hà Nội cho biết mạng FPT bỗng nhiên gặp sự cố kết nối lúc 1 giờ 20, ngày 12.3. “Tôi đang xem bóng đá cuối tuần, bỗng nhiên điện thoại không kết nối được Internet. Kiểm tra Wi-Fi, máy hiện thông báo không có mạng", ông Thế Anh chia sẻ về trải nghiệm.
Tình trạng của những khách hàng nói trên không phải hiếm gặp. Hiện tại, một lượng lớn bài đăng xuất hiện trên mạng xã hội phản hồi về tình trạng khó truy cập, gián đoạn kết nối với đường truyền Internet của nhà mạng FPT.
“Đang chơi game mà mất mạng là sao? Phải dùng 4G trong căn nhà ngập tràn mạng FPT", người dùng Hồng Anh phản hồi về trải nghiệm tiêu cực trên trang Facebook của FPT Telecom.
Đường truyền mạng của Viettel, VNPT không bị ảnh hưởng trong đêm 12.3. Phóng viên đã liên hệ FPT Telecom để xác minh về nguyên nhân sự cố đường truyền, nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Hiện tại, 5.5 tuyến cáp quang biển của Việt Nam, kết nối với quốc tế đều gặp sự cố. Từ đầu tháng 12.2022 đến cuối tháng 1, lần lượt các tuyến AAE-1, AAG, APG và IA gặp sự cố. Tổng dung lượng trên các tuyến cáp trước đây là 18,7 Tbps, trong đó khai thác 60% và dự phòng 40%.
Với việc 4 tuyến cáp bị gián đoạn, dung lượng này bị mất 75% và làm chậm kết nối Internet của người dùng, đại diện Cục Viễn thông cho biết tại cuộc họp cập nhật tình hình sự cố cáp quang biển ngày 10.2. Hiện tại, các doanh nghiệp viễn thông đã đàm phán với đối tác để mua thêm dung lượng cáp quang đất liền, sau khi 5 tuyến trên biển gặp sự cố.
Gần đây, các nhà mạng viễn thông, Internet Việt Nam thường xuyên gặp sự cố diện rộng. Mạng Mobifone mất sóng hồi tháng 10.2022 và ngày 4.1 vừa qua. Trong khi đó, một số khu vực tại TP Hà Nội cũng bị gián đoạn kết nội mạng VNPT vào tháng 10 năm ngoái.
Theo Zing