Người cứu cả một đoàn tàu

05/05/2017 15:19

Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới gặp được anh Nguyễn Văn Hưởng, nhân vật gần đây được nhiều người biết đến do phát hiện và kịp thời báo cáo sự cố gãy ray đường sắt Hà Nội - Hải Phòng.




Anh Nguyễn Văn Hưởng nhớ lại khoảnh khắc phát hiện đường ray bị gãy


Giây phút "nổi da gà"

Anh Hưởng (sinh năm 1978, ở xã Cao An, Cẩm Giàng), là công nhân tuần đường của Cung đường Cao Xá (Đội tuần đường Hải Dương, Công ty CP Đường sắt Hà Hải). Nhờ anh Hưởng, hành khách trên đoàn tàu HP1 chạy hướng Hà Nội - Hải Phòng đã thoát nạn trong gang tấc.

Nhớ về giây phút ấy, anh Hưởng vẫn còn rùng mình. Cũng như mọi ngày, 6 giờ sáng 29.4, từ ga Cao Xá, anh đi bộ dọc đường ray về ga Cẩm Giàng. Đến km 47+960 thuộc thôn Phú An, bỗng anh phát hiện đoạn ray gãy rời. Ban đầu còn nghĩ do bùn đất bám vào, nhưng khi dùng tay kiểm tra thì phát hiện đường ray đã rời nhau, độ cao chênh lệch. Nhìn màn hình điện thoại đã 6 giờ 15, còn 1 giờ nữa chuyến tàu chở rất nhiều hành khách đi nghỉ lễ sẽ vụt qua nên anh vội cấp báo về đơn vị.

"Trước đây không có điện thoại, khi phát hiện sự cố, công nhân tuần đường phải nhờ người dân chạy về báo cáo, còn công nhân phải có mặt tại chỗ để cảnh giới. Nay thì thuận lợi hơn. Sau khi báo cáo về cung, cung báo cho 2 nhà ga 2 đầu gần nhất, còn tôi đặt pháo phòng vệ để cảnh báo ở 2 đầu đường sắt", anh Hưởng kể.

Anh Hưởng nói thêm: "Mặc dù phát hiện sự cố và cảnh báo, song anh em hết sức lo lắng. Lo vì đoàn tàu đang chuyển bánh từ Hà Nội đã nhận được thông tin chưa, lo vì có kịp thời khắc phục sự cố không?".

Nhận được thông tin, ngay lập tức, Cung đường Cao Xá huy động toàn bộ công nhân đưa 12,5 m đường ray mới lên xe goòng, dùng sức người đẩy đến hiện trường để thay thế ray bị gãy. Đến 7 giờ 20 thì "trả đường" và vài phút sau đoàn tàu HP1 dài 14 toa rầm rập chạy qua trong sự vui mừng khôn xiết của anh em công nhân. Hơn 1.100 hành khách trên chuyến tàu không hề hay biết anh Hưởng cùng những công nhân phía dưới vừa cứu cả đoàn tàu tránh một vụ tai nạn trong gang tấc.

"Qua cung đường này, tàu khách có vận tốc từ 70 - 75 km/giờ, nếu công nhân tuần đường bỏ sót, không phát hiện được sự cố thì chắc chắn hậu quả rất nghiêm trọng", anh Trần Văn Dũng, Đội phó Đội tuần đường Hải Dương khẳng định.



Nhờ anh Hưởng phát hiện đường ray bị gãy, hơn 1.100 hành khách trên tàu HP1 thoát nạn trong gang tấc


Sống với "cờ, đèn, kèn, pháo"

Anh Hưởng làm nghề này từ tháng 5.2005. Nhiệm vụ hằng ngày của anh cũng như những công nhân tuần đường khác là khoác túi đựng cờ, đèn, kèn, pháo đi dọc đường ray kiểm tra liên kết phụ kiện, chướng ngại vật uy hiếp an toàn đường sắt.

Mỗi tuần, anh Hưởng tuần 2 ca sáng, 2 ca chiều và 2 ca đêm, tổng chiều dài 80 km, mỗi tháng đi bộ 320 km. Càng ban đêm hoặc khi mưa bão thì công nhân tuần đường càng phải kiểm tra kỹ càng. Như anh Hưởng, nếu làm ca đêm sẽ xuất phát từ ga Cao Xá lúc 20 giờ, đến 23 giờ sẽ chạm ga Cẩm Giàng và quay lại ga Cao Xá lúc 1 giờ sáng ngày hôm sau; đi tiếp đến địa phận Chi Các (phường Việt Hòa, TP Hải Dương) lúc 2 giờ sáng, quay về đến ga Cao Xá lúc 4 giờ 30. Hết ca của người này sẽ đến ca của người khác. Suốt 24 giờ trong ngày, bất kể nắng mưa, gió bão, lúc nào trên tuyến đường sắt cũng có 1 công nhân tuần đường.

Theo đại diện Cung đường Cao Xá, anh Hưởng đã kiểm tra, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hàng chục nghìn chuyến tàu chở hàng triệu lượt hành khách và nhiều hàng hóa. Tháng 8.2009, anh Hưởng cũng phát hiện một mối gãy tại km 51, đến tháng 3.2016 anh tiếp tục phát hiện sự cố tương tự tại ga Cao Xá. "Sau khi phát hiện sự cố, anh Hưởng đã được cấp trên khen thưởng", anh Dũng nói.

"Vợ làm công nhân may, tôi làm tuần đường, tổng thu nhập chưa đầy 10 triệu đồng, lại nuôi dạy 2 cháu nhỏ nên khá chật vật. Tuy thế, tuần đường đã trở thành cái nghiệp. Mỗi năm tôi đi bộ 3.840 km. Mong là qua các chuyến đi sẽ kịp thời phát hiện sự cố để bảo đảm tính mạng cho người dân", anh Hưởng bộc bạch.

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Người cứu cả một đoàn tàu