Phụ nữ luôn là đề tài, là nguồn cảm hứng bất tận cho các thi nhân khai thác.
Phụ nữ luôn là đề tài, là nguồn cảm hứng bất tận cho các thi nhân khai thác. Có người đã trở thành bất tử, thành tượng đài nghệ thuật trong thi ca như chị Võ Thị Sáu trong bài thơ "Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn" của Phan Thị Thanh Nhàn, chị Nguyễn Thị Lý trong bài thơ "Người con gái Việt Nam" của Tố Hữu… song lại có hình ảnh những người phụ nữ như cây xương rồng cứ lặng lẽ, âm thầm vượt qua bao khó khăn, thử thách của cuộc chiến tranh, bao sóng gió của cuộc sống đời thường. Tác giả Kao Sơn đã rất thành công khi xây dựng hình ảnh người phụ nữ như thế trong bài thơ "Xương rồng trên cát".
Quả thực nếu không được tác giả cung cấp thông tin về nhân vật trữ tình, về hoàn cảnh ra đời của bài thơ thì người đọc khó mà hình dung, lý giải vì sao nhà thơ lại bật thốt lên hai câu thơ mở đầu mà đáng lẽ ra phải là câu kết: "Khổ như chị, đến thế thôi/Lẽ đâu Giời cứ bắt người khổ thêm". Dường như tác giả đã quá đau trước cảnh ngộ của chị mà bật lên tiếng kêu thương như một nỗi niềm không thể kìm nén trước khi nói về chị Đinh Thị Cật - một cựu thanh niên xung phong, người con của mảnh đất Lệ Thủy (Quảng Bình), mảnh đất mà chỉ có những cây xương rồng mới có thể chịu đựng, mới tồn tại, trụ lại cùng cái khắc nghiệt của thiên nhiên. Phải chăng vì vậy mà nhà thơ lấy “Xương rồng trên cát” làm nhan đề bài thơ, lấy hình ảnh xương rồng để so sánh, hình dung về cuộc đời, số phận của người phụ nữ trở về sau chiến tranh.
"Xương rồng đội cát mà lên/Đem gan con gái làm mềm đá xanh/Chân trần qua lửa chiến tranh/Tuổi xuân chị đã hóa thành núi sông". Một loạt hình ảnh đối lập: Xương rồng- cát, gan con gái - đá xanh, chân trần - chiến tranh, tuổi xuân - núi sông; một loạt động từ: đội, đem, làm mềm, qua, hóa mà tác giả sử dụng đủ để người đọc hình dung về cuộc chiến tranh khốc liệt mà những người con gái nhỏ bé như chị đã góp sức mình cống hiến cả tuổi thanh xuân một cách giản dị và hồn nhiên nhất. Mười bảy tuổi tham gia thanh niên xung phong, bao gian khó, thử thách, mất mát hy sinh làm sao có thể vượt qua đây, dẫu người xưa nói "chân cứng đá mềm", nhưng chưa đủ, chị buộc phải "đem gan con gái", đem sức mạnh tinh thần, sự kiên gan quả cảm, tình yêu đối với quê hương, đất nước để trụ vững, để chiến thắng.
Hy sinh tuổi xuân một cách thầm lặng, bình dị như bao phụ nữ khác, để rồi "tuổi xuân chị đã hóa thành núi sông", nhưng chị cảm thấy mình vẫn còn may mắn hơn bao đồng đội là được trở về, được nhìn thấy biển quê hương. Nhưng bao khó khăn chất chồng trong cuộc sống đời thường vẫn đeo bám, vẫn thử thách chị: "Ngày về biển vẫn mênh mông/Múc lên nước đục mà trong với đời". Đục, trong đâu phải là đặc tính của nước mà nó là phép thử, là ngưỡng, ranh giới của cuộc đời. Nước dẫu đục, đời dẫu còn nhiều cay đắng thì chị vẫn một mực "trong với đời", vẫn một mực "tui thiệt thà" để không hổ thẹn với lòng mình. Trở về, cái phần thưởng cao quý, cái để ghi nhận những cống hiến, hy sinh của chị là Huy chương nhưng sao "Huy chương buộc giắt vách nhà". Đọc câu thơ lên mà cứ đăng đắng, nghèn nghẹn. Chị biết treo vào đâu trong căn nhà, chính xác hơn là căn lều gác tạm bằng mấy cành dương. Không có chỗ để treo nhưng cũng không đành treo khi chị nghĩ về những người đồng đội "Thương bạn nằm chốn rừng xa không về", lại thấy tủi, thấy thẹn với lòng mình.
Nếu như thử thách trong chiến tranh chỉ cần có niềm tin, sự can đảm, gan góc, sự đồng cam cộng khổ của đồng đội là có thể vượt qua nhưng thử thách trong cuộc sống đời thường lại cam go và khắc nghiệt vô cùng. Chị phải một thân một mình, phải “gồng vai gánh lấy cuộc đời”, chấp nhận “Cong vênh đành một kiếp người”, nỗi bất hạnh, khổ cực, sự khốn khó cứ đeo bám, liên tiếp đổ xuống đôi vai gầy, xuống cuộc đời của chị.
Không xót xa, không day dứt, không rơi nước mắt sao được khi đọc những câu thơ: "Biển thì xanh tít ngoài kia/Xóm chài cát trắng bốn bề bủa vây/Tay gầy che nắng xiên khoai/Lá dương khói đốt còn cay mắt người/Gồng vai gánh lấy cuộc đời/Cắn răng chẳng hé nửa lời kêu ca". Biển Quảng Bình vốn đẹp, nổi tiếng nhưng cái xanh tươi, cái giàu đẹp vẫn xa tít, chỉ có cát và cát bủa vây người dân nghèo, bủa vậy cuộc đời, thân phận chị. Chị chạnh lòng xót xa, thương bạn, thương cả xóm chài, cả thân phận mình. Bàn tay gầy guộc làm sao che được cái nắng xiên khoai gay gắt, nắng như muốn hút cạn sức lực khiến chị còm cõi, héo mòn. Là nắng hay là cái nghèo khó, cái khắc nghiệt của cuộc sống cứ táp, cứ dội vào khiến bao lần chị phải gồng vai, cắn răng mà chịu đựng, mà vượt qua.
Nếu lá dương làm cay mắt người thì bài thơ đã làm cay mắt độc giả, vẫn là những hình ảnh đối lập rất gợi, những dòng cảm xúc dồn nén, những câu thơ cứ trùng xuống, găm chặt vào tâm trí người đọc bao cảm xúc rưng rưng. "Như xương rồng giữa phong ba/Chị bấu vào cát mà qua phận mình". "Bấu vào cát" là hình ảnh rất thực, rất đắt, rất ám ảnh. Cát ở đây vốn bị gió dồn lại thành đống, thành cồn, thành đồi và để leo lên được người ta phải dùng chân và cả tay vừa đạp, vừa cào.
Hình ảnh xương rồng chỉ xuất hiện hai lần ở đầu và cuối bài thơ: “Xương rồng đội cát mà lên”, “Như xương rồng giữa phong ba” nhưng trong thơ Kao Sơn xương rồng đã trở thành biểu tượng cho sức sống, sự kiên gan bền bỉ, cho sự tảo tần, chịu đựng của bao người phụ nữ. Chính vì vậy mà bài thơ không chỉ đoạt giải A của báo Văn nghệ trong cuộc thi thơ lục bát, được xếp vào một trong 99 bài thơ hay nhất thế kỷ XX mà còn đọng lại trong lòng độc giả, đọng lại với thời gian.
PHẠM NGA
Xương rồng trên cát Khổ như chị, đến thế thôiLẽ đâu Giời cứ bắt người khổ thêm Xương rồng đội cát mà lên Đem gan con gái làm mềm đá xanh Chân trần qua lửa chiến tranh Tuổi xuân chị đã hóa thành núi sông Ngày về biển vẫn mênh mông Múc lên nước đục mà trong với đời Cong vênh đành một kiếp người Với ai cũng chỉ rằng: Tui thiệt thà!... Huy chương buộc giắt vách nhà Thương bạn nằm chốn rừng xa không về Biển thì xanh tít ngoài kia Xóm chài cát trắng bốn bề bủa vây Tay gầy che nắng xiên khoai Lá dương khói đốt còn cay mắt người Gồng vai gánh lấy cuộc đời Cắn răng chẳng hé nửa lời kêu ca Như xương rồng giữa phong ba Chị bấu vào cát mà qua phận mình. KAO SƠN |