Chất lượng nước của các nhà máy nước tư nhân không bảo đảm chất lượng là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu thảo luận tại tổ chiều 28-6.
Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Kim Thành). Ảnh: Thành Chung
Công ty nước tư nhân chỉ là nơi trung chuyển
"Nước đóng vào chai sau 1-2 ngày bắt đầu nổi bọt, mở nắp ra có mùi tanh, hôi không thể ngửi được". Đây là phát biểu của ông Nguyễn Văn Tường, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh khi thảo luận về chất lượng nước của đa số công ty nước tư nhân hiện nay. Theo ông Tường, đa số công ty nước tư nhân đều lấy nguồn nước mặt ở các sông nội đồng, trong khi nguồn nước ô nhiễm nặng. Nguồn nước ô nhiễm cộng với công nghệ xử lý kém khiến người dân ăn nước bẩn.
Dẫn chứng chất lượng nước của nhà máy do tư nhân đầu tư không bảo đảm chất lượng, đại biểu Đồng Dũng Mạnh (Thanh Miện) cho biết Thanh Miện đang có 2 nhà máy nước tư nhân lấy nước mặt trên sông Cửu An cung cấp cho người dân. Vừa qua, cơ quan chức năng lấy mẫu nước đi kiểm tra đều không bảo đảm chất lượng. "Biết bẩn nhưng người dân vẫn phải dùng, không dùng thì dùng nước nào. Nước giếng, nước ao đều ô nhiễm nặng. Đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Hải Dương cung cấp nước cho người dân. Các doanh nghiệp tư nhân chỉ làm nhiệm vụ trung chuyển", đại biểu Mạnh đề xuất.
Môi trường nông thôn ô nhiễmĐại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Kim Thành) đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt môi trường nông thôn ngày càng ở mức báo động, điều này nguyên nhân từ chính người dân và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước. Các cơ quan nhà nước, các ngành đoàn thể cần hướng dẫn người dân thu gom, phân loại rác ngay tại nguồn, xử lý môi trường ngay tại hộ gia đình.
Đại biểu Lê Văn Dũng (Thanh Hà). Ảnh: Phương Linh
Đại biểu Lê Văn Dũng (Thanh Hà) nêu thực trạng ô nhiễm môi trường nông thôn hiện nay. Theo đại biểu Dũng, hầu hết các xã trong huyện đều có bãi rác tập trung. Việc thu gom rác được các tổ thu gom thực hiện rất tốt nhưng việc xử lý rác đang gặp nhiều khó khăn. Phần lớn rác thải nông thôn hiện nay mới chỉ được tập kết ra bãi rác, sau đó chôn lấp hoặc đốt. Bởi vậy, đến năm 2020, các bãi rác sẽ đầy. Tỉnh cần có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rác với dây chuyền hiện đại để xử lý rác thải nông thôn hiện nay. "Nếu chúng ta không đi trước một bước thì đến khi các bãi rác đầy, rác sẽ tràn ra đồng ruộng xung quanh ảnh hưởng đến canh tác của bà con, nguồn nước mặt, nước ngầm và cả không khí sẽ bị ô nhiễm nặng", đại biểu Dũng nói.
Về lĩnh vực quản lý đô thị, ông Tường cho biết tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè diễn ra tràn lan không chỉ ở TP Hải Dương mà còn ở các huyện, thị xã. Nhiều gia đình nhà bám mặt đường thường làm mái đua, mái vẩy lấn chiếm hàng lang bảo vệ đường nhưng không được cơ quan chức năng xử lý dứt điểm. Ông Tường cảnh báo nếu không siết chặt quản lý đô thị, đến khi phải giải phóng mặt bằng làm đường giao thông sẽ gặp rất nhiều khó.
Ông Tường cũng cho biết hạ tầng tại khu đô thị mới phía tây TP Hải Dương chất lượng rất kém. Đường sá, vỉa hè, cống thoát nước chất lượng thấp. Đường nhiều chỗ đã bong tróc, nhiều nắp cống bị vỡ không được thay thế, vỉa hè hẹp vỡ rất nhiều... "Với hạ tầng xuống cấp như thế thì không biết đến bao giờ mới nghiệm thu bàn giao được", ông Tường nói.
NHÓM PV