Thiếu tá Nguyễn Thị Bích Hường được đồng nghiệp ở Học viện Hậu cần đánh giá là một trong những tấm gương tiêu biểu cho đội ngũ giảng viên trẻ trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Thiếu tá, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hường nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua năm 2020
Ngày 13.4.2018, chị vinh dự được nhận quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư và trở thành PGS.TS trẻ nhất toàn quân.
Sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng tại mảnh đất Thanh Hà, bố từng là người lính, mẹ là cô giáo dạy văn, chị Bích may mắn được thừa hưởng những đức tính tốt đẹp từ bố mẹ.
Năm 2005, sau khi tốt nghiệp đại học, chị không nôn nóng đi tìm việc làm mà quyết định tiếp tục con đường học tập, nâng cao trình độ. Chị đã bảo vệ xuất sắc luận văn thạc sĩ vào năm 2007. Năm 2008, chị tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Khi đang làm nghiên cứu sinh, cơ hội nghề nghiệp mở ra với chị rất nhiều, ấy vậy mà nhiều bạn bè ngạc nhiên khi năm 2011, chị lại vào quân đội và về Học viện Hậu cần. Ban đầu chị hưởng lương viên chức quốc phòng, giảng viên bộ môn hóa. Năm 2013, chị được phong quân hàm thượng úy.
Chị cho biết: “Không biết tự bao giờ, ước mơ trở thành người lính, người giáo viên xuất hiện trong tôi. Tôi vào quân đội cũng như số mệnh vậy, khi biết ý định này, bố mẹ rất ủng hộ và người vui mừng nhất vẫn là bố tôi – Con ạ, quân đội luôn là trường học lớn, tuy nhiều kỷ luật gò bó nhưng con người ta nhờ đó mà trưởng thành, cứng cáp hơn”.
Năm 2011, 2012 là thời điểm chị gặp nhiều khó khăn, vừa mới nhận công tác, khối lượng công việc nhiều, luận án đang dang dở. Con chị thường xuyên quen với việc đến trường sớm và đón muộn nhất, nhiều khi đã hết giờ mà công việc chưa xong, chị lại phải nhờ các cô đưa cháu về nhà giúp. Ấy là chưa kể đến lúc cháu ốm đau, chồng đi công tác. Mọi việc trong gia đình phần lớn chị phải cáng đáng, lo liệu. Có những lúc mệt mỏi, tưởng chừng như không thể vượt qua nổi, nhưng nghĩ đến sự giúp đỡ của gia đình, người thân, của đồng chí, đồng đội và đơn vị rồi chị cũng vượt qua.
Giữa bộn bề việc công, việc nhà, chị đã khéo léo sắp xếp để được vẹn toàn cả hai. Ngày 12.12.2012, chị đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Tổng hợp, nghiên cứu cấu tạo và thăm dò hoạt tính sinh học của các phức chất Pd(II), Ni(II) với một số dẫn xuất thiosemicacbazon” ở tuổi 30 và trở thành một trong những nữ tiến sĩ trẻ nhất trong quân đội.
Vốn là người đam mê nghiên cứu khoa học, mong muốn có thể áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn nên chị đã bén duyên với nghiên cứu khoa học ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Cho đến thời điểm này, chị đã công bố được hơn 30 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành như tạp chí Hóa học, tạp chí Phân tích hóa lý và sinh học; hướng dẫn thành công nhiều luận văn thạc sĩ. Số lượng các đề tài khoa học cũng ngày càng nhiều hơn. Có thể kể đến một số đề tài như: “Nghiên cứu tạo mẫu vải quân trang phủ bạc kích thước nanomet có khả năng sát khuẩn”, “Tổng hợp và nghiên cứu khả năng kháng khuẩn và kháng nấm của phức chất neodim trên một số loại rau xanh”, “Xác định hàm lượng nitơ trong rau bằng phương pháp trắc quang”…
Đối với chị, mỗi đề tài nghiên cứu đều gắn với thực tiễn đời sống, sinh hoạt của bộ đội. Như Đề tài “Tổng hợp và nghiên cứu khả năng kháng khuẩn và kháng nấm của phức chất neodim trên một số loại rau xanh”, mà nội dung là diệt vi khuẩn xấu hại trên rau xanh. Đề tài này đã được nhân rộng trong các đơn vị. Đề tài “Nghiên cứu tạo mẫu vải quân trang phủ bạc kích thước nanomet có khả năng sát khuẩn”, nội dung của đề tài là khử các kháng khuẩn, kháng nấm ngấm vào quần áo bộ đội. Đề tài này đặc biệt có ý nghĩa thiết thực đối với các đơn vị bộ đội đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, những nơi có khó khăn về nguồn nước và điều kiện sinh hoạt. Khi nghiên cứu những đề tài trên, có những đêm chị trằn trọc suy nghĩ, tự thiết kế các thiết bị thí nghiệm hoặc thay đổi các điều kiện phản ứng để phù hợp với các thiết bị vốn có trong phòng thí nghiệm, kết hợp với kết quả nghiên cứu thực địa.
Chị còn tham gia biên soạn nhiều giáo trình, tài liệu học tập, tiêu biểu phải kể đến giáo trình “Hóa học hữu cơ” tập 2, Tài liệu “Hướng dẫn thực hành thí nghiệm Hóa học đại cương”… Các đề tài, giáo trình, tài liệu này đều có tính thực tiễn cao, nhiều đề tài đoạt giải cao trong các cuộc thi tuổi trẻ sáng tạo, vận dụng tốt vào thực tế giảng dạy, góp phần không nhỏ trong việc cải tiến phương pháp giảng dạy bậc đại học ở Học viện Hậu cần.
“Tôi luôn muốn tạo sự hứng thú học tập cho học viên. Với từng đối tượng, tôi lại áp dụng một phương pháp giảng dạy phù hợp, nhằm tạo ra những giờ học sinh động, sát thực tiễn; giúp học viên vừa nắm bắt tốt kiến thức, vừa nâng cao kỹ năng học tập, tự học, nghiên cứu và vận dụng thực tiễn”, chị tâm sự.
Với sự say nghề, tâm huyết, tin rằng chị sẽ tiếp tục thành công hơn nữa trong sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
QUÝ HOÀNG