Ngôi đình Quao được dựng cách đây nhiều thế kỷ thờ tổ nghề, hằng năm vẫn được nhân dân hương khói. Nhưng giờ đây, làng gốm cổ chỉ còn có duy nhất một bà lão đã bước vào tuổi xưa nay hiếm làm nghề.
Bà Hoàng Thị Bé chuốt gốm
Ở huyện Nam Sách ngoài gốm Chu Đậu còn có một làng nghề gốm cổ đã từng phát triển đến độ cực thịnh, đó là gốm Quao. Ngôi đình Quao được dựng cách đây nhiều thế kỷ thờ tổ nghề, hằng năm vẫn được nhân dân hương khói. Nhưng giờ đây, làng gốm cổ chỉ còn có duy nhất một bà lão đã bước vào tuổi xưa nay hiếm làm nghề.
Thăng trầm lịch sửQuao là tên cổ của làng Lâm Xuyên, xã Phú Điền. Làng Quao ngày nay “tuyệt” không thấy dấu vết làng nghề gốm cổ. Vào làng phải qua một cây cầu bắc ngang con sông nhỏ, từng là con đường thông thương gốm xưa.
Ông Hoàng Minh Thư, một người cao tuổi ở thôn Lâm Xuyên cho biết, làng gốm Quao chỉ xuất hiện sau gốm Chu Đậu khoảng 100 năm, còn nổi tiếng thì không hề thua kém. Tổ nghề là ông Bùi Quang Hồng, thành hoàng làng. Gốm Quao phát triển do sông Kinh Thày bao quanh, thuyền bè về ăn hàng tận cửa lò. Thời kỳ thịnh vượng, cả làng có 120 bàn xoay, trên dưới 30 lò liên tục đỏ lửa. Các sản phẩm gốm theo đường bộ, đường thủy vào tận Nghệ An, Thanh Hóa, lên các vùng núi cao Lạng Sơn, Cao Bằng và từng “xuất ngoại”. Dân trong vùng có câu: “Lắm đất An Điền, lắm tiền làng Quao” để chỉ sự giàu có nơi đây.
Theo Dư địa chí Hải Dương, gốm Quao ra đời khoảng thế kỷ XV, hoạt động liên tục suốt 5 thế kỷ. Đầu thế kỷ XIX, làng gốm Quao sầm uất nhất, một nửa số hộ trong làng có lò nung. Nguyên liệu sản xuất gốm Quao là đất Kính Chủ, huyện Kinh Môn. Sản phẩm là các loại nồi đất, vại nhỡ, lọ, hũ nhỏ. Gốm Quao có màu hồng tươi, xương mịn, chắc. Đầu thế kỷ XX, làng Quao có tới 95% số hộ làm nghề gốm.
Năm 1945, làng Quao hơn 800 người chết đói, có những trường hợp ngồi chết thảm ngay ở khe lò. Trước đó, năm 1942, xảy ra việc ngăn sông, đường vận chuyển bị cắt đứt, làng gốm suy vong. Sau cách mạng, gốm Quao được khôi phục, năm 1965 HTX đồ gốm Phú Điền được thành lập. Song khi đồ nhôm phát triển, sản phẩm nồi đất mất thị trường, HTX giải thể. Việc làm gốm chỉ còn được duy trì tại một số gia đình.
Người giữ nghề cuối cùng Hiện nay làng Quao chỉ còn một người duy nhất làm nghề, đó là bà Hoàng Thị Bé, 80 tuổi, vợ cố nghệ nhân Nguyễn Xuân Mừng. Cố nghệ nhân Nguyễn Xuân Mừng từng được biết đến là người tâm huyết với nghề. Khi còn sống, ngoài duy trì gốm truyền thống, ông còn tìm tòi, cho ra đời sản phẩm gốm tinh xảo như: lư hương, ấm chén, lọ hoa, các động vật… Lò gốm của ông đã từng được nhiều đoàn khách quốc tế đến thăm. Hiện nay, trên bàn thờ gia đình còn lưu giữ một chiếc lư hương gốm làm theo kiểu cổ do ông chế tác. Tuy nhiên do lớp trẻ không mặn mà với nghề tổ nên ông không có cơ hội truyền nghề.
80 tuổi, bà Hoàng Thị Bé vẫn miệt mài thấu đất làm gốm
Đến thăm gia đình bà Bé, tôi bị hút vào chồng niêu gốm đỏ au ở góc nhà. Gần đó là đống đất nhào dở cùng một chồng gốm mộc. Bà Bé cho biết: “Hiện tôi vẫn duy trì nghề nhưng không làm thường xuyên mà theo đợt, tùy đơn hàng”. Vài tháng bà mới đốt một lò. Tính ra mỗi tháng bà thu nhập khoảng 1 triệu đồng từ nghề gốm. Hiện bà chỉ làm những sản phẩm thủ công đơn giản như chõ đồ xôi, siêu sắc thuốc và niêu đất do một số khách sạn đặt hàng, số lượng không đáng kể. Vật liệu làm gốm thay vì đất sét Kính Chủ giờ lấy ngay đất sét ngoài đồng. Cũng bởi thế mà độ mịn và màu sắc thua xa gốm Quao xưa.
Nói về gốm xưa, bà Bé mô tả: “Để làm gốm Quao, đất sét phải được nhào nặn cho chín rồi thấu nhuyễn. Cứ hình dung việc người ta làm bánh mì kéo bột dài cả sải tay thì gốm Quao, vật liệu để nặn cũng phải vậy”. Khi có đất, người thợ gốm đưa lên bàn xoay, dùng chân đẩy, tay chuốt thành hình mong muốn. Thường thì công đoạn làm gốm cần có 4 người: một làm đất, một chuốt gốm (thường là phụ nữ), một ra sản phẩm, một gọt đáy. Một thợ lành nghề buổi sáng làm được hơn trăm nồi chân to, loại thổi 10 ống gạo. Gốm sau khi làm xong sẽ được phơi cho khô nỏ mới vào lò. Mỗi đợt đốt lò số lượng lên tới 2.000-3.000 sản phẩm. Vật liệu đun gốm là củi từ Chũ (Bắc Giang) hoặc Thanh Hóa. Quá trình đốt kéo dài từ trưa đến chừng 2 giờ đêm thì đoạn lò.
Ngày nay, gia đình bà Bé nghĩ ra cách đun gốm bằng than. Gốm mộc khi đưa vào lò sẽ xếp kèm các viên than. Quá trình đun chỉ cần lửa bén vào than là ngừng. Cách làm này rút ngắn thời gian: đốt từ sáng, buổi chiều có thể dỡ lò. Chỉ tôi xem chiếc bàn chuốt của gia đình, bà Bé cho biết, đã có người trả giá 2 triệu đồng nhưng bà không bán. “Là tôi còn lưu luyến nghề và cũng bởi nó đang đem lại thu nhập cho gia đình”, bà Bé phân trần. Tôi đề nghị bà chuốt gốm cho xem thử. Bà xắn tay thấu đất cho đến khi đạt độ mịn rồi đưa lên bàn chuốt. Dựng khối đất vuông góc với bàn chuốt, bà dùng chân đẩy cho bàn xoay, dùng ngón cái và ngón trỏ dấp nước chuốt nhẹ. Dưới bàn tay điêu luyện của bà, chỉ một chốc khối đất vô tri vô giác đã trở thành những chiếc niêu bóng mịn, xinh xắn. Mỗi lần hoàn thành một chiếc niêu bà lại dùng sợi lạt cắt đáy đặt lên tấm gỗ. Được tận mắt nhìn người thợ già làng Quao làm gốm, tôi vừa kính phục vừa tiếc nuối. Gốm Chu Đậu đã từng thất truyền gần 4 thế kỷ rồi nhưng nhờ những cổ vật lưu lạc mà hồi sinh. Còn gốm Quao, về lịch sử không thua kém gốm Chu Đậu, cũng đã từng có những thời kỳ phát triển cực thịnh, đạt đến độ tinh xảo giờ lại có số phận hẩm hiu. Tạm biệt bà Bé, tôi cứ day dứt bởi câu bà nói: "Lớp trẻ giờ chê nghề, chẳng đứa nào theo nữa. Chắc tôi chết thì nghề của làng cũng tàn".
NGỌC HÙNG