Người chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn thua thiệt

26/03/2015 09:50

Càng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thì nông dân càng phải mua thức ăn chăn nuôi với giá cao vì qua nhiều cấp đại lý, do đó bà con cần liên kết với nhau hoặc chăn nuôi tập trung...



Mua cám qua các đại lý, người chăn nuôi phải chịu giá cao từ 10.000 - 15.000 đồng/bao
so với lấy cám trực tiếp từ các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi

Cuộc cạnh tranh giành thị phần cung cấp thức ăn chăn nuôi vốn đã quyết liệt lại càng quyết liệt hơn khi có nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm này. Tuy nhiên, nông dân ít được hưởng lợi từ sự cạnh tranh đó.

Vẫn phải mua giá cao

Theo Cục Thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 28 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) trong đó, có nhiều thương hiệu lớn như Vina, ANT, Cargill... cùng với hàng chục hộ sản xuất TACN nhỏ lẻ, tổng sản lượng năm 2014 đạt gần 1 triệu tấn... Sự xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp sản xuất TACN, cùng hàng chục hãng sản xuất TACN ở các tỉnh lân cận về mở đại lý đã và đang tạo ra cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt để giành thị phần. Tuy nhiên, hầu hết những người chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ sự cạnh tranh này.

Ông Nguyễn Đình Tình ở thôn Kênh Triều, xã Thống Kênh (Gia Lộc) nuôi cá đã hơn 10 năm nay. Hiện tại, ông có 1 mẫu ao nuôi cá trắm, trôi, mè... Ông thường xuyên lấy cám tại đại lý cấp 1 của Công ty TNHH Cargill Việt Nam. Mỗi vụ cá dài khoảng 5 tháng. Mỗi tháng ông phải mua 50 bao cám làm thức ăn cho cá, chi phí khoảng 15 triệu đồng. Ông Tình cho biết, dù hiện nay rất nhiều loại TACN giá bán đã giảm khoảng 15.000 đồng/kg so với trước đây nhưng việc giảm giá này là do Nhà nước đã có chính sách miễn thuế giá trị gia tăng chứ không phải do các doanh nghiệp cạnh tranh mà giảm giá. Do đó, giá hiện vẫn ở mức cao nên nông dân thu lãi thấp. Mỗi vụ cá, ông phải mua gần 300 bao cám, trừ chi phí, chỉ lãi hơn 30 triệu đồng. Dù bỏ ra chi phí lớn để mua cám nhưng các hộ chăn nuôi nhỏ như ông Tình chưa thực sự hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của các doanh nghiệp như kỹ thuật nuôi, cách phòng trừ bệnh cho cá.

Chăn nuôi nhỏ lẻ nên ông Phạm Quý Cành ở thôn Thanh Xá, xã Liên Hồng (Gia Lộc) cũng không được hưởng ưu đãi từ các doanh nghiệp như giá TACN, kỹ thuật cách phòng, chống bệnh cho đàn vật nuôi. Trang trại của gia đình ông hiện nuôi 10 con lợn và 3 sào ao thả cá. Do không có vốn nên ông không đủ điều kiện mua cám trực tiếp từ công ty hay đại lý cấp 1 mà phải lấy tại các đại lý cấp 2, cấp 3. "Mua cám ở các đại lý này giá cao hơn từ 10.000-15.000 đồng so với lấy trực tiếp tại công ty. Nếu muốn trả chậm thì tôi phải chịu lãi suất cao tương đương với lãi suất của ngân hàng. Do đó, người chăn nuôi chúng tôi không có lãi, nếu có cũng chỉ lấy công làm lãi", ông  Cành chia sẻ.

Liên kết và chăn nuôi tập trung

Để hưởng lợi từ các chính sách bán hàng và chăm sóc khách hàng từ các doanh nghiệp, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong tỉnh đã tự liên kết với nhau tạo thành các nhóm hoặc câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi. CLB Nuôi thủy sản ở xã Liên Hồng (Gia Lộc) được thành lập để có thể trực tiếp mua TACN từ doanh nghiệp. Hiện nay, CLB có 28 thành viên, diện tích ao nuôi cá khoảng 16 ha. Các hội viên tự góp vốn, sau đó mua TACN của Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam. Ông  Lê Viết Xô, Chủ nhiệm CLB cho biết: "Mỗi tháng, CLB mua từ 10-12 tấn cám trực tiếp từ công ty phân phối. Với cách thức này, chúng tôi được doanh nghiệp hỗ trợ 1.000 đồng/kg cám".



Do chăn nuôi nhỏ lẻ nên hầu hết các hộ nông dân chưa được hưởng lợi từ sự cạnh tranh
của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi

Ngoài ưu đãi giá, các doanh nghiệp còn phối hợp với Hội Nông dân tổ chức hội thảo giới thiệu kỹ thuật chăn nuôi mới. Nếu mua TACN qua các đại lý thì người chăn nuôi chỉ được lãi ít, thậm chí không có lãi.

Trao đổi với đại diện các doanh nghiệp cũng như nhân viên thị trường của các hãng sản xuất TACN, hầu hết đều cho rằng, sở dĩ người chăn nuôi chưa được hưởng lợi nhiều từ các chính sách chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp chủ yếu do phần lớn nông dân vẫn chăn nuôi nhỏ lẻ. Việc phát triển các trang trại chăn nuôi, hình thành các CLB chăn nuôi chưa nhiều.

Anh Vũ Văn Tiêm, cán bộ thị trường của hãng TACN Cargill Việt Nam phân tích, càng chăn nuôi nhỏ lẻ thì nông dân càng phải mua TACN với giá cao vì qua nhiều cấp đại lý. Cách tốt nhất phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung hoặc tạo thành các vùng liên kết.

Các doanh nghiệp sản xuất TACN trong tỉnh luôn mong muốn giành được thị phần nên họ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, những chính sách này cũng chưa thực sự đến được với nông dân. Anh Nguyễn Hữu Trí, Phó Giám đốc Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Vina cho biết: “Nhà máy đặt tại Hải Dương nên doanh nghiệp luôn muốn sản phẩm trước hết phải bán được cho nông dân Hải Dương. Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất TACN phải cạnh tranh gay gắt để giành thị phần và người chăn nuôi sẽ có lợi nhất. Các doanh nghiệp ngoài cung cấp sản phẩm tốt, còn phải có những chuyên gia giỏi về kỹ thuật chăn nuôi để hướng dẫn bà con nông dân, nhất là các trang trại lớn. Tuy nhiên, do tập quán sản xuất còn khá manh mún, nhỏ lẻ nên các ưu đãi của doanh nghiệp vẫn chưa đến được với nông dân".

Từ lâu, tỉnh ta đã quan tâm hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, các trang trại chăn nuôi nhưng việc phát triển các vùng, trang trại còn chậm. Vì vậy, trước mắt để được hưởng lợi từ sự cạnh tranh của các doanh nghiệp, bà con nông dân cần liên kết với nhau theo các mô hình CLB, HTX chăn nuôi. Về lâu dài, tỉnh cần tiếp tục quan tâm phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, các trang trại chăn nuôi lớn.

VŨ ÚY - TRẦN HIỀN


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn thua thiệt