Ở Trung tâm Nhân đạo Hồng Ngọc, có một người được hàng trăm người nơi đây gọi là bố. Đó là ông Lê Minh Đức, thương binh hạng 2/4.
Bác Đức động viên, chia sẻ với công nhân xưởng thêu
Hơn 200 người ở Trung tâm Nhân đạo Hồng Ngọc (Công ty TNHH Hồng Ngọc) nhưng có tới gần 80% là người khuyết tật do tai nạn, bẩm sinh, nạn nhân chất độc da cam và cả những người mà một phần cơ thể của họ mãi mãi để lại nơi chiến trường. Trong đó có một người được hàng trăm người nơi đây gọi là bố. Đó là ông Lê Minh Đức, thương binh hạng 2/4.
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Thọ Lâm, Thọ Xuân (Thanh Hóa), tháng 3-1967, ông Đức tình nguyện lên đường nhập ngũ. Ông tham gia chiến dịch Mậu Thân, Khe Sanh (Quảng Trị) và bị thương, sau đó trở về đơn vị cũ tiếp tục làm nhiệm vụ huấn luyện. Tháng 11-1970, ông tiếp tục lên đường vào Nam chiến đấu tại chiến dịch Nguyễn Huệ - Kai Lậy (Tiền Giang) và bị địch cướp đi con mắt bên phải. Năm 1976, ông trở về xây dựng quê hương mới ở thị trấn Sao Đỏ (nay là phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh) và có nhiều năm tham gia hoạt động xã hội như Bí thư Đoàn thị trấn, Tổ trưởng khu phố Nguyễn Trãi I và nay là Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hồng Ngọc.
Sau khi nghỉ hoạt động công tác đoàn thể ở địa phương, năm 1996, ông vào làm bảo vệ tại Trung tâm Nhân đạo Hồng Ngọc (chuyên sản xuất, bán hàng thủ công mỹ nghệ cho khách du lịch nước ngoài). Qua tìm hiểu thị hiếu khách hàng, ông mạnh dạn đề xuất với Ban Giám đốc mở thêm nghề chạm khắc đá. Nhiều tác phẩm tạo ra bởi đôi mắt, bàn tay của những người thợ giỏi đến từ nhiều vùng miền trong nước đã thu hút khách du lịch, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho công nhân. Hiện cán bộ, nhân viên ở đây có thu nhập bình quân từ 2-4 triệu đồng/người/tháng.
Với sự đóng góp tích cực của mình, ông đã được công ty tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Công đoàn năm 1998. Đến nay, hàng trăm con người được ông tuyển chọn vào đây phần đông là người khuyết tật, thương binh. Ông đã giúp họ vượt lên chính mình “tàn nhưng không phế”, có ích cho gia đình và xã hội. Tùy theo mức độ sức khỏe mà họ được phân công đảm đương những công việc phù hợp như thợ thêu, thợ may, sơn mài, nhân viên bán hàng...
Trong giờ giải lao, chúng tôi "mục sở thị" hàng trăm con người làm việc ở đây với những cảnh đời éo le, có người lưng còng gập xuống, có người phải bò, lết bằng cả đôi tay... Họ được về đây học nghề và làm việc. Ông Đức là người thường xuyên gần gũi, chia sẻ với họ, tiếp thêm nghị lực, niềm tin cuộc sống để họ vượt lên chính mình.
Em Tăng Văn Thảo, một trong những người khuyết tật ở đây nói với chúng tôi: “Bố Đức tốt lắm. Nhiều người được bố Đức và Ban Giám đốc đón về học nghề, làm việc tại trung tâm. Ở đây, chúng em không chỉ nuôi được bản thân mà hằng tháng vẫn có khoản dư dật đáng kể gửi về phụ giúp gia đình. Nhiều lúc em nghĩ, nếu không có bố Đức và trung tâm, cuộc sống của chúng em không biết sẽ ra sao..."
Chia tay với mọi người trong trung tâm, chúng tôi đến nhà ông Đức. Ngôi nhà mái bằng, kiến trúc tuy cũ nhưng rất ấm cúng bởi nó được bao bọc trong thiên nhiên xanh với những cây như ổi, bưởi, hồng, đào, chậu hoa, cây cảnh được tỉa tót gọn gàng. Tất cả đều do đôi bàn tay ông tự tạo từ mấy chục năm nay.
Bà Nhung cho biết: “Mấy hôm nay thay đổi thời tiết, ông nhà lại đau, không đi làm được. Mấy chục năm nay rồi vẫn cứ thế, muốn đau thay cho ông nhưng không được. Ông không bao giờ than phiền con cháu, từ khi có cháu nội, cháu ngoại, mỗi lúc vết thương tái phát, ông cũng chỉ cười và nói với các cháu “chỉ ngày mai là ông khỏi”. Có khách đến chơi ông không bao giờ chịu nằm, coi như mình chẳng có mệnh hệ gì... Nhưng hôm nay... các chú thấy đấy...
Chừng ấy năm biết bao nhiêu đợt trái nắng trở trời, biết bao cơn đau đã hành hạ ông. Hôm nay, chúng tôi đã hiểu vì sao ông phải “phá cách” không ngồi dậy tiếp đón chúng tôi. Ông nằm đó khuôn mặt hao gầy, mái tóc bạc, đôi mắt sáng, giọng nói nhẹ nhàng: “Các chú thông cảm cho tôi”. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với ông Đức kéo dài theo chuỗi kỷ niệm về một thời tuổi trẻ hào hùng oanh liệt và sự cố gắng vươn lên trong cuộc sống: “Tôi có được như ngày hôm nay cũng may mắn hơn nhiều đồng đội; đa phần họ đã hy sinh, giờ còn sức khỏe phải tiếp tục cố gắng hơn nhiều các chú ạ…”
NGUYỄN HỒNG PHA