Người đưa tranh dân gian lên kính

22/12/2014 08:41

Một lần nhìn bức tranh dân gian “thất đồng" trên kính, tôi cứ ấn tượng mãi bởi màu sắc tươi tắn, tự nhiên, đường nét uyển chuyển.



Bà Thanh vẽ tranh dân gian trên kính để gìn giữ truyền thống gia đình và bản sắc dân tộc


Ðiều đó thúc giục tôi tìm về tác giả của bức tranh là bà Giang Thị Thanh, 60 tuổi, ở 131 Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương).

Nối nghề cha

“10 tuổi tôi bắt đầu mê mẩn với tranh kính. Có khi tôi ngồi hàng giờ nhìn ông chấm mực, pha màu, trộn màu, vẽ nét ra sao…”

Ngay lập tức, tôi bị cuốn hút bởi cái tên “Tô Sơn” treo trước cửa. Đó là nghệ danh của bố bà Thanh, đánh dấu thời điểm ông bén duyên với sơn của Pháp. Nhiều người trong tỉnh biết về ông với tư cách một người thợ khắc dấu nhiều hơn là một họa sĩ. Vì những năm còn chiến tranh, nghề vẽ không đủ nuôi sống gia đình đông con. Ông chỉ vẽ bằng mực tàu, sơn dầu trên giấy, vẽ chơi hoặc tặng bạn bè. Ông đặc biệt thích tranh Đông Hồ và hay vẽ lại những mẫu sẵn có. Nhưng trên chất liệu giấy, tranh Đông Hồ nhanh hỏng. Có lần ông học được cách vẽ sơn trên kính ở Thanh Hóa, thế là tranh kính dân gian Việt Nam gắn với ông từ đó. Ông thành lập một tổ HTX vẽ tranh ở Hưng Yên và truyền nghề cho nhiều người. Những năm 60 của thế kỷ trước, gia đình ông mở một hiệu tranh. Năm 1973, hiệu tranh chuyển ra phố Tuy Hòa, năm 1980 chuyển ra Chợ Mát thuộc phường Phạm Ngũ Lão ngày nay. Hiện tại, kỷ vật của ông còn lại là một số bức tranh bằng mực tàu trên giấy trắng và một bức tranh kính phúc - lộc - thọ đã trên 50 năm tuổi.

Bà Thanh xúc động kể lại: “Thời nhỏ tôi được theo cha học vẽ. 10 tuổi tôi bắt đầu mê mẩn với tranh kính. Có khi tôi ngồi hàng giờ nhìn ông chấm mực, pha màu, trộn màu, vẽ nét ra sao… Tất cả ăn vào tâm trí tôi từ lúc nào. Năm 17 tuổi, tôi xin đi bộ đội. Nhờ lý lịch bố làm họa sĩ mà tôi được “đặc cách” làm nhân viên vẽ kỹ thuật, chuyên sao chép những chi tiết máy, tên lửa, máy bay mà các kỹ sư thiết kế ra. Nhờ vậy, tôi không bị quên nghề. Năm 1975 về, mặc dù làm thợ may nhưng tôi vẫn vẽ, có thời gian tôi vẽ họa tiết áo dài, thỉnh thoảng cũng vẽ đôi bức tranh kính tặng bạn bè cho đỡ nhớ".

“Năm 1990, bố tôi qua đời và căn dặn con cháu: sau này có điều kiện, nhất định các con phải làm sống lại tranh kính dân gian của bố”, bà Thanh kể. Điều này thôi thúc bà Thanh phải làm điều gì đó. Cho đến năm 2013, bà treo lại biển tranh “Tô Sơn” và thực hiện dự định của mình.

Giữ hồn dân tộc

Trên thị trường hiện nay có nhiều loại tranh, riêng tranh kính có loại in bằng máy, có loại sao chép những bức tranh nổi tiếng của nước ngoài, nhưng bà Thanh chỉ kiên trì một dòng tranh dân gian Việt: cá chép trông trăng, em bé ôm con gà vinh hoa, ôm con vịt phú quý, tranh tứ bình… Theo bà, đó là cách giữ lại hồn cốt của dân tộc trong thời đại hội nhập. Tranh dân gian Việt Nam phù hợp với thẩm mỹ của người Việt. Những hình ảnh trong tranh gắn liền với cuộc sống sinh hoạt, lao động của nhân dân ta. Bà yêu tranh dân gian bởi màu sắc tươi sáng, bố cục hài hòa, giản dị, chân thật. Vạn vật trong tranh đều thể hiện sức sống căng đầy. Cái khó của dòng tranh này là sự tỉ mỉ trong từng khâu. Vẽ viền bằng mực tàu được mài ở độ quánh nhất định, đường nét phải chuẩn, tinh xảo. Người sành tranh nhìn vào đường viền là biết tay nghề của họa sĩ. Tranh kính phải vẽ ngược, nếu vụng về để lỗi thì tẩy rất khó. Mỗi người có công thức riêng để pha màu, nhưng bà Thanh chủ yếu dùng dầu hỏa, gam màu dựa vào bản chính của tranh Đông Hồ. Tùy theo yêu cầu của khách, có người thích tăng đậm, người thích tăng nhạt. Vẽ tranh kính không thể vội vàng. Mỗi bức vẽ nhỏ nhất cũng mất 2 tuần miệt mài, có bức bà vẽ cả tháng. Từ khi trở lại, bà vẽ không kịp bán. Nhiều nhất là các bộ tứ bình: xuân - hạ - thu - đông, phúc - lộc - thọ… giúp cân bằng phong thủy trong nhà. Ai có nhu cầu vẽ tranh gì, bà Thanh lại trực tiếp lên Hà Nội mua mẫu về. Đến nay, khách hàng xa nhất của bà ở tận Quảng Bình. Bà vẽ xong đóng bọc cẩn thận chuyển vào đó. Họ quý tranh và căn dặn người vẽ luôn phải giữ cái tâm với nghề, không thể vì thị trường mà in ra hàng loạt. Họ mua là mua những nét vẽ tài hoa của người họa sĩ. Khi có người mua, bà Thanh đều giải thích ý nghĩa của bức tranh. Theo bà, mình treo tranh phải hiểu bức tranh nói về cái gì, treo để mong ước điều gì. Đôi khi người ta thích hùa theo những thứ tranh ngoại lai bắt mắt nhưng không biết ý nghĩa thì cũng như không. Tranh kính bắt ánh sáng, người treo thường đặt một bóng điện nhỏ đằng sau sẽ thấy màu sơn lóng lánh, rất phù hợp ở những nơi trang trọng. Ông Phan Hữu Bảnh (Gia Lộc), chủ nhân của bức tranh “thất đồng” nhận xét: “Bức tranh này tôi mua tặng mẹ, treo tại phòng khách. Dưới tranh còn ghi ngày, tháng bức tranh ra đời. Tôi làm trong ngành đồ họa, được đi nhiều nơi nhưng khi mới gặp đã mến nét vẽ của hiệu Tô Sơn”.

Hiện tại ngoài vẽ tranh, bà Thanh còn bán thêm sữa tươi vì chỉ vẽ tranh thì không nuôi được bà với mẹ già. Muốn giữ nghề trước hết phải có cái nuôi nó. Nhìn bà nheo mắt chấm những nét sơn trên kính, được nghe bà phân tích về tranh tôi thấy thêm yêu tranh của dân tộc mình.

NHÃ BÌNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người đưa tranh dân gian lên kính