Có tới 98,4% cử tri Kinh Môn nhất trí với đề án thành lập thị xã Kinh Môn và thành lập 5 phường thuộc thị xã gồm: Kinh Môn, Phú Thứ, Minh Tân, Hiệp An và Hiệp Sơn.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát thực địa tại xã Hiệp Sơn,
1 trong số 5 địa phương được đề nghị thành lập phường thuộc thị xã Kinh Môn
Con số này đã cho thấy sự mong chờ, kỳ vọng của nhân dân vào một thị xã tương lai.
Kỳ vọng văn minh và sạch đẹpLà người đã từng tham gia nhiều cuộc họp ở các khu dân cư và lắng nghe nhiều ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con về chủ trương thành lập thị xã, ông Hoàng Văn Nước, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kinh Môn hiểu rõ những mong muốn của bà con về một thị xã với nhiều đổi mới. Trong các cuộc họp, ông Nước đã từng được nghe bà con hỏi nhiều về việc nếu thành lập thị xã, nhân dân được hưởng lợi gì?
Theo ông Nước, giải đáp cho bà con không gì bằng lấy thực tế để chứng minh, so sánh. Vì vậy, lãnh đạo thị trấn nắm rất rõ những chuyển biến của huyện để giải đáp với nhân dân. Những chuyển biến bước đầu nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của một thị xã đã mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân. Trong thời gian qua, toàn bộ hệ thống điện chiếu sáng ở 3 thị trấn Kinh Môn, Phú Thứ, Minh Tân đã được lắp đặt bổ sung; huyện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến giao thông; 99% số hộ dân trên địa bàn đã được sử dụng nước sạch; điện sinh hoạt chất lượng tốt hơn... Trước những lợi ích có thể nhìn thấy được, 100% số cử tri trên địa bàn thị trấn đã nhất trí tán thành việc thành lập thị xã và 5 phường thuộc thị xã. Đa số bà con bày tỏ sự phấn khởi, trông đợi vào tương lai của một thị xã mới.
Mong mỏi địa phương văn minh, sạch đẹp hơn cũng là mơ ước của bà Trương Thị Thắm ở khu dân cư số 5 (thị trấn Phú Thứ), một tiểu thương chợ Vạn Chánh. Bà Thắm cho biết nếu so sánh với nhiều năm trước, cuộc sống của nhân dân trên địa bàn huyện đã có rất nhiều thay đổi. Từ chỗ không có nước sạch để dùng, năm 2009, bà và nhân dân ở thị trấn Phú Thứ đã có nước máy phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, trên địa bàn khu và những khu vực lân cận có nhiều nhà máy, công ty nên lượng khí thải, khói bụi thải ra nhiều nên khu Vạn Chánh hiện đang phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bà Thắm kỳ vọng, với các tiêu chuẩn khắt khe để được công nhận là một thị xã, tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương sẽ được sớm cải thiện.
Theo bà Trần Thị Duyên ở khu Tử Lạc (thị trấn Minh Tân), việc chuyển thị trấn Minh Tân thành phường có thể cũng sẽ mang lại nhiều tiện ích cho nhân dân, như hệ thống giao thông, công trình công cộng, việc thu gom, xử lý rác thải... sẽ được chú trọng, đầu tư theo tiêu chuẩn các phường thuộc thị xã.
Tiếp tục hoàn thiện từng tiêu chíHiện nay, đối chiếu với tiêu chuẩn thành lập thị xã, Kinh Môn còn thiếu một số tiêu chuẩn, như: nhà tang lễ, quảng trường, tỷ lệ đô thị hóa, tỷ lệ phục vụ hành khách công cộng và tỷ lệ chất thải rắn được thu gom còn thấp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Thưởng, Phó Trưởng Phòng Kinh tế, hạ tầng huyện thì với tổng số 82,72 điểm (do Bộ Xây dựng chủ trì chấm), cao hơn số điểm quy định bắt buộc (70 điểm/ 49 tiêu chí), Kinh Môn đã hội đủ các điều kiện để thành lập thị xã. Các tiêu chuẩn chưa hoàn thiện sẽ từng bước được hoàn chỉnh.
Về tiêu chuẩn vệ sinh môi trường được đông đảo cử tri quan tâm, ông Thưởng cho biết, tuy chưa đáp ứng được tiêu chí thu gom trên 70% chất thải rắn, nhưng sau khi thành lập, thị xã sẽ có công ty môi trường đô thị và việc thu gom, xử lý chất thải chắc chắn thuận lợi hơn trên toàn địa bàn.
Bà Duyên cũng như nhiều người dân của huyện Kinh Môn thì hy vọng rằng hệ thống cơ sở hạ tầng của địa phương, đặc biệt là hệ thống giao thông và việc phục vụ vận chuyển hành khách công cộng sẽ được cải thiện. Là người thường xuyên đi lại giữa TP Hải Dương và huyện Kinh Môn bằng xe buýt, nhưng bà Duyên thấy chưa bằng lòng về chất lượng phục vụ, giá vé xe buýt còn cao, chưa đáp ứng nhu cầu của đa số hành khách.
Những băn khoăn của một số người dân về thuế đất sẽ tăng sau khi thành lập thị xã, thành lập phường, lãnh đạo Phòng Kinh tế, hạ tầng khẳng định sẽ không có thay đổi. Ngoài ra, để đáp ứng tiêu chuẩn là thị xã, phường, nhân dân trên toàn địa bàn sẽ được hưởng lợi từ nhiều dịch vụ công ích, như vệ sinh đô thị, chiếu sáng, giao thông, vườn hoa, cây xanh... Những tiện ích này không chỉ ngày một, ngày hai là có được, mà đòi hỏi cả quá trình tiếp theo và sự kiên trì, nỗ lực xây dựng quê hương của toàn thể nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp và cấp ủy, chính quyền các địa phương.
Thị xã Kinh Môn được đề nghị thành lập có diện tích 163,49 km2, 163.783 nhân khẩu và 25 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 5 phường: Kinh Môn, Phú Thứ, Minh Tân, Hiệp An, Hiệp Sơn và 20 xã. Địa giới hành chính các phường, xã giữ nguyên như hiện trạng.
- Giai đoạn 2016 - 2020: Tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất (GTSX) bình quân đạt 12,7%/năm. Kinh tế do huyện quản lý tốc độ tăng trưởng đạt 11,8%; cơ cấu tổng GTSX nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ là 13,6% - 69,1% - 17,3%.
- Đến năm 2020 có 69 trường đạt chuẩn quốc gia (trong đó có 20 trường mầm non, 27 trường tiểu học, 18 trường THCS, 4 trường THPT).
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,8% vào năm 2020.
- Mỗi năm tạo việc làm mới cho 2.500 lao động trở lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 65%.
- Đến năm 2020 có từ 55 - 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
|
PV