Việc hỗ trợ xây dựng công trình xử lý chất thải chuồng trại chăn nuôi đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các hộ nghèo và gia đình chính sách ở xã Đại Hợp (Tứ Kỳ).
|
Tận dụng nguồn khí đốt từ hầm biogas, mỗi tháng gia đình bác Nguyễn Xuân Kiểm ở thôn Độ Trung, xã Đại Hợp tiết kiệm được 2,5 tạ than, củi
|
Quyết định số 986/QĐ-UBND ngày 24-4-2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt số hộ và mức hỗ trợ xây dựng công trình xử lý chất thải chuồng trại chăn nuôi (hầm biogas) đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các hộ nghèo và gia đình chính sách ở xã Đại Hợp (Tứ Kỳ).
Xã Đại Hợp có gần 250 hộ chăn nuôi theo quy mô tập trung, trong đó còn nhiều hộ vẫn chăn nuôi trong khu dân cư. Những năm gần đây, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích các hộ dân đầu tư xây dựng, lắp đặt công trình xử lý chất thải chăn nuôi để bảo vệ môi trường. Song do điều kiện kinh tế còn gặp khó khăn, nhiều hộ chưa thể xây dựng được công trình xử lý chất thải nên vẫn xả trực tiếp chất thải chăn nuôi ra ngoài hệ thống kênh mương, ao, hồ... làm ảnh hưởng đời sống của các hộ dân xung quanh và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh.
Theo quyết định của UBND tỉnh, mỗi hộ nghèo, gia đình chính sách được hỗ trợ 70% kinh phí (tương đương 8.536.000 đồng) và hộ cận nghèo được hỗ trợ 35% (tương đương 4.268.000 đồng) để xây dựng một hầm biogas dung tích 5 m3 xử lý chất thải trong chăn nuôi. Ông Nguyễn Đình Tính, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Căn cứ tình hình thực tế, UBND huyện đã giao cho phòng phối hợp với UBND xã Đại Hợp rà soát và lựa chọn 17 hộ chăn nuôi thuộc diện nghèo, gia đình chính sách để hỗ trợ xây dựng hầm biogas. Phòng cũng đã phối hợp trực tiếp xuống từng hộ kiểm tra hiện trạng mặt bằng thi công và lắp đặt các hầm biogas chất liệu composite. Nhiều hộ dân còn đầu tư thêm kinh phí lắp đặt hầm biogas có dung tích từ 7-9 m3 để phù hợp với quy mô chăn nuôi của gia đình.
Kể từ khi được hỗ trợ kinh phí xây dựng, lắp đặt hầm biogas đến nay, các hộ dân ở xã Đại Hợp rất phấn khởi. Vấn đề ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra đã cơ bản được khắc phục. Không những thế, các gia đình còn tận dụng nguồn khí sinh học từ các hầm biogas để đun nấu hằng ngày. Gia đình bác Nguyễn Xuân Kiểm ở thôn Độ Trung có 2 dãy chuồng thường xuyên nuôi từ 50 - 60 con lợn thịt, từ 7 - 8 con lợn nái. Do chuồng trại nằm ngay trong khu dân cư, lại chưa xây dựng được hầm biogas nên nhiều năm nay gia đình bác Kiểm vẫn có thói quen xả trực tiếp chất thải chăn nuôi ra hệ thống kênh mương. Nhờ có nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, gia đình bác đã đầu tư thêm để lắp đặt một hầm biogas dung tích 9 m3. Bác Kiểm cho biết: "Từ khi gia đình có hầm biogas đến nay môi trường xung quanh đã trong sạch hơn rất nhiều, không còn ảnh hưởng đến các hộ lân cận. Tính ra mỗi tháng, gia đình tôi còn tiết kiệm được 2,5 tạ than, củi từ việc tận dụng nguồn khí đốt từ hầm biogas". Ở cùng thôn Độ Trung, hộ bác Ngô Văn Dạo cũng được hưởng lợi từ chương trình này. Bác Dạo cho biết: "Gia đình tôi thường xuyên nuôi 45 con lợn thịt. Trước kia chưa có hầm biogas nhà tôi toàn xả trực tiếp chất thải xuống các ao gần nhà làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con xung quanh. Từ khi được Nhà nước hỗ trợ xây dựng hầm biogas đến nay thì không còn ô nhiễm môi trường nữa...".
Ông Trương Quốc Hội, Chủ tịch UBND xã Đại Hợp đánh giá: Chương trình hỗ trợ xây dựng công trình xử lý chất thải chuồng trại chăn nuôi của UBND tỉnh đối với các hộ thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách không chỉ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, mà còn nâng cao tỷ lệ hộ chăn nuôi hợp vệ sinh trên địa bàn xã lên trên 85%, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn; giảm bớt chi phí trong sản xuất và sinh hoạt hằng ngày của các hộ dân; đồng thời, góp phần giúp địa phương từng bước hoàn thiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
TIẾN MẠNH