Ở xóm Hạ Hồi (Hà Nội) có một nghệ sĩ nhiếp ảnh gắn bó cả đời với nghề nghiệp. Trong căn nhà chật chội chỉ 20m2 được Nhà nước phân phối, ông nằm ở cái giường bé tẹo, chỉ rộng khoảng 70cm, còn bà lão ngủ trên gác xép. Giường của ông đầy sách báo, các tập ảnh... Ảnh của ông chủ yếu về Hà Nội, nhất là ảnh Hồ Gươm thì nhiều vô kể. Có một bài báo viết về ông, đã ví, nếu đem rải số ảnh của ông quanh Hồ Gươm thì phải mấy vòng mới hết.
Ông chính là nghệ sĩ Quang Phùng, đã cầm máy hơn nửa thế kỷ. Ông chụp ảnh Hà Nội cả ngày nắng lẫn ngày mưa. Có tấm ảnh hoa phượng phải mất 30 năm quan sát, ông mới chụp được ưng ý. Ông từng theo dõi một nhân vật chuyên gắn với Hồ Gươm và phải 6 tháng liền, chụp cả một quyển sách ảnh về cháu. Bao nhiêu tiền, ông "đốt" cả cho ảnh. Được cái bà vợ ông rất tuyệt vời. Bà là nghệ sĩ violon Nguyễn Thị Chín, thuộc lớp đầu tiên của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Lương bà mỗi tháng 6 triệu, lo liệu mọi việc trong nhà, còn bà để ông tự sử dụng số tiền lương 2 triệu của mình để làm ảnh. Năm 2008, ở tuổi 76, bị tai biến, liệt toàn thân, đã tưởng nghệ sĩ phải bỏ nghề. Vậy mà ông kiên trì luyện tập, rồi nhúc nhắc đi lại được lại cầm máy. Tình yêu của nghệ sĩ Quang Phùng đã được vinh danh trong lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, ở hạng mục Giải thưởng lớn năm 2013.
Ngoài nhiếp ảnh, nghệ sĩ Quang Phùng còn viết truyện, nổi tiếng là cuốn Con đường sấm sét. Cuốn sách đã tái bản tới 7 lần, mỗi lần được nhuận bút 5-10 triệu đồng và ông lại dùng tiền này để làm ảnh, một đam mê suốt đời.
VƯƠNG BẠCH