Tem truy xuất nguồn gốc được coi là tấm "chứng minh thư", góp phần nâng tầm thương hiệu, giá trị cho hàng trăm tấn cá mà ông Tựu xuất bán ra thị trường mỗi năm.
Ông Tựu là người đầu tiên trong tỉnh gắn tem truy xuất nguồn gốc cho cá trắm và chép giòn
Để tránh tình trạng hàng nhái, hàng giả, ông Nguyễn Trung Tựu ở thôn Quảng Tân, xã Nam Tân (Nam Sách) đã gắn tem truy xuất nguồn gốc cho cá trắm và chép giòn do gia đình mình nuôi. Tem truy xuất nguồn gốc được coi là tấm "chứng minh thư", góp phần nâng tầm thương hiệu, giá trị cho hàng trăm tấn cá mà ông Tựu xuất bán ra thị trường mỗi năm.
Hành trình gian nan
Năm 2010, sau khi nghỉ hưu, ông Tựu trở về địa phương phát triển kinh tế gia đình. Trước đó, do được đi nhiều nơi, học hỏi nhiều mô hình phát triển kinh tế nên ông Tựu thấy Nam Tân có nhiều tiềm năng để nuôi cá lồng trên sông. Ông dốc toàn bộ vốn liếng đầu tư nuôi mấy chục lồng cá, là một trong những người đi đầu trong phong trào nuôi cá lồng ở Nam Tân.
Ông Tựu đã cất công đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi cũng như tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá qua sách báo. Nhờ chăm chỉ, chịu khó và áp dụng kỹ thuật nuôi mới hiệu quả nên mỗi năm ông thu lãi hàng tỷ đồng từ những lồng cá. Thấy mô hình nuôi cá lồng cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ trong xã cũng làm theo. Từ mấy chục lồng, hiện nay cả xã Nam Tân đã có hơn 1.000 lồng nuôi cá trên sông, nhiều nhất tỉnh.
Thế nhưng khi nghề nuôi cá lồng phát triển nhanh chóng thì giá cá lại giảm mạnh. Nhiều hộ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Lúc này, ông Tựu lại loay hoay tìm hướng đi mới để ổn định đầu ra cho cá. Nhiều đêm thức trắng để suy nghĩ, nghiên cứu tài liệu, ông tình cờ đọc được đề tài khoa học nuôi cá giòn của thạc sĩ Kiều Minh Khuê ở Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Tìm hiểu thêm, ông nhận thấy nếu nuôi thành công, đây sẽ là hướng đi mới, tạo ra giá trị kinh tế cao so với cách nuôi thông thường.
Năm 2011, ông bắt đầu nuôi thử nghiệm hơn chục lồng cá trắm và chép giòn. Những con cá chép trọng lượng từ 2 kg trở lên, cá trắm từ 4 kg trở lên được ông nuôi ép giòn, cho cá ăn bằng đậu tằm. Qua nhiều lần thử nghiệm, ông đã tìm ra cách ngâm ủ loại thức ăn này hợp lý, bảo đảm chất lượng. "Mặc dù có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng đậu tằm là thực phẩm hữu cơ hoàn toàn từ tự nhiên nên khách hàng có thể yên tâm. Không chỉ an toàn, đậu tằm có hàm lượng protein 31%, gồm đủ 8 loại axit amin thiết yếu, hàm lượng tinh bột đạt 49%... Đó là những yếu tố quyết định làm thay đổi chất lượng thịt của cá, tăng độ dai cơ thịt nên cá chắc giòn", ông Tựu giải thích về cách nuôi này.
Lúc đầu ông Tựu chưa có kinh nghiệm nên chỉ có khoảng 70% sản lượng cá đạt giòn. Nhưng là hàng đặc sản lại hiếm, lúc ấy cá giòn bán với giá từ 190.000-200.000 đồng/kg. Công việc đang thuận lợi thì trận bão tháng 8.2015 đã cuốn trôi gần 40 lồng cá sắp cho thu hoạch, thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng. Nhìn gia sản bị dòng nước lũ cuốn trôi, ông Tựu không đành lòng. Được bạn bè, người thân tin tưởng ủng hộ, chỉ trong thời gian ngắn ông đã vay mượn được số tiền lớn để khôi phục lại cơ ngơi.
Tạo dựng niềm tin
Sau khi ông Tựu nuôi cá giòn thành công, nhiều hộ cũng đã nuôi theo phương pháp này dù tỷ lệ thành công chưa cao. "Phần lớn các hộ chỉ nuôi theo phong trào, mang tính tự phát. Do không làm chủ được kỹ thuật nên ít hộ nuôi thành công. Hơn nữa, sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ ổn định làm nhiều hộ rơi vào cảnh lao đao. Giá cá giòn cũng giảm 1/3 so với trước", ông Tựu lý giải.
Để tạo sự khác biệt với những hộ khác, năm 2014 ông Tựu nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP và đăng ký thương hiệu cá trắm giòn, chép giòn với Cục Sở hữu trí tuệ. Có thương hiệu riêng, ông an tâm sản xuất, tỷ lệ thành công tăng từ 70% lên 99%, cá đạt độ giòn, dai và không có mùi tanh. Giai đoạn 2015-2017, cơ sở nuôi cá giòn của ông Tựu liên tục lọt vào top hàng Việt Nam chất lượng cao. Thị trường tiêu thụ được ông mở rộng ra khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó chủ yếu là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Cũng từ đây, thương hiệu cá giòn của ông Tựu bị nhiều cơ sở mạo danh làm nhái. Chỉ trong thời gian ngắn, ông nhận được nhiều phản hồi của khách hàng về chất lượng cá không tốt. Sau khi tìm hiểu thị trường, ông thấy nhiều cơ sở nuôi cá mạo danh "cá giòn ông Tựu". Ngoài ra, cá giòn của Trung Quốc tràn vào. Tất cả đều là hàng nhập lậu, cá cũng giòn dai nhưng lại bán rẻ hơn 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Với quyết tâm bảo vệ thương hiệu cá giòn của gia đình, đầu tháng 6.2018, ông Tựu gắn tem truy xuất nguồn gốc cho cá trắm giòn và chép giòn. Ông là hộ đầu tiên và duy nhất trong tỉnh đến thời điểm này gắn tem cho từng con cá. Đây là loại tem có độ bền và không thấm nước. Chỉ với 1 chiếc điện thoại thông minh, sau khi kiểm tra, khách hàng sẽ có toàn bộ thông tin của từng con cá, từ nguồn gốc cho tới kỹ thuật nuôi, quá trình xuất bán. Với những con cá bị lỗi, khách hàng sẽ được đổi trả sản phẩm khác bảo đảm chất lượng.
"Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp, tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường. Đây thực sự là những tấm "chứng minh thư điện tử" cho mỗi con cá. Thông qua đó, khách hàng có thể biết rõ được sản phẩm mình mua xuất xứ từ đâu, chất lượng thế nào. Đây cũng là kênh cung cấp thông tin 2 chiều giữa đơn vị sản xuất, phân phối và người tiêu dùng", ông Tựu nói.
Nhờ tạo dựng được thương hiệu riêng, đến nay ông Tựu đã có 3 cơ sở nuôi cá lồng với hơn 100 lồng nuôi. Đây là cơ sở nuôi cá lồng đứng đầu tỉnh về số lượng lồng nuôi và là cơ sở có sản lượng cá chép, trắm giòn đứng đầu thị trường miền Bắc. Mỗi năm, ông cung cấp ra thị trường hơn 500 tấn cá các loại, trong đó có 50% là cá giòn, thu lãi hàng tỷ đồng.
TRẦN HIỀN