Trong khi người già ở nhà xem Táo quân, làm cơm cúng giao thừa thì người trẻ và du khách ở Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, TP Hồ Chí Minh... đổ về các quảng trường xem trình diễn nghệ thuật và bắn pháo hoa.
Người dân chụp ảnh trước tượng đài Lý Thái Tổ bên Hồ Gươm (Hà Nội)
Hà Nội càng về khuya càng rét, nhiều người vẫn diện áo dài ra Hồ Gươm ngắm cảnh, chụp ảnh bên tượng đài vua Lý Thái Tổ, người đã dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La năm 1010 và đổi tên thành Thăng Long, mở đầu cho sự phát triển lâu dài của nhà Lý (216 năm).
"Biển người" đổ về Bến Bạch Đằng (TP Hồ Chí Minh) xem pháo hoa giao thừa
Một tiếng trước giao thừa, hàng nghìn tập trung tại Bến Bạch Đằng, dọc sông Sài Gòn để chờ xem bắn pháo hoa.
Du khách nước ngoài thích thú chụp ảnh với linh vật rắn ở Đà Nẵng
Đà Nẵng se lạnh khoảng 19 độ C, trời lất phất mưa, hàng nghìn người dân và du khách đổ ra hai bờ sông Hàn chụp ảnh với linh vật rắn hổ mang do nghệ nhân Đinh Văn Tâm chế tác tại công viên phía tây cầu Rồng.
Người dân Cà Mau đón xem pháo hoa ở 3 điểm
Tại TP Cà Mau, thời tiết mát mẻ, dòng người di chuyển chật kín đường Trần Hưng Đạo để đổ về quảng trường đường Thanh Niên đón xem Chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa.
Anh Trần Trọng Tín (đeo kính) cùng nhóm bạn đã đến quảng trường từ sớm để giành chỗ xem bắn pháo hoa. "Năm rồi là một năm nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta đã vượt qua. Tôi hy vọng năm mới mọi điều suôn sẻ, tỉnh nhà càng phát triển bền vững", anh Tín nói.
Ngoài điểm bắn pháo hoa ở TP Cà Mau, tỉnh cực Nam tổ quốc còn 2 điểm bắn nữa ở huyện U Minh và Ngọc Hiển.
Người Nha Trang tập trung ở quảng trường đón giao thừa
Thời tiết Nha Trang (Khánh Hòa) se lạnh, lượng người từ các tuyến đường trung tâm thành phố như Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Thánh Tôn đổ về Quảng trường 2 Tháng 4 để vui chơi, thưởng thức các chương trình văn nghệ chào Xuân do địa phương tổ chức và chuẩn bị xem bắn pháo hoa.
Anh Đặng Tuấn, trú TP Nha Trang, cho biết không khí Tết năm nay sôi động hơn năm trước. Đêm nay, anh cùng gia đình sẽ đi ăn uống tại nhà hàng hải sản ở đường Trần Phú rồi cùng gia đình dạo đường hoa xuân cho đến lúc giao thừa.
"Năm vừa qua có một chút khó khăn nhưng gia đình tôi cũng vượt qua. Hy vọng một năm mới 2025 sẽ có thật nhiều may mắn và công việc đạt nhiều thành công ", anh Tuấn nói
Nhiều người ở nhà xem Táo quân
Đêm giao thừa rét ngọt, nhiệt độ xuống 10 độ C, nhiều người dân không đi chơi mà ở nhà xem "Gặp nhau cuối năm" - chương trình ưa thích của các gia đình Việt.
Bà Nguyễn Thị Kim Tuấn (Thanh Hóa) thích thú khi các Táo trên "Thiên đình" bàn luận về sáp nhập, tinh giản biên chế, tăng mức phạt giao thông, sự nở rộ của trò chơi pickleball, đội tuyển bóng đá Việt Nam vô địch ASEAN Cup 2024... những vấn đề thời sự, giải trí, thể thao được dư luận quan tâm.
Trong khi đó, con cháu mỗi người một việc, chuẩn bị vài món ăn đêm chờ tới 0 giờ hoặc chuẩn bị đốt pháo hoa...
Nhìn lại năm Giáp Thìn, bà Tuấn nói đất nước đã trải qua nhiều sự kiện trọng đại, đương đầu với thiên tai khắc nghiệt, có đau thương "nhưng điều quan trọng là chúng ta đã và đang vượt qua". Cụ bà 75 tuổi mong một chữ "An" trong mùa xuân mới cho đất nước và mọi nhà. Riêng bà mong năm mới nhiều sức khỏe để con cháu yên tâm làm ăn.
TB (theo VnExpress)