Ông Bùi Văn Thao được biết đến là hộ trồng nhiều rau ngót nhất thôn Lũng Quý, xã Kiến Quốc (Ninh Giang).
Thôn Lũng Quý hiện có hơn 100 hộ trồng rau ngót
Ông Thao cho biết, cách đây hơn chục năm, nhận thấy trồng rau ngót không khó, lại tốn ít chi phí đầu tư, thời gian thu hoạch kéo dài nên gia đình ông cải tạo 2 sào đất vườn để trồng. Ông Thao bị bệnh gan nhiễm mỡ đã lâu, khả năng lao động kém, mỗi tháng tốn hơn 3 triệu đồng tiền thuốc, kinh tế gia đình khó khăn. Vì thế, trồng rau ngót là lựa chọn sáng suốt giúp ông có thêm chi phí trang trải cuộc sống và chữa bệnh, lại phù hợp với sức khỏe của bản thân.
Cũng là một trong những hộ trồng nhiều rau ở thôn Lũng Quý, trung bình mỗi ngày, bà Bùi Thị Toan ở đội 3 tỉa 100 bó rau với giá bán từ 1.000-5.000 đồng (tùy từng thời điểm), trừ chi phí cũng cho thu nhập trên 2 triệu đồng/tháng. Bà Toan phấn khởi cho biết: “Trước đây trồng rau ngót không có chỗ bán nhưng 3 năm trở lại đây đã có nhiều thương lái về thu mua trực tiếp nên các gia đình yên tâm trồng”. Bà Toan còn đứng ra làm điểm tập kết rau để thương lái đến cất hàng.
Hiện nay ở Lũng Quý có hơn 100 hộ gắn bó với cây rau ngót, trong đó có hộ trồng từ 1-2 sào như hộ bà Nguyễn Thị Soạn, Bùi Thị Hạnh, Bùi Thị Mến. Là người có nhiều năm kinh nghiệm trồng rau ngót, bà Nguyễn Thị Hạnh cho biết: “Rau ngót thích hợp với mọi loại đất, dễ trồng và không cần kỹ thuật cầu kỳ như các cây trồng khác, chỉ đầu tư một lần là có thể khai thác nhiều năm”. Dù gia đình bà Hạnh cấy ruộng, song vẫn trồng thêm 1,5 sào rau ngót, mỗi năm cho thu nhập trên dưới chục triệu đồng, lại không tốn nhiều thời gian chăm bón, thu hái. Khi trồng cần xới đất, vằm nhỏ, đánh rạch và chọn cành bánh tẻ (không non, không già) dài từ 20-25 cm giâm xuống. Sau khi trồng được từ 2-3 tháng, các gia đình lấy rơm, tro ủ quanh gốc cây để giữ độ ẩm, hạn chế cỏ dại, giảm chi phí phân bón. Khi cây cao trên 1 m thì tiến hành cắt cách đất từ 4-5 cm, sau đó bón phân và chờ thu hoạch lứa tiếp theo. Nếu gặp điều kiện thời tiết bất lợi làm cây phát triển kém, lá xoăn thì cần bổ sung thêm phân bón lá vi lượng và tiến hành vệ sinh, tỉa bỏ nhánh già cho thông thoáng. Trong thời gian thu hoạch cũng cần bổ sung phân chuồng và NPK cho từng gốc cây. Khác với rau muống, rau cải chỉ cho thời gian thu hoạch ngắn thì rau ngót cho thời gian thu hái từ 9-10 tháng. Nếu được chăm sóc tốt sẽ chỉ mất 7-10 ngày là có lứa rau mới, không bị khan hàng. Hết mùa thu hoạch, người dân tiến hành cắt gốc, làm vệ sinh và chờ đến mùa xuân năm sau cây lại nẩy chồi, phát triển và thu hoạch tiếp.
Hiện nay, thôn Lũng Quý có 3 điểm tập kết rau bán cho thương lái. Do chỉ trồng rau ngót ta, hạn chế tối đa sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng, bảo đảm an toàn cho người sử dụng nên các thương lái tìm đến mua khá đông. Rau ngót Lũng Quý không chỉ được các thương lái mang đi tiêu thụ ở TP Hải Dương mà còn đưa đến Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh...
PHẠM LƯƠNG THIỆN