Nông nghiệp - Nông thôn

Người đưa "cây vàng" về Thất Hùng

THANH HÀ 31/12/2023 06:00

Thơm ngon nức tiếng, cam Thất Hùng (Kinh Môn, Hải Dương) đã khẳng định được vị thế trên thị trường khi ngày càng có nhiều người tìm về vùng đất này để chiêm ngưỡng và thưởng thức những quả cam chín mọng chứa đầy hương vị phù sa.

00:00

z5010406970278_a9cd5a7a966514875baeb1bf17fb4f03.jpg
Ông Vũ Xuân Cường, ở khu dân cư Vũ Xá là người đầu tiên đưa cây cam về phường Thất Hùng

Từ trăn trở tìm cây thoát nghèo…

Đó chính là ông Vũ Xuân Cường (sinh năm 1961) ở khu dân cư Vũ Xá, phường Thất Hùng, thị xã Kinh Môn.

Một ngày đông tôi tìm về vùng cam Thất Hùng. Xen lẫn màu xanh bạt ngàn của cây lá là những chùm cam đỏ au, sai trĩu đan xen vào nhau đang được người dân nhanh tay thu hoạch giao cho thương lái để kịp buổi chợ.

Ông Cường năm nay ngoài 60 tuổi, mang đậm chất nông dân, chân chất, nhiệt tình khi kể hết những bí kíp "nhà nghề" trong kỹ thuật trồng, chăm sóc cam. Ông cho biết mấy năm gần đây, một số hộ dân chọn giống chưa cẩn thận, quy trình chăm bón chưa đúng và khai thác trong thời gian dài nên cây thoái hóa, bị sâu bệnh. Một số nông dân chặt bỏ chuyển sang trồng cây khác. Xót xa nhìn thành quả bao năm gây dựng của mình bị mất đi, ông Cường không đành lòng. Ông ngày đêm trăn trở suy nghĩ làm sao cho cây cam tiếp tục sống trên đất Thất Hùng và phát huy hiệu quả.

z5010403120478_c57c2071c86b7d0d8540f5f463702322.jpg
Cây bưởi Diễn đầu tiên được ông Cường ghép mắt cam Vinh

Với kinh nghiệm 20 năm trồng cam có lẻ, ông Cường nhận thấy cam và bưởi tương đối giống nhau nên ông quyết định ghép mắt cam Vinh trên thân cây bưởi Diễn. Năm 2018, ông bắt tay thực hiện thí điểm 1 cây. Vì cam trồng trong vùng bị thoái hóa, nhiễm bệnh nên ông phải cất công vào Nghệ An mua mắt ghép mang ra. Sau khi ghép, cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu quả sau 2 năm. Không những thế, năng suất quả cao gấp đôi so với cây cam Vinh chính hiệu bởi cây bưởi to và chất lượng quả cũng không kém cạnh. "Nếu cam Vinh 1 cây chỉ được 40 kg quả thì trên thân cây bưởi được khoảng 80 kg, quả to, mọng nước, ăn thơm, ngon. Năm 2020 tôi tiếp tục ghép thêm 100 cây nữa và năm nay đã cho bói quả, sang năm 2024 chắc chắn sẽ cho thu hoạch với số lượng lớn. Tôi cũng đang mua thêm 200 cây bưởi Diễn nữa về để chuyển đổi từ bưởi thành cam. Cây bưởi Diễn sinh trưởng, phát triển khỏe, ít sâu bệnh nên ghép mắt cam lên khá dễ dàng", ông Cường cho hay.

z5010410411233_545b2f59e0401d438be47de6cf3582d1.jpg
Nhiều cây bưởi Diễn sau khi ghép cho năng suất, chất lượng quả cao hơn

Không chỉ áp dụng sáng tạo kỹ thuật vốn có, trước đây, ông Cường cũng là người tiên phong trong việc áp dụng phương thức chăm bón hữu cơ thay cho vô cơ. Trong quá trình trồng cam, ông Cường nhận thấy cách sử dụng bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật truyền thống dù diệt được sâu bệnh nhanh chóng nhưng cây nhanh thoái hóa, chất lượng quả không cao. Ông đã mày mò, tự tìm cách chế biến phân hữu cơ từ cá, đỗ tương, phân chuồng và men vi sinh. Các nguyên liệu này được ông trộn lẫn với nhau và ủ 1 năm rồi bón cho cây trồng. Khi bón phân này, ông nhận thấy cây cam có sự thay đổi rõ rệt, cây xanh tươi, ít sâu bệnh, chất lượng quả thơm, ngon mẫu mã đẹp và đặc biệt là để lâu trong môi trường tự nhiên không bị hỏng. "Sau khi áp dụng phương pháp chăm sóc hữu cơ, sâu bệnh gây hại trên cây trồng, cỏ trong vườn cũng giảm mạnh mà môi trường lại bảo đảm, tôi cũng không lo thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến sức khỏe", ông Cường nói.

… thành thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam

z5010401112382_8b44b6c92362c13a13f88fbe8c545fab.jpg
Ông Cường cũng là người đầu tiên trồng cam hữu cơ bằng cách bón phân tự làm từ cá, đậu tương, men vi sinh...

Là nông dân thực thụ, bao đời nay, gia đình ông Cường gắn bó với nông nghiệp nhưng quanh năm chỉ cấy lúa khiến cuộc sống của gia đình chỉ ở mức trung bình. Khoảng năm 1985, UBND xã Thất Hùng khi đó có chủ trương chuyển đổi vũng triều trũng cấy lúa bấp bênh sang trồng cây có giá trị kinh tế cao nên ông Cường đã hăng hái tham gia. Theo lời kể của ông Cường, khi đó, vùng này xa khu dân cư, heo hút, đường đi lối lại khó khăn nên việc cải tạo ruộng trũng, chua sang thành vườn khá gian nan, vất vả. Ngoài 2 vợ chồng, ông còn thuê thêm người để vận chuyển đất từ nơi khác về lập vườn. Nhìn thành quả lao động trong thời gian ngắn, ông cảm thấy khá hài lòng khi vườn cao ráo, vuông vắn, có đường đi lối lại và căn chòi nhỏ dùng che mưa, che nắng.

z5010425909779_fbb8ac8c81a2b0d72e2c8834a6499cc4.jpg
Hàng trăm cây bưởi được ghép mắt cam trong vườn của ông Cường

Vườn đã có nhưng trồng cây gì để phù hợp chất đất và mang lại hiệu quả kinh tế cao là điều ông Cường trăn trở. Lúc bấy giờ, cây vải còn ít người trồng, ông nhận định cây này sẽ có tiềm năng nên sang Thanh Hà học hỏi kinh nghiệm, mua cây giống về phủ xanh 1,5 mẫu vườn. Với bản tính cần cù, chịu khó, vườn vải của ông Cường nhanh chóng lên xanh tốt và cho thu hoạch vài năm sau đó. Nhưng được 1 thời gian ngắn, cây vải ở vùng Thanh Hà được người dân không ngừng mở rộng diện tích khiến giá vải xuống thấp, trong khi đó chăm vải tốn nhiều công sức nên ông đã chuyển sang trồng ổi bo, rồi ổi Đài Loan.

Dù trong vườn đã phủ xanh bởi ổi nhưng ông vẫn chưa thật sự hài lòng với cây trồng này bởi chúng dù cho năng suất tương đối cao song lại ăn không ngon nên mong muốn tìm giống phù hợp hơn. "Khoảng năm 2002, trong một lần xem tivi, tôi thấy có gia đình nghệ nhân Lê Đức Giáp ở xã Cao Viên, huyện Thanh Oai (Hà Nội) trồng cam đường canh và cam Vinh cho hiệu quả kinh tế cao nên tôi đã lặn lội lên đây học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng. Thực tế đã chứng minh, đất Thất Hùng có phù sa bồi lắng nên rất thích hợp trồng cam", ông Cường nói.

z5010416462228_abe8195cb9ddc29c44701b59ef938313.jpg
Những quả cam đường canh chín đỏ

Những tháng ngày học hỏi trồng cam là những kỷ niệm không thể quên đối với vợ chồng ông Cường. Ông kể, ngày đó phương tiện đi lại khó khăn và còn phải chăm sóc vườn ổi nên cả tháng trời, ngày nào vợ chồng ông cũng dậy từ sáng sớm chở nhau trên chiếc xe máy đi lên nhà ông Giáp rồi tối lại đèo nhau về. Quãng đường cả trăm km, có hôm trời mưa lớn nhưng vẫn không ngăn cản được lòng ham học hỏi của vợ chồng ông. Vì sự nhiệt tình đó, ông Giáp đã truyền dạy cho ông Cường nhiều kinh nghiệm quý trong trồng, chăm sóc các loại cam để cho ra hoa, kết quả đúng dịp và đạt chất lượng cao.

Trong 2 loại cam được công Cường đưa về, khó trồng nhất là cây cam đường canh vì để cây này ra hoa, kết quả đúng dịp Tết là điều không hề dễ dàng, đòi hỏi kỹ thuật cao.

Khi cam canh bước vào thời kỳ cho quả, lúc nào trên cây cũng có hoa và quả đan xen. Từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau, ông Cường thực hiện 2 - 3 lần tiễn cành để giữ mầm hoa, giữ hoa, giữ quả phù hợp với điều kiện thời tiết và từng giai đoạn phát triển của cam. Sau tháng 5, ông mới để cây cam phát triển tự do. Lúc này, chỉ tập trung vào chăm bón để quả lớn nhanh, chất lượng ngon ngọt. Với cam Vinh, việc chăm sóc đơn giản, dễ dàng hơn, chỉ cần tiễn 1 lần để bắt hoa.

Với hơn 1 ha trồng cam các loại, ông Cường hiện có diện tích cam lớn nhất tại Thất Hùng. Trong quá trình trồng, ông tích cực áp dụng kỹ thuật chăm sóc hữu cơ nên năng suất đạt gần 1 tấn/sào. Chất lượng cam được đánh giá vượt trội nên cam nhà ông Cường bán đều cao hơn giá thị trường từ 5.000 -7.000 đồng/kg nhưng người tiêu dùng vẫn rất thích mua. Những kỹ thuật trồng cam ông học hỏi được dù tốn nhiều công sức nhưng ông Cường luôn sẵn sàng truyền nghề cho những người tới đây.

Ông Trần Văn Thăng, ở khu dân cư Vũ Xá cho biết: "Tôi thấy mô hình của ông Cường hiệu quả nên đã học hỏi và làm theo. Ông Cường rất nhiệt tình chỉ bảo, không hề giữ hay che giấu nghề. Nhờ vậy mà tôi có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng cam cũng như áp dụng biện pháp nâng cao chất lượng quả".

z5010412951288_fd41334380e4725c65a421bf8472aa22.jpg
Cam Vinh to mọng trên cây bưởi Diễn

Còn với anh Bùi Ngọc Thái quê ở xóm Sơn, xã Thành Đức, huyện Thanh Chương (Nghệ An), những kinh nghiệm ông Cường truyền cho anh thật sự quý báu. Từ những kiến thức ông Cường dạy, anh Thái mở rộng diện tích cam lên trên 8 ha, trong đó có hơn 1.000 cây bưởi Diễn để ghép thành cam.

Ông Nguyễn Trọng Thuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Thất Hùng nhận xét, ông Cường là người có công rất lớn trong việc đưa cây cam về đất Thất Hùng và không ngừng xây dựng thương hiệu. Năm 2020, cam Thất Hùng được công nhận "Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam"; năm 2021 được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao càng khẳng định giá trị của loại cây trồng này. Địa phương ghi nhận những thành tích ông Cường đóng góp cho các hoạt động phát triển nông nghiệp, nâng cao giá trị đời sống cho nông dân.

THANH HÀ
(0) Bình luận
Người đưa "cây vàng" về Thất Hùng