Luật phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi đã bổ sung thẩm quyền cho chủ tịch UBND cấp xã và tòa án ban hành quyết định cấm tiếp xúc khi có căn cứ thấy rằng hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của nạn nhân.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo Quốc hội bấm nút thông qua luật
Chiều 14.11, với 465/474 ý kiến biểu quyết, Quốc hội đã thông qua Luật phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi.
Một trong những điểm mới so với luật năm 2007 là sửa đổi, bổ sung biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Trong đó bổ sung biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng đối với người có hành vi bạo lực gia đình. Theo đó, công việc phục vụ cộng đồng là công việc có quy mô nhỏ trực tiếp phục vụ cho lợi ích của cộng đồng nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú.
Hoạt động gồm tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng.
Chủ tịch UBND cấp xã nơi người có hành vi bạo lực gia đình cư trú quyết định và tổ chức cho người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.
Ngoài ra, luật cũng bổ sung biện pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình.
Bổ sung thẩm quyền cho chủ tịch UBND cấp xã và tòa án ban hành quyết định cấm tiếp xúc khi có căn cứ thấy rằng hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của nạn nhân; bổ sung quy định về giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc.
Bổ sung quy định để bảo vệ người tham gia phòng, chống và báo tin, tố giác về bạo lực gia đình.
Một điểm mới nữa của luật là quy định về định nghĩa bạo lực gia đình và cụ thể về 16 hành vi bạo lực gia đình, dựa trên các yếu tố về bạo lực thể chất, tinh thần, kinh tế và tình dục.
Ngoài 16 hành vi bạo lực gia đình, luật cũng nêu một số hành vi bị cấm gồm kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng ép người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình; trả thù, đe dọa trả thù người giúp đỡ người bị bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, tố giác...
Luật cũng nêu rõ người đã ly hôn; người chung sống như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn, của người chung sống như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi với nhau cũng được xác định là những mối quan hệ có phát sinh bạo lực gia đình.
Luật sửa đổi cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo đó, bổ sung trách nhiệm của Bộ Y tế trong bồi dưỡng nhân viên y tế thực hiện tư vấn, chăm sóc, điều trị nạn nhân bạo lực gia đình.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện thống kê, báo cáo các trường hợp người bị bạo lực gia đình được tiếp nhận và trợ giúp; Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ người học bị bạo lực gia đình; bổ sung trách nhiệm của công an xã trong tổ chức, thực hiện một số biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình...
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Thúy Anh cho hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật.
Chú trọng đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình và bố trí, huy động đủ nguồn lực cho việc tổ chức thi hành luật.
Chính phủ được đề nghị nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan; huy động sức mạnh của cộng đồng, xã hội tham gia vào hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình...
Theo Tuổi trẻ