Người chăn nuôi ở Tứ Kỳ "mắc kẹt" vì dịch Covid-19

28/04/2020 16:08

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hộ nuôi gia cầm, thủy sản ở huyện Tứ Kỳ bị thua lỗ nặng.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tú ở thôn Quảng Xuyên, xã Chí Minh phải bán tháo 1 vạn con vịt đang thời kỳ đẻ trứng với giá rẻ

Bán cả vịt đẻ trứng

Trang trại của gia đình anh Nguyễn Công Điệp ở thôn Nghi Khê, xã Tân Kỳ đang nuôi 1.500 con gà lai chọi. Giá gà bán tại chuồng hiện từ 55.000 - 65.000 đồng/kg, giảm từ 20.000 - 30.000 đồng/kg so với thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19. Với giá này, mỗi con gà (trọng lượng trung bình 3 kg) anh Điệp lỗ khoảng 15.000 - 20.000 đồng. "Hiện 1.500 con gà đã quá 2 tháng xuất chuồng nhưng vẫn phải nằm im. Nếu tình hình dịch kéo dài thì đàn gà của gia đình tôi khó tiêu thụ, trong khi tôi vẫn phải chịu tiền cám của đại lý", anh Điệp cho biết. 

Gần 20 năm nuôi vịt, ngan đẻ trứng ấp, chưa bao giờ ông Nguyễn Văn Tú, chủ trang trại quy mô 15.000 con ở thôn Quảng Xuyên, xã Chí Minh lại rơi vào cảnh thua lỗ nặng và phải phá đàn bán tháo như bây giờ. Trước đây, mỗi ngày đàn vịt, ngan của gia đình ông đẻ được 1.100 quả trứng ngan và 6.000 quả trứng vịt, cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Nhưng từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, giá trứng ngan ấp giảm 5.000 đồng/quả, trứng vịt giảm 3.000 đồng/quả, mỗi quả trứng ông bị lỗ từ 1.000 - 2.000 đồng. Ông Tú than thở: "Trứng bán đã rẻ mà không có thương lái hỏi thu mua. Tôi phải phá đàn, bán tháo 1 vạn con vịt đang thời kỳ đẻ trứng với giá 28.000 đồng/kg. Số ngan còn lại cho nghỉ đẻ và nuôi dưỡng đợi tình hình khả quan hơn thì mới tiếp tục tái đàn".

Nuôi cầm cự

Không chỉ người nuôi gia cầm bị ảnh hưởng mà những hộ nuôi thủy sản ở huyện Tứ Kỳ cũng đang rơi vào cảnh lao đao. Hộ ông Nguyễn Chí Quốc ở thôn Hữu Chung là một trong những hộ nuôi cá lồng lớn ở xã Hà Thanh. Gia đình ông đang nuôi 16 lồng cá, chủ yếu là cá trắm, diêu hồng, cá lăng... Hằng năm, gia đình ông bán hơn 100 tấn cá, đạt doanh thu từ 500 - 600 triệu đồng. Hiện hơn chục lồng cá của gia đình ông đã đến thời kỳ xuất bán nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên vẫn "án binh bất động". "Mỗi ngày gia đình tôi tiêu tốn trên 10 triệu đồng tiền cám cho cá. Giờ đã đến thời kỳ xuất bán nhưng lại không có ai mua", ông Quốc cho biết.

Xã Hà Thanh hiện có khoảng 40 hộ nuôi cá trên sông Luộc với tổng số 340 lồng. Những năm trước, sản lượng cá của xã đạt khoảng 2.000 tấn cá/năm, cho doanh thu hàng chục tỷ đồng. Năm nay, do không bán được cá, thiếu vốn sản xuất, nhiều hộ đang phải gồng mình lo chi phí thức ăn cho cá, tiền điện, tiền lãi ngân hàng. Ông Nguyễn Trọng Tải, Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Hà Thanh cho biết: "Toàn xã có 480 tấn cá đã đến thời gian xuất bán nhưng tiêu thụ rất chậm. HTX đã khuyến cáo các hộ nuôi cá lồng hạn chế cho cá ăn cám, tăng cường cho ăn cỏ, chuối để giảm chi phí đầu tư".

Huyện Tứ Kỳ hiện có 680.000 con gia cầm, hơn 1.770 ha nuôi thủy sản. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc mua bán, thông thương của người dân bị ngưng trệ. Giá các loại gia cầm, thủy sản... đều giảm, khó tiêu thụ khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. 

TRẦN YẾN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người chăn nuôi ở Tứ Kỳ "mắc kẹt" vì dịch Covid-19