Người con gái trong bài thơ Quê hương

22/09/2011 15:06



Quê hương là bài thơ nổi tiếng của Giang Nam. Những kỷ niệm thời nhỏ ở làng quê (trốn học, đuổi bướm cầu ao..), lại có "cô bé nhà bên" hay cười khúc khích. Lớn lên, nhà thơ đi công tác thoát ly, "cô bé" trở thành du kích. Khi hai người chia tay nhau,

Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn
                      ngậm ngùi
Em vẫn để yên
                    trong tay tôi nóng bỏng...


Rồi ở nơi xa, tác giả nhận được tin "Không tin được dù đó là sự thật":

Giặc bắn em rồi quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích, em ơi!
Bài thơ kết thúc thật cảm động:
Xưa yêu quê hương vì có chim
                               có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi...
Nay yêu quê hương vì trong từng
                           nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.


Có một điều ít người biết, cô gái trong bài thơ là có thật. Chị tên là T. Nhà thơ và chị T cùng công tác ở một cơ quan trong kháng chiến chống Pháp, đã hẹn khi nào hòa bình sẽ làm đám cưới. Nhưng Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 đã làm thay đổi tất cả. Chị T được bố trí về hoạt động ở thành phố Nha Trang. Nhà thơ được bí mật chuyển vùng. Chẳng may chị T bị địch bắt ở vùng ven Sài Gòn - thời điểm mà Ngô Đình Diệm kéo lê máy chém đàn áp phong trào cách mạng khắp miền Nam. Cuối năm 1960, ở căn cứ Tỉnh ủy Khánh Hòa tại Hòn Dùi, nhà thơ được đồng chí bí thư gọi lên báo tin T đã hy sinh, có lẽ bị thủ tiêu, chưa tìm được... Giang Nam kể: "Tôi quay về chòi của mình, khóc T, một cô gái ốm yếu, chưa quen đấu tranh trong lòng địch, khóc cho nỗi mất mát lớn lao, cho hạnh phúc bị tan vỡ...".
"Tôi ngồi dậy, thắp ngọn đèn dầu lửa tù mù, viết một mạch bài Quê hương. Không có câu nào bị xóa đi, viết lại. Những kỷ niệm thời thơ ấu, mối tình e ấp những ngày ở cơ quan sao mà đẹp đến như vậy. Và cái chết, cái chết đến bất ngờ làm tan mọi hy vọng ước mơ".

Nhưng viết rồi, nhà thơ không dám đưa ai xem, mãi sau này mới đánh bạo gửi ra miền Bắc. Cái kết cục về sau lại có hậu. Năm 1962, từ trong nội thành Nha Trang báo tin ra: T đã được địch thả ra, còn sống, sau mấy năm bị chuyển từ nhà lao này đến nhà lao khác.

Chị T chính là phu nhân của nhà thơ Giang Nam. Nhà thơ viết: "Đó là điều kỳ diệu mà thậm chí tôi không dám tin, cũng như trước kia khi nghe tin người yêu bị giặc giết hại, tôi đã viết:

Không tin được dù đó là sự thật".



                      QUÊ HƯƠNG

                      Giang Nam

Thuở còn thơ
                ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương
                    qua từng trang sách nhỏ:
"Ai bảo chăn trâu là khổ?"
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học
Đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được...
Chưa đánh roi nào đã khóc!
Có cô bé nhà bên
Nhìn tôi cười khúc khích

Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ tôi đi
Cô bé nhà bên (có ai ngờ)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá
                                                   đi thôi!)
Giữa cuộc hành quân không nói được 
                                                             một lời
Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại...
Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi...

Hoà bình tôi trở về đây
Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày
Lại gặp em
Thẹn thùng nép sau cánh cửa
Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ
- Chuyện chồng con (khó nói lắm
                                                    anh ơi!)
Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi
Em vẫn để yên
                        trong tay tôi nóng bỏng

Hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích, em ơi!
Đau xé lòng anh, chết nửa con người!
Xưa yêu quê hương vì có chim
                                          có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi...
Nay yêu quê hương
                               vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.

  1960

VƯƠNG BẠCH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người con gái trong bài thơ Quê hương