Việc nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt là việc làm cần thiết, nhằm hạn chế số lượng phương tiện giao thông cá nhân, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông và giảm chi phí đi lại của nhân dân trên địa bàn.
Hiện nay trên địa bàn có 8 tuyến xe buýt ngoại tỉnh, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân |
Trong lần về TP Thái Bình bằng xe buýt chúng tôi ngồi xen giữa một đám thanh niên ồn ã. Làm quen rồi mới biết, đây toàn là những chàng trai, cô gái của vùng quê lúa đang học và làm việc ở TP Hải Dương. Trí - cậu sinh viên năm cuối của Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương bảo: "Cả nhóm học xong cấp 3, đứa thì đi học, đứa khác lại làm trong các khu công nghiệp. Vốn đồng niên lại ở cùng TP Hải Dương nên mỗi lúc về quê đều rủ nhau đi một lượt". Nhi - cô công nhân Công ty May Tinh Lợi cũng hưởng ứng: "Những lúc cuối tuần thế này lại là dịp bạn bè trong nhóm gặp gỡ đông đủ nhất". Và trong suốt hơn 70km về TP Thái Bình, chuyến xe buýt luôn đầy ắp tiếng cười. "Cũng may - Nhi nói thêm - từ ngày có tuyến xe buýt này, mọi người đều chăm chỉ về quê hơn để bố mẹ đỡ mong". Trong nhóm hầu như ai cũng có xe máy, nhưng chỉ dùng để đi lại từ nhà trọ đến chỗ làm, còn di chuyển xa thế này đi xe buýt vẫn là thuận nhất. Nhi nhẩm tính: "Em ở tận chợ Mễ, Tân Phong, huyện Vũ Thư, từ TP Thái Bình về nhà còn hơn 3km nữa, nếu đi xe máy thì mệt lắm. Với giá vé toàn tuyến chỉ 25 nghìn đồng (giá xăng gần 17 nghìn đồng/lít nếu đi xe máy), xe buýt vừa rẻ, vừa an toàn”.
Không chỉ người có thu nhập hạn chế như công nhân lao động hoặc học sinh, sinh viên, mà nhiều người khác chọn phương tiện này còn vì đặt tiêu chí an toàn giao thông lên hàng đầu. Với ông Nguyễn Hồng Hiện đang công tác ở TP Hải Dương, đi xe buýt có lâu hơn một chút nhưng còn hơn dùng xe máy. Nếu đi bằng xe máy từ Ngọc Liên - xã cuối cùng của huyện Cẩm Giàng quê ông để đến được TP Hải Dương thì vất vả lắm. Chưa nói đến chuyện, quốc lộ 38 từ quê ông, rồi ra quốc lộ 5 lượng xe cộ ngày càng đông đúc nên đi xe buýt để bảo đảm an toàn. Chỉ bỏ ra chưa đến 20 nghìn đồng, mỗi ngày 2 lượt ông Hiện ngồi xe buýt đi về, "mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu". Và từ đó, các tài xế xe buýt tuyến Bắc Ninh - Hải Dương đều quen với hình ảnh sáng sớm tinh mơ có một ông cán bộ trang phục chỉn chu xách ca-táp đứng chờ xe buýt.
Với lợi thế về địa lý và hệ thống giao thông phát triển, Hải Dương đang là địa phương đứng thứ 2 khu vực miền Bắc (sau Hà Nội) về sự hoàn thiện hệ thống xe buýt. Nói về những ngày đầu, ông Nguyễn Hùng, cán bộ Sở Giao thông - Vận tải nhớ lại: Đúng ngày 30-10-2005 kỷ niệm giải phóng TP Hải Dương, chuyến xe buýt đầu tiên từ TP Hải Dương đi bến Lương Yên (Hà Nội) khởi hành. Đây là tuyến buýt với sự liên kết của Công ty CP Xe khách Hải Hưng, Công ty Liên doanh Seoul và Tổng Công ty Vận tải Hà Nội. Với giá vé toàn tuyến ngày ấy chỉ 8.000 đồng, xuất phát từ bến xe Hải Dương, sau vài tháng hoạt động xe buýt đã thu hút được lượng hành khách khá lớn. Để đi Hà Nội, thay vì phải ra quốc lộ 5 đón xe hay ra ga mua vé tàu hỏa thì nay người dân chỉ cần đứng ở vỉa hè là có xe buýt.
Vốn có nhiều kinh nghiệm do là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn khai thác loại hình vận tải này, ông Nguyễn Thành Đông, Giám đốc Công ty CP Xe khách Hải Hưng cho biết: Cái khó lớn nhất của doanh nghiệp khi mở tuyến xe buýt là tạo dựng được niềm tin với khách hàng. Để làm được điều này, mỗi doanh nghiệp cần có ý thức xây dựng đội ngũ phục vụ theo đúng tiêu chí của nhân viên xe buýt. Đó là tác phong, lời ăn tiếng nói và trang phục để tạo thiện cảm với hành khách. Thời điểm hiện tại, với khoảng 230 xe buýt các loại đã khai thác và phục vụ tương đối đầy đủ nhu cầu đi lại của người dân. Do vậy, điều quan trọng nhất hiện nay là với số lượng hiện có, các doanh nghiệp cần tích cực đổi mới cung cách phục vụ, cải tạo, nâng cấp phương tiện, hoạt động đúng tần suất đăng ký... để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân.
Ý kiến của ông Nguyễn Thành Đông cũng là mong muốn chung của những người có trách nhiệm và đông đảo hành khách đã và đang sử dụng phương tiện xe buýt. Hiện nay, với 8 tuyến xe ngoại tỉnh, ở một số địa phương có 2 hãng cùng hoạt động, như các xe đi Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ninh, Bắc Giang và Bắc Ninh, đồng thời, có tới 9 tuyến xe buýt phục vụ trong tỉnh, tất cả các huyện, thị xã, thành phố đều có xe buýt đến điểm cuối hoặc chạy qua. Do đó, việc nâng cao chất lượng phục vụ của loại hình dịch vụ vận tải này là việc làm cần thiết, nhằm hạn chế số lượng phương tiện giao thông cá nhân, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông và giảm chi phí đi lại của nhân dân trên địa bàn.
TIẾN HUY