Người điên, họ không thể thấm thía nỗi buồn, không thể hiểu sâu sắc niềm vui. Ánh mắt người điên đờ đẫn, ngây dại. Họ khập khiễng, vô ý thức với mọi hành động của chính mình. Thế nên người điên thường bị mọi người xa lánh. Mọi người sợ người điên một phần có thể vì họ bẩn, ăn uống sinh hoạt vô tội vạ, một phần vì mất ý thức nên họ có thể làm hại đến người khác trong trạng thái không kiểm soát được. Chỉ có người thân của người điên mới đủ bao dung để gần gũi họ, chăm sóc họ, xót xa cho họ, thương họ như một đứa trẻ to lớn về thể xác nhưng ngờ nghệch về tinh thần.
Trong gia đình tôi cũng có một người điên. Đó là chú tôi. Chú tên Luy. Mẹ tôi thường bắt đầu câu chuyện với tâm trạng đầy nuối tiếc khi kể về cuộc đời chú. Mỗi lần động chạm vấn đề gì của chú, mắt mẹ lại ngân ngấn nước. Chú là đứa em chồng mà mẹ tôi cưng chiều và thương yêu nhất. Hồi trẻ, chú học giỏi nhất nhà, đẹp trai, nhiều cô thương thầm nhớ trộm.
Chú đã có hai đời vợ. Vợ trước của chú xinh xắn, hiền lành. Lúc lấy nhau hai người đẹp đôi lắm, khi ấy chú mang gương mặt điển trai, dáng cao, nhanh nhẹn. Các cụ trong làng đều xuýt xoa khen ngợi vợ chồng chú là cặp trai tài gái sắc xứng đôi vừa lứa. Đùng một cái, chú bị tai nạn nên mới ra nông nỗi này. Đời người đúng là không biết trước điều gì sẽ xảy đến, như bầu trời kia đang tĩnh lặng mà có thể bão giông bất cứ lúc nào. Chú bị tai nạn sau khi cưới vợ đầu được 7 tháng. Đó cũng là lúc vợ chú đang mang trong mình giọt máu của chú. Sau tai nạn, không chỉ gương mặt điển trai biến thành ngơ ngẩn mà chú còn thành một gã nát rượu. Những lúc ma men đã nhòa đi phần người, chú trở nên hung dữ khác thường, sẵn sàng đấm đá vợ mình vô cớ. Rất yêu chồng và vì tình nghĩa đầu gối tay kề, vợ chú đã cố chịu đựng để ở bên, chăm sóc chồng. Nhưng đến khi trong cơn điên loạn, người cha cướp đi mạng sống chính đứa con chưa chào đời của mình, thím đã không chịu đựng nổi. Mất mát, đớn đau và tuyệt vọng, thím bỏ chồng, bỏ làng đi biệt xứ. Không ai biết thím đi đâu, chỉ biết rằng từ đó đến nay, chẳng ai trong làng gặp thím nữa. Nhà tôi không có lý do gì để trách thím, thậm chí mọi người còn thấy mắc nợ thím.
Một người đàn bà luôn ở bên cạnh chú, có lẽ chỉ có cái chết mới làm người đàn bà ấy buông tay, đó chính là bà nội tôi. Bà nội tôi sinh được ba người con trai và một người con gái. Bố tôi là cả, rồi đến chú Luy, dưới chú Luy là cô Thúy, dưới cô Thúy là chú Út. Bà đang ở cùng vợ chồng chú Út.
Vợ chú Luy bỏ đi, bà nội đón chú về ở cùng với mọi người. Mỗi lần chú Luy quậy phá ở nhà ai hoặc không dưng lăn đùng ra đường làng ăn vạ, người ta chạy đến nhà báo cho bà nội tôi. Đầu bạc lại lật đật chạy đi tìm và dìu đầu xanh về. Anh em trong nhà phải lo làm ăn, không ai có thể kè kè bên cạnh canh chừng chú cả ngày. Bà nội tôi già cả nhưng trí tuệ minh mẫn, hơn nữa lại là tuýp phụ nữ rất mạnh mẽ. Bà bảo: “Mỗi người một số, số nó thế đành chấp nhận”. Nhưng bà chỉ chấp nhận gương mặt ngô nghê của chú, chứ không chấp nhận con ma men tồn tại đọa đầy tinh thần và thân xác chú ngày thêm tiều tụy. Bà cấm mọi người không ai được mua rượu hoặc lưu trữ đồ uống có men trong nhà. Bà đi vòng quanh hàng xóm láng giềng dặn dò, con trai bà có xin xỏ gì đừng cho, nếu nó quấy rối thì thông cảm, cho bà xin lỗi trước.
Vì bà nội canh chừng khắt khe nên rất hiếm khi chú được uống rượu, cũng vì thế đầu óc chú tỉnh táo hơn. Chú nhắc nhiều đến vợ. Chú nhìn bà nội ngơ ngác hỏi: “Mẹ ơi, vợ Luy đi đâu ấy nhỉ, sao đi mãi chưa về”. Bà nội trả lời: “Nó bỏ đi rồi, không về nữa, ai bảo đánh nó đau”. Chú khóc òa: “Mẹ đuổi vợ đi phải không? Con có đánh vợ bao giờ đâu, đòi vợ về cho con đi”. Bà lại cưng nựng, dỗ dành chú. Ngày này qua ngày khác, bà nội và chú cứ lặp đi lặp lại câu chuyện đó.
Đêm. Cơn đau nhức xương khớp hành hạ bà nội vật bên này, trở mình bên kia. Bà không ngủ nổi. Bà chợt nghĩ, tuổi già tựa chiếc lá vàng, bất cứ lúc nào cũng có thể rụng rơi. Đã hơn bảy mươi, chuyện gần đất xa trời có gì phải trăn trở, nhưng lòng bà sao có thể thanh thản ra đi khi bỏ mặc đứa con trai ngây dại. Anh em không ai bỏ mặc chú Luy, tuy thế để chăm sóc cả đời cho chú thì thật khó nói...
Chú Luy điên, nhưng vẫn sai làm việc được, chỉ cần có người chỉ bảo. Hôm sau bà gọi bố tôi, chú Út cùng bàn chuyện. Bà muốn tìm vợ khác cho chú Luy. Bố tôi phản đối. Bố tôi nghĩ chú Luy thế còn lấy vợ làm gì cho thêm rắc rối, mà ai chịu lấy chú Luy. Bà khăng khăng: "Thôi thì tìm mối nào theo kiểu rổ rá cạp lại. Mẹ đã tìm hiểu kỹ, bên kia sông có con bé Lương, nhà nó nghèo, hình thức nó xấu, tính tình có vẻ hơi ẩm ương, quá tuổi lấy chồng rồi không ai thèm nhòm ngó đến. Đấy là người làng bên nói thế. Nhà mình hỏi cưới nó cho thằng Luy đẹp cả hai nhà. Con người ta sống phải có đôi lứa mới tìm được hơi ấm". Bà nói xong xuôi rồi quả quyết một cách chắc nịch, bà sẽ chọn ngày đến nhà ấy nói chuyện.
Bố tôi cũng không ngờ lời nói của bà nội lại có sức thuyết phục đến thế, nhà bên ấy họ đồng ý ngay. Thế là chú tôi có vợ lần hai. Ẩm ương kiểu gì thì tôi không biết, nhưng tôi thấy chú Luy lấy được thím Lương là may mắn và tốt lắm rồi. Thím chịu thương chịu khó, biết việc đồng áng, làm đâu ra đấy.
Lấy được thím Lương khiến chú tôi vui vẻ hẳn, cưới xong một thời gian không lâu thím đã có tin vui. Bà nội tôi còn vui mừng khôn xiết khi biết đó là một bé trai. Những tưởng cuộc sống của chú thím sẽ diễn ra bình thường như bao cặp vợ chồng khác. Nhưng người điên thì vẫn lây rây máu điên. Chú tôi vẫn không kiểm soát được hành động của mình mỗi khi lên cơn điên. Chú tìm mọi cách để có thể mua được rượu uống. Và ký ức như lặp lại trong ngôi nhà của chú, chú lại vô cớ đánh đập người vợ hai đáng thương của mình. Tuy thế, có lẽ người đàn bà xấu tự cho thân phận của mình thấp hèn nên phải chịu đựng cảnh ngang trái này hay do muốn đáp lại sự yêu thương hết mực của người mẹ chồng mà thím Lương luôn sẵn sàng co quắp lại với một sự cam chịu vô biên trước những đòn đánh vô thức của chồng.
Bà nội tôi cố gắng che chở cho thím bất cứ khi nào có thể. Biết thím Lương chịu nhiều thiệt thòi nên có đồ ăn ngon là bà mang cho thím. Mua được cái gì tốt bà cũng mang sang nhà thím. Mùa gặt bà kêu cả nhà xúm lại làm giúp thím. Bà luôn nhắc nhở bố tôi, cô Thúy và chú Út phải chỉnh trang nhà cửa của chú thím đàng hoàng…
Thím Lương về nhà bố mẹ đẻ để sinh em bé. Một đứa bé trai kháu khỉnh chào đời. Bàn tay già nhăn nheo nâng niu bế ẵm đứa cháu nội, mắt rơm rớm, bà nội gí ngón trỏ vào trán thằng bé: “Gớm, nhìn khôi ngô giống hệt thằng bố hồi bé, trộm vía”. Rồi bà ngậm ngùi nhìn con dâu. Chẳng có lời nào thốt ra nhưng có lẽ ai cũng hiểu lòng bà, bà thầm cảm ơn người con dâu đã chịu đựng được những tháng ngày khó khăn, tủi khổ để mang lại niềm hạnh phúc to lớn này cho gia đình bà.
Sau ba tháng bà nội sang nhà thông gia xin đón con dâu và cháu nội về. Bà sai bố tôi sơn sửa, đốt lửa sưởi ấm khắp nhà chú thím. Bà tất bật đi ra đi vào, gương mặt rạng rỡ, tươi tắn như ngày tràn ngập ánh nắng. Chú Luy thì ngơ ngác ngắm đứa bé trong vòng tay thím Lương như thể nhìn ngắm một sinh vật lạ. Còn thím Lương cả ngày cứ ấp ôm cục cưng bé nhỏ với vẻ phấn chấn, hạnh phúc vô cùng. Đây có thể coi là sự an ủi, bù đắp một phần cho những thiệt thòi khi thím lấy phải một người điên.
Chú Luy không thích đứa bé. Từ thái độ ngơ ngác ban đầu, dần dà chú trở nên cau có, khó chịu. Mỗi lần đứa bé dai dẳng khóc, chú Luy lại đập phá đồ đạc trong nhà. Có lần, thím Lương để đứa bé tự nằm chơi trong giường, ra giếng giặt giũ quần áo. Đến khi vào nhà, thím hốt hoảng không thấy con mình đâu, thím luýnh quýnh chạy ra cửa trước cửa sau, rồi hét toáng lên. Chú Luy đang đặt đứa bé giữa đám lá khô, xung quanh chất đầy củi, chú loay hoay tìm vật gì đó.
“Ối giời ơi, đồ điên, anh định giết con anh sao?”. Thím Lương mặt tái mét, sợ sệt chạy lại ẵm đứa bé lên. Chú Luy lải nhải chửi bới điều gì đó và giằng đứa bé ra. Thấy thím Lương ôm đứa bé chặt quá, chú lấy chân đá tới tấp lên lưng thím. Hai mẹ con ngã dúi dụi xuống đất. Tiếng đứa bé khóc, tiếng thím hô hoán nên hàng xóm chạy sang, bà nội và gia đình tôi cũng nhanh chóng xuất hiện can ngăn chú. Chú Luy khăng khăng làm theo ý mình, còn bà nội thì xông vào bế đứa bé. Đông người chú Luy càng không kiềm chế được cơn điên, chú đánh cả bà nội. Bố tôi vội vàng túm lấy tay chú, bẻ quặt ra phía sau và kêu người mang dây thừng lại. Chú Luy bị trói tay, trói chân cả ngày hôm đó.
Tình hình bệnh tật chú Luy có vẻ trầm trọng hơn trước. Sau hôm xảy ra sự việc, bố tôi đến bệnh viện tâm thần xin ý kiến của các bác sĩ. Gia đình tôi họp. Mọi người đều đồng tình đưa chú Luy đi, chỉ có bà nội cứ ngồi im không nói gì.
Đêm. Bà nội lại trằn trọc không ngủ được. Bà trở dậy đến bên ban thờ. Giờ con cháu đã ngủ say cả, căn nhà vắng lặng chỉ còn bà thao thức với nén nhang. Bà đăm đăm nhìn ảnh ông. Ông bỏ bà đi sớm quá, bao năm qua bà đã phải gồng mình lên để mà nuôi nấng các con lớn khôn, lúc nào bà cũng phải tỏ ra mạnh mẽ để làm chỗ dựa vững chắc cho các con. Nhớ ngày trước, nhà nghèo đói lắm, chẳng mấy bữa có đủ cơm ăn, toàn phải ăn độn. Nếu có cơm trắng, bà sẽ chia đều vào bát các con. Bữa ấy bố tôi thèm cơm trắng quá, mà trong bát được chia chỉ ăn hai miếng đã hết, thấy chú Luy còn lúi húi dưới bếp làm gì đó, bố tôi đánh liều ăn hết luôn cả phần của chú. Lúc lên thấy cơm trắng hết chú Luy giãy đành đạch giữa nhà. Bà nội tôi thấy vậy lấy roi ra vụt bố tôi một trận tơi bời. Đánh xong thì mẹ khóc, con khóc… Thế mà tháng ngày nghèo đói đó cũng qua đi, giờ cuộc sống khấm khá hơn nhiều, mà chú Luy lại ra nông nỗi ấy. Bác sĩ đã nói rõ, chú Luy phải uống thuốc đều đặn, gia đình nên chuyển chú vào trung tâm chuyên điều trị và canh giữ người tâm thần. Bà đắn đo lắm, không biết vào trong đó chú có được ăn uống đầy đủ không, người ta có bảo ban chú tắm rửa vệ sinh cẩn thận hay không... Nhưng nếu không làm như vậy, ai bảo đảm được sự an toàn cho vợ chú, con chú. Bà thương cháu bà. Bà thương con dâu. Thân già làm sao che chắn cho họ.
Gia đình thống nhất làm hồ sơ đăng ký xin chuyển chú vào trung tâm điều trị bệnh nhân tâm thần. Không ai trong gia đình tôi muốn vậy, đặc biệt là bà nội. Tôi biết bà đã đau khổ và day dứt đến nhường nào.
Đầu bạc không cầm được nước mắt nhìn đầu xanh đang cười ngây dại trên chiếc xe đi xa dần rồi mất hút. Bà nội ngửa mặt lên trời cao, những nếp nhăn xô lại rúm ró. Bà chắp tay cầu nguyện điều gì đó. Còn tôi, tôi chỉ mong lòng bà được an yên...
Truyện ngắn của TRẦN NGỌC MỸ