<b>Đoạn cuối tuyến đường 191N đi qua xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ) chậm được cải tạo, nâng cấp khiến việc đi lại của người dân ở đây gặp nhiều trở ngại, khó khăn.</b><br>
Đoạn cuối đường 191N xuống cấp nghiêm trọng khiến việc đi lại của người dân xã Hà Kỳ gặp rất nhiều khó khăn
Sợ nhất ra đường
Có mặt tại tuyến đường trên mới thấy việc đi lại của người dân địa phương vất vả thế nào. Hàng trăm ổ trâu, ổ gà xuất hiện khắp mặt đường, có chỗ gần như đã thành ao bùn đất nhão nhoét, trơn trượt. Thi thoảng có đoạn đường khô ráo thì toàn đá cấp phối lởm chởm, xóc lộn. Gần 3 năm nay, mỗi lần ra đường, người dân xã Hà Kỳ, đặc biệt là 2 thôn Đại Hà và Hà Hải - nơi tuyến đường đi qua đều rất ngán ngẩm. “Không có chỗ thoát nước nên sau mưa 3 - 4 ngày mặt đường vẫn đọng đầy nước, trơn trượt, khó đi. Người dân nói chung và đặc biệt là học sinh, trẻ nhỏ bị ngã rất nhiều. Có việc phải đi thôi chứ giờ chúng tôi sợ nhất ra đường”, anh Trần Văn Lý ở thôn Đại Hà nói.
Có xe máy nhưng ông Đào Quang Tuấn (74 tuổi) ở thôn Đại Hà chẳng dám đi vì sợ ngã. Mỗi lần có việc ra khỏi nhà, ông thường đi bộ hoặc đi xe đạp cho an toàn. “Đường này mà mưa một ngày thì hàng tuần sau mới khô. Dân chúng tôi khổ sở bao năm nay rồi. Các buổi tiếp xúc cử tri có cả cán bộ tỉnh, cán bộ huyện chúng tôi đều kiến nghị về vấn đề này. Hết người này đến người kia hứa hẹn nhưng chưa thực hiện được”, ông Tuấn bức xúc.
Đoạn đường xuống cấp nặng khiến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân địa phương bị ảnh hưởng. Xe tải vào thu mua nông sản của bà con bị kịch gầm không thể di chuyển, một số chủ hàng không thể vào tận nơi thu mua. Anh Phạm Văn Thảo chuyên sản xuất đá lạnh cung cấp cho các xe thu mua cá đã phải bỏ cơ sở sản xuất của mình ở thôn Đại Hà ra thuê một căn nhà cấp 4 ở dưới chân cầu Tranh với giá 2 triệu đồng/tháng để kinh doanh.
Đoạn đường trên dài khoảng 2 km có điểm đầu từ thôn Đại Hà và điểm cuối ở thôn Hà Hải, tiếp giáp với địa phận thị trấn Ninh Giang. Đây là đoạn cuối thuộc dự án cải tạo, nâng cấp đường 191N và tuyến nhánh do huyện Tứ Kỳ làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành năm 2017. Đến nay đoạn cuối này vẫn chưa được triển khai thi công.
Sớm giải quyết vướng mắc
Theo ông Vũ Văn Bộ, Chủ tịch UBND xã Hà Kỳ, những năm 1990, đoạn đường này do xã quản lý. Năm 1997, xã bàn giao lại cho huyện và thường xuyên được Hạt Quản lý đường bộ huyện duy tu, bảo dưỡng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân địa phương. Khi triển khai dự án cải tạo, nâng cấp đường 191N, đoạn đường này được sử dụng để các phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng đi qua nên xuống cấp nhanh. Ông Bộ cho biết từ tháng 2 đến nay việc thi công đoạn cuối này phải tạm dừng vì huyện gặp khó khăn về kinh phí. Đơn vị thi công đã chuyển máy móc, phương tiện và công nhân đi nơi khác. Hạt Quản lý đường bộ huyện cũng không duy tu, bảo dưỡng, nhân dân mang gạch vỡ, xỉ than ra lấp vào những chỗ có ổ trâu nhưng không mấy tác dụng.
Theo kế hoạch, dự án cải tạo, nâng cấp đường 191N từ xã Văn Tố đến xã Hà Kỳ dài khoảng 9 km và tuyến nhánh sẽ hoàn thành trong năm 2017. Đến nay, đoạn đường từ xã Văn Tố đến xã Phượng Kỳ đã cơ bản hoàn thành. Riêng đoạn qua xã Hà Kỳ dài gần 4 km mới thi công được khoảng 1,5 km. Đoạn cuối tuyến đường từ thôn Đại Hà đến thôn Hà Hải chưa thể triển khai thi công do thiếu kinh phí.
Ông Bộ cho biết đa số bà con nhân dân xã Hà Kỳ đồng thuận cao với chủ trương cải tạo, nâng cấp đường 191N và sẵn sàng hiến đất để giải phóng mặt bằng, phục vụ thi công. Nhà ông Trần Tiến Lợi, Bí thư Chi bộ thôn Đại Hà nằm ngay cạnh khúc cua đoạn đường ranh giới giữa thôn Đại Hà và thôn Hà Hải. Ông Lợi cho biết gia đình sẵn sàng phá dỡ nhà, công trình phụ và hiến một nửa diện tích đất ở để phục vụ dự án.
Hiện nay, Ban Giải phóng mặt bằng huyện Tứ Kỳ đang chuẩn bị các thủ tục hoàn thiện hồ sơ bồi thường, chi trả tiền hỗ trợ tài sản, vật kiến trúc trên đất đối với những hộ dân xã Hà Kỳ đã hiến đất phục vụ giải phóng mặt bằng để cải tạo, nâng cấp đường 191N. Đồng thời, đôn đốc nhà thầu sẵn sàng chuẩn bị nhân lực, phương tiện để thi công nốt đoạn cuối tuyến đường, bảo đảm cho nhân dân đi lại thuận tiện.
NGUYỄN GIA