Người chăn nuôi vẫn lơ là

28/02/2014 08:27

Dịch cúm gia cầm đã bùng phát tại xã Cẩm Chế (Thanh Hà). Tuy nhiên, nhiều người chăn nuôi vẫn thờ ơ với công tác phòng, chống dịch...


Chị Hoàng Thị Tình ở thôn Nhân Lư, xã Cẩm Chế (Thanh Hà) rắc vôi bột quanh khu vực chuồng trại

Ngày 26-2, dịch cúm gia cầm đã bùng phát tại xã Cẩm Chế (Thanh Hà). Trong khi đó, người chăn nuôi của tỉnh vẫn chưa chú trọng đến việc tiêm phòng cho gia cầm, nhất là gia cầm thịt.  

Không bất ngờ khi có dịch

 Ngày 27-2, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 552/QĐ- UBND công bố dịch cúm gia cầm tại xã Cẩm Chế (Thanh Hà). UBND tỉnh yêu cầu huyện Thanh Hà khẩn trương bao vây dập dịch; các địa phương, các ngành trong tỉnh khẩn trương phòng, chống dịch cúm gia cầm, không để dịch lây lan.

Ngày 27-2, chúng tôi có mặt tại gia đình chị Hoàng Thị Tình ở thôn Nhân Lư, xã Cẩm Chế (Thanh Hà) khi toàn bộ gia cầm đã bị tiêu hủy. Xung quanh khu chuồng trại chăn nuôi được rắc vôi bột. Chuồng đã được vệ sinh sạch sẽ. Chị Tình cho biết: “Tôi nuôi 300 con gà lai chọi để đón dịp Thanh minh. Trọng lượng đã đạt khoảng 1,5 kg/con. Ngày 23 vừa qua, trong đàn gà có 2 con bị đi ngoài nên tôi mua thuốc về chữa nhưng không khỏi. Ngày hôm sau, lại thêm 2 con gà có biểu hiện như những con trước và cũng bị chết. Ngày 25 thì có đến 20 con bị chết. Tôi đã báo cán bộ thú y xã. Sang ngày 26 tiếp tục có thêm 60 con gà bị chết. Ngay trong buổi sáng, cán bộ thú y tỉnh đã về lấy 2 mẫu đưa đi xét nghiệm. Cả 2 mẫu đều cho kết quả dương tính với vi-rút cúm A/H5N1”.

Từ sau Tết Nguyên đán, thời tiết rét đậm, rét hại nhiều, kèm theo mưa phùn làm cho sức đề kháng của vật nuôi giảm sút. Một số địa phương xung quanh tỉnh đều đã xuất hiện dịch cúm gia cầm. Tại tỉnh ta, nhiều năm qua cũng đã có dịch. Vì vậy vi-rút nhiều khả năng vẫn còn tồn tại. Trong khi đó, ý thức của người chăn nuôi vẫn còn nhiều hạn chế. Phần lớn gia cầm trên địa bàn tỉnh ta, nhất là gia cầm thịt không được tiêm phòng. "Ngay từ sau Tết, chúng tôi đã nhận định, việc tỉnh ta bị dịch cúm gia cầm là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, chúng tôi không bất ngờ khi xuất hiện ổ dịch ở huyện Thanh Hà. Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan chuyên môn, dịch năm nay sẽ xảy ra nhỏ lẻ trong phạm vi từng gia đình. Các cơ quan chức năng cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng, chống nên sẽ không để dịch tràn lan, ồ ạt như trước đây”, ông Nguyễn Văn Quynh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết.

Người chăn nuôi chủ quan

Khi được hỏi về việc phòng, chống dịch bệnh, chị Tình cho biết: “Hằng tuần tôi vẫn phun thuốc tiêu độc, khử trùng, gà cũng được tiêm phòng nhiều loại vắc-xin. Tuy nhiên riêng vắc-xin cúm gia cầm thì tôi không tiêm, do vòng đời nuôi gà thịt ngắn. Gia đình tôi chăn nuôi đã 4 năm nay nhưng chưa bao giờ bị cúm nên cũng chủ quan”.


Người dân thôn Đình Giọng, xã Đại Đức (Kim Thành) làm thịt gà ngay trên sông


Không chỉ có gia đình chị Tình không tiêm phòng mà nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh cũng thờ ơ với việc này. Ông Phạm Trung Ngừng ở thôn Đông Phan, xã Tân An (Thanh Hà) cho biết: "Tôi thường xuyên nuôi gà thịt để bán. Tuy nhiên, chưa bao giờ tôi tiêm phòng cúm do giá vắc-xin này đắt. Những loại vắc-xin hoặc thuốc nhỏ khác chỉ mất 100 đồng/lần, riêng vắc-xin cúm gia cầm thì phải mất 400 đồng/lần tiêm và phải tiêm 2 lần thì mới có tác dụng.

Việc mua, bảo quản vắc-xin cúm gia cầm không đơn giản nên nhiều người chăn nuôi cũng nản. Bà Nguyễn Thị Lan, cán bộ thú y xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) cho biết: Toàn xã hiện có khoảng 95.500 con gia cầm, thủy cầm. Trong đó, chỉ có 25 nghìn con gia cầm, thủy cầm sinh sản được tiêm vắc-xin phòng cúm H5N1, phần còn lại không được người chăn nuôi tiêm. Để mua được vắc-xin tốt, người chăn nuôi phải đăng ký với cán bộ thú y xã; cán bộ thú y xã đăng ký với trạm thú y cấp huyện và huyện đăng ký với Chi cục Thú y. Hơn nữa, hầu hết người chăn nuôi gà thịt đều có quy mô lớn trong khi phương tiện của người nuôi chưa đáp ứng nên họ phải thuê cán bộ thú y tiêm và phải trả công. Chính vì quy trình phức tạp, chi phí nhiều khoản như vậy nên số người chăn nuôi tiêm phòng cúm gia cầm ở địa phương đạt thấp.

Những năm qua, hầu hết dịch cúm đều xuất hiện trên đàn gia cầm thịt. Và loại gia cầm, thủy cầm này ít được người chăn nuôi quan tâm tiêm phòng, phòng dịch

Cần quyết liệt chống dịch

Khi được báo về tình trạng gia cầm chết, các cơ quan chức năng đã tiến hành các biện pháp kiểm tra, xác định nguyên nhân gây bệnh là do vi-rút cúm H5N1 gây ra. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, việc tiêu hủy đã được thực hiện ngay. Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết: “Chiều 26-2, Trạm Thú y huyện đã cấp cho xã Cẩm Chế 20 lít thuốc sát trùng để xã phun tại chuồng nuôi và khu vực xung quanh nhà chị Hoàng Thị Tình, khu vực chợ, các nơi công cộng và nơi đông người qua lại của xã Cẩm Chế. Đài Truyền thanh xã thông báo về tình hình dịch cúm và yêu cầu các hộ dân thực hiện nghiêm quy định 5 không. Từ 4 giờ sáng 27-2, chúng tôi đã bố trí lực lượng chức năng trực tại các cổng ra vào chợ Cháy vừa để kiểm soát tình hình mua bán gia cầm, vừa tuyên truyền, nhắc nhở người dân. Qua kiểm tra đã phát hiện có 2 hộ dân ở xã Tân An mang gia cầm đến chợ Cháy bán được lực lượng công an xã nhắc nhở nên họ lại mang về. Theo dự kiến, UBND huyện Thanh Hà sẽ lập 5 chốt kiểm dịch, gồm 2 chốt trên tuyến đường 390B chặn 2 đầu xã Cẩm Chế, 3 chốt kiểm dịch còn lại nằm trên tuyến đường sang các xã Tân An, Tân Việt và Liên Mạc".

Huyện Thanh Hà đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Cán bộ thú y cơ sở tăng cường giám sát dịch bệnh đến từng gia đình, không để tình trạng có gia cầm, thủy cầm chết mà người dân không báo cáo. Khi có xác gia súc, gia cầm chết trên địa phương của mình, lãnh đạo xã phải chỉ đạo cơ quan chuyên môn thu gom, chôn lấp và xử lý đúng quy định.

Đối với các huyện, thành phố, thị xã khác trong tỉnh, các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm cũng được thực hiện khẩn trương. Chi cục Thú y đã cấp 3,2 tấn thuốc sát trùng để các địa phương thực hiện Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường. Sau khi Thanh Hà xuất hiện dịch, chi cục đã cấp thêm cho huyện này 3 tạ thuốc sát trùng. Ngay khi có vắc-xin cúm H5N1, chi cục sẽ cấp cho huyện Thanh Hà để tiêm phòng cho gia cầm ở xã Cẩm Chế và một số xã lân cận để bao vây, dập dịch. Đối với những địa phương chăn nuôi lớn, có nguy cơ bùng phát dịch cao như Thanh Miện, Chí Linh, Chi cục Thú y tỉnh sẽ cấp bổ sung thuốc sát trùng trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Để phòng, chống dịch cúm gia cầm hiệu quả, cán bộ thú y ở địa phương vừa đẩy mạnh tuyên truyền, vừa phải kiên quyết trong công tác tiêm phòng. Cần làm cho người dân thấy rõ được tầm quan trọng của tiêm phòng trong chăn nuôi. Người chăn nuôi cần chủ động mua vắc-xin tiêm phòng, không nên trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không nên vì lợi ích trước mắt mà phải tính toán đầu tư lâu dài. Cần có sự tư vấn của cơ quan chức năng về loại vắc-xin cần mua vì chủng cúm vi-rút biến đổi thường xuyên. Nếu mua vắc-xin tiêm không đúng chủng vi-rút đang lưu hành thì vắc-xin không thể phát huy được tác dụng".

Cơ quan chức năng cần kiên quyết trong việc xử lý các trường hợp không tiêm phòng theo quy định. Đối với những trường hợp để lây lan dịch có thể xử lý theo pháp luật.

THANH HÀ

 Giết mổ gia cầm mất vệ sinh

Mặc dù dịch cúm gia cầm đang diễn biến hết sức phức tạp, nhưng hoạt động giết mổ gia cầm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Chiều 25-2, ở các chợ Thanh Bình, Hải Tân, Đông Ngô Quyền (TP Hải Dương), ngoài gà đã giết mổ, có nhiều hộ bán gà sống. Khách hàng “ưng” con nào thì chủ hàng sẽ mổ theo yêu cầu. Thấy một khách hàng đến mua gà sống, chị Xoan ở chợ Thanh Bình đon đả: “Chị mua gà, em làm sạch sẽ cho". Nhìn một góc rất nhỏ, có hai thùng nước rửa gà nổi váng bẩn, đục ngàu, ở phản thịt bên trên, chị Xoan bày bán vịt, gà đã giết mổ, ở dưới là 3 lồng gà sống, trời mưa lầy lội khiến cho vị trí giết mổ gia cầm càng tối tăm hơn. Chúng tôi còn được biết nhà chị Xoan có máy làm lông gà, vịt và mổ. Với sự trợ giúp của chiếc máy này, chỉ 1 tiếng chị làm được 50 con gia cầm. 

Hoạt động giết mổ gia cầm mất vệ sinh còn diễn ra ở nhiều đám cưới, đám tang. Chứng kiến cảnh giết mổ gà trong 1 đám cưới ở xã Đại Đức (Kim Thành), chúng tôi thấy lông gà rải kín một khoảng sân, ướt át, bẩn thỉu. Làm xong, họ vứt gà xuống nền sân, lúc sau mang hết ra sông rửa, mổ và làm lòng, tiết gà đỏ au cả một khoảng sông. Tại nơi giết mổ gà, anh Nguyễn Văn An cho biết: “Chúng tôi cũng biết đang có dịch cúm gia cầm, nhưng nhà có việc thì vẫn phải làm chứ”. 

Hầu hết người giết mổ gia cầm đều khăng khăng khẳng định, gà mình làm có nguồn gốc rõ ràng và khi làm “sạch” rồi thì không còn lo dịch bệnh nữa. 

Mặc dù các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực trong công tác kiểm dịch kiểm soát các cơ sở giết mổ, nhưng một số điểm giết mổ nhỏ lẻ, tự phát vẫn chưa được kiểm tra hết. Ðể nâng cao hiệu quả công tác quản lý giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm, các ngành chức năng cần vào cuộc tích cực hơn, nhất là khi hiện nay tỉnh ta đã có dịch cúm gia cầm. 

MINH NGUYÊN



Hậu quả rất lớn


Toàn tỉnh hiện có khoảng 10 triệu con gia cầm, thủy cầm trong đó có 4 triệu con, sinh sản. Chỉ khoảng 50% số gia cầm, thủy cầm được tiêm vắc-xin cúm gia cầm. Điều này sẽ gây ra hậu quả rất lớn không chỉ cho từng người dân mà còn cho cả ngành chăn nuôi. Cúm gia cầm là do vi-rút gây ra. Trong điều kiện bình thường, vi-rút cúm gia cầm có thể sống được 20 ngày, nếu trong chuồng trại thì nó có thể sống đến 40 ngày. Càng trong điều kiện ẩm thấp, vệ sinh không sạch sẽ, gia cầm yếu thì nguy cơ vi-rút cúm bùng phát và lây lan càng mạnh. Một khi gia cầm đã bị vi-rút cúm tấn công thì chết nhanh, tỷ lệ chết lên đến 80%. Đối với những hộ không bị cúm thì việc tiêu thụ cũng khó khăn. Thậm chí người tiêu dùng sẽ tẩy chay trong những ngày có dịch khiến giá gia cầm xuống thấp. Sau dịch việc khôi phục chăn nuôi cũng mất nhiều công sức và tiền bạc.

PV


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người chăn nuôi vẫn lơ là